Cao Bằng: Lộ diện ông trùm "vàng tặc" lộng hành, bức tử môi trường tại huyện Bảo Lâm

Quá trình truy vết “vàng tặc” tại xóm Đoàn Kết (thôn Pắc Kén cũ), xã Nam Cao, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) vô cùng trầy trật.  

Bắt đầu từ sáng ngày 17/2/2022, sau nhiều giờ loay hoay lội bùn lầy ruộng thụt tìm kiếm, nhóm phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam cũng chỉ tiếp cận được những hầm hố lán trại, quần áo vải bạt cũ rích, dấu vết bỏ lại của việc đào bới khai thác vàng sa khoáng dạng cuốn chiếu từ dưới ngược lên phía đầu nguồn.

z3207185522561_9a8a859df4223a148891b07eebec6b8f

Dấu vết đào đãi vàng đã cũ, bỏ lại trước đó vài tháng.

Khoảng cách giữa người và nơi để xe mỗi lúc một xa, ước chừng cũng đã tới hơn 2 km lội suối, thật khó để phân biệt những chỗ nông sâu bởi nguồn nước nơi đây chỉ một mầu đỏ đục.

Đặc sánh bùn đất nên chúng tôi cũng chỉ biết nhằm chỗ nào nước chảy có vẻ hơi xiết hơn, là lựa đặt từng bước chân xuống đó, để khỏi bị thụt lủm tới ngang người.

Nhiều khúc suối có nhiều cây cối đổ ụp phủ kín, chẳng còn phân biệt được lối nào mà đi nữa, lại phải rẽ rừng trèo lên đồi len lỏi qua những bụi gai rậm rạp, rồi tìm lại lối mòn của những người gùi gạo thực phẩm dầu mỡ phục vụ việc đào đãi vàng trước đó.

z3207160928931_32a004cdf5df01503339a73c2e0d5c96

Khu ruộng bậc thang rộng hàng nghìn m2 của gia đình ông H ở thôn Pác Kén.

Hình như có tiếng máy nổ, mọi người chợt dừng cả lại lắng tai nghe, và quả thật, lẫn trong tiếng róc rách của nguồn nước ngầu đỏ đục, chúng tôi đã lần lượt cùng xác nhận với nhau là có tiếng động cơ ở phía trước mặt.

Tất cả xốc lại đồ nghề rồi háo hức di chuyển, để rồi lại thất vọng khi đập vào mắt vẫn chỉ là cảnh tượng tan hoang với những núi đất đỏ au nối tiếp bóp nghẹt dòng suối bức tử môi trường.

Tuy nhiên lần này thì đã xuất hiện một chiếc máy xúc đang hoạt động nhưng không phải đào bới mà đang san lấp cả một khu ruộng hàng nghìn m2 trong tình trạng "hoàn thổ" sau khi đã khai thác xong.

273981778_1124215251661713_4501460729827817144_n

Ông H (thôn Pắc Kén) đang chỉ cho phóng viên diện tích đất  được đào bới lấy vàng. 

Một người đàn ông trạc khoảng 50 tuổi giới thiệu tên H niềm nở tiếp chúng tôi và hỏi: “Mấy anh em lên tìm Tr hả ? Nó làm xong khu này từ trong tết rồi, bây giờ chuyển lên tít trên kia cơ. Đây là máy xúc của nó  đang san lại ruộng cho nhà tôi thôi”.

Được biết ý định mua đất làm vàng của chúng tôi. Ông H thổ lộ: “Vừa rồi nhà mình bán cho Tr, các nhà khác ở đây cũng bán hết rồi, bây giờ thì khó đấy chỉ có đi làm lại của Tr thôi !”

Theo chỉ dẫn của ông H, chúng tôi lại phải quay ngược lại nơi để xe và vòng về nhà văn hóa thôn Pắc Kén, ở đó mới có đường cho xe xuống tận bãi vàng.

z3194610187220_49e5082d3ab2976715d7f935617c5306
z3194610205400_c6a88c8c318d832aeca8c61beddd0d57

Lán trại và các vật dụng nằm la liệt bên bờ suối.

Vậy là lại phải trải qua một quá trình vật lộn với địa hình rừng rú hiểm trở nữa nên ai nấy đều tỏ vẻ mệt mỏi và thất vọng nhưng sau đó, do có ông H nhiệt tình chỉ lối nên chúng tôi cũng đã nhanh chóng tìm được đường về mà không đến nỗi vất vả như lúc trước.

Tại khu vự giáp nhà cộng đồng thôn Pác Kén, một con đường nhỏ vừa vệt bánh xe lại tiếp tục dẫn chúng tôi xuống suối nơi đang diễn ra cả một đại công trường rầm rộ.

z3207281415221_aba5e21f2d1c1ef3b736175c913b0112

Điểm đầu tiên của đại công trường đào đãi vàng.

Trời đã ngớt mưa, dòng suối đỏ như máu có phần đặc sánh hơn đoạn dưới vì từ đây trở ngược lên đầu nguồn, dòng suối này đang chịu sự quấy đảo của hàng loạt máy móc thiết bị.

Nhiều giàn sàng tuyển cao lớn chôn chân nơi mép nước, những cỗ máy xúc đồ sộ thi nhau vục đất đá đổ lên máng có hệ thống phun nước công suất lớn để tuyển rửa lấy vàng sa khoáng.

z3194383895414_537c7b7c516764683ce93e6ab03c6acb

Máy xúc hối hả làm công việc đào đãi vàng tại thôn Pắc Kén.

Những ánh mắt xoi mói ban đầu đã dịu lại khi thấy chúng tôi tỏ vẻ thân thiện, hiểu biết về các phương thức đào đãi vàng và có ý định tìm địa điểm tham gia nên đã được mời vào lán trại, cố nuốt hớp rượu đắng ngòm của một phu vàng vừa rót mời, chúng tôi đặt vấn đề lo ngại về độ an toàn khi đang khai thác liệu có bị chính quyền "sờ gáy" ? thì được trấn an và phân tích rõ luật và lệ ...

"Ông T là chủ bãi này vừa về khỏi đây, bọn anh vào sớm chút nữa thì gặp. Để tồn tại được lâu dài thì ông ấy phải có quan hệ. Còn ông Tr đang làm trên đầu nguồn kia mới hoành tráng chứ dưới này ăn thua gì ?"  Một người quản lý cho biết thêm.

z3194383883130_b0b73bd598ed3a79354c021d03b7a023
z3194375257943_c5c2d56a61092bce38fc06fca8cc046c

Những ụ đống đổ thải và những vũng ao rải kín lòng suối

Nhận thấy từ đâu đó đang có dấu hiệu buông lỏng quản lý và tiếp tay cho các đối tượng "vàng tặc" ở đây tồn tại, PV đã liên vệ với các cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng.

Trao đổi với PV Báo Pháp luật Việt Nam, ông Mã Gia Hãnh, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho biết: "Sau khi tiếp nhận thông tin của PV, tôi đã chỉ đạo các lực lượng chức năng vào cuộc, xử lý nghiêm các đối tượng trên".

Còn ông Nguyễn Trung Thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cũng cho biết: "Tôi sẽ chỉ đạo các lực lượng vào cuộc xử lý nghiêm".

Đề nghị Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Cao Bằng chỉ đạo cơ quan Công an và các lực lượng chức năng khác vào cuộc xác minh, làm rõ những đối tượng khai thác vàng trái phép trên, đồng thời làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức đã buông lỏng quản lý, thậm chí làm ngơ cho các đối tượng trên lộng hành.

Theo tìm hiểu của PV Báo Pháp luật Việt Nam, trên địa bàn xã Nam Cao, huyện Bảo Lâm được UBND tỉnh Cao Bằng cấp Giấy phép khai thác khoáng sản cho Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Đông. Doanh nghiệp này được phép khai thác bằng phương pháp hầm lò tại mỏ Nam Quang.

Trong quá trình khai thác, doanh nghiệp này đã bị UBND huyện Bảo Lâm xử phạt hành chính vì gây ô nhiễm môi trường.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Tiếp, Trưởng phòng Đo đạc và Khoáng sản (Sở TNMT tỉnh Cao Bằng) cho biết, Sở TNMT đã tham mưu cho tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản cho 2 doanh nghiệp là Nguyễn Đông và Thế Dũng.

Chúng tôi sẽ thông tin về quá trình khai thác và các hồ sơ pháp lý liên quan đến 2 doanh nghiệp này.

 

Nguồn: Phapluatplus.vn