Chạy đua, kê khống tiền từ thiện có vi phạm pháp luật không?

Khi cơn bão số 3 (Yagi) đi qua, nó không chỉ để lại những thiệt hại về vật chất mà nó còn là đem đến những tổn thất nặng nề cho con người. Bên cạnh các mạnh thường quân, Nhà nước cũng tích cực kêu gọi người dân cả nước chung tay ủng hộ miền Bắc, khắc phục thiệt hại. Để kêu gọi từ thiện, rất nhiều người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội đã tiên phong hành động, chụp lại hình ảnh bản thân chuyển khoản đến Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và công khai lên mạng xã hội. Những tấm ảnh với hàng loạt con số “0” nối đuôi nhau, đã hoàn hảo xây dựng lên trong mắt công chúng về vẻ đẹp “người tốt, việc tốt" của nghệ sĩ, người nổi tiếng. Giữa “cuộc chạy đua từ thiện” ủng hộ đồng bào vùng lũ, tinh thần “chuyển khoản, đóng góp" được lan truyền mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Sẽ không có gì đáng nói về sự nhiệt tình và lòng hảo tâm của các “mạnh thường quân online”, “CEO mạng” cho đến khi Ủy ban MTTQ Việt Nam công khai hơn 12.000 trang sao kê tiền ủng hộ nhận được từ các cá nhân, tổ chức tính đến ngày 13/09/2024. Chỉ trong tích tắc, những tấm ảnh chụp chuyển khoản bỗng chốc bốc hơi khỏi mạng xã hội như cái cách những con số 0 biến mất. Số tiền 500.000.000 đồng sau khi được “check var" lại chỉ còn vỏn vẹn trăm ngàn đồng. Nhiều người nổi tiếng đã bị cư dân mạng “soi” ra hành vi “cắt ghép", chỉnh sửa hình ảnh chuyển khoản từ vài chục ngàn đồng thành vài chục triệu đồng hay thậm chí cả tỷ đồng chỉ để “sống ảo”, tìm kiếm sự hào nhoáng.

Việc tạo được dấu ấn trong lòng công chúng vốn là mục tiêu hàng đầu của người nổi tiếng, tuy nhiên hành vi thổi phồng số tiền quyên góp để đánh bóng tên tuổi, trục lợi trong những thời điểm nhạy cảm như thiên tai, dịch bệnh lại là một điều được cho là vô cùng thiếu đạo đức. Có ý kiến cho rằng, ngoài bị xã hội tẩy chay, những hành vi này nên bị pháp luật trừng trị vì gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh xã hội, làm mất niềm tin giữa các cá nhân với nhau và làm phân tâm sự chú ý của mọi người khỏi những vấn đề thật sự cấp bách như cứu trợ, khắc phục thiệc hại.

Phóng viên Tạp chí điện tử Nhân lực Nhân tài Việt đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với Luật sư Lê Hoàng Phúc An (Văn phòng Luật sư Hãng luật Lê Phong) về vấn đề này. 

Phóng viên: Thưa bà Phúc An, hiện nay tình hình chạy đua kê khai quyên góp ủng hộ đồng bào khắc phục sau lũ vẫn đang diễn ra sôi nổi. Bên cạnh những hình ảnh “người thật, việc thật” thì việc khai khống số tiền chuyển khoản chính là vấn đề gây nhức nhối dư luận hiện nay. Nhiều câu hỏi đặt ra rằng việc cắt ghép, chỉnh sửa hình ảnh chuyển khoản rồi đăng trên mạng xã hội có phải là hành vi vi phạm pháp luật hay không? Về vấn đề này xin mời Luật sư Phúc An giải đáp.

Luật sư Phúc An: Trên thực tế việc công bố, kê khai số tiền chuyển khoản để làm từ thiện thuộc quyền tự do của mỗi cá nhân và không có quy định định pháp luật cụ thể. Tuy nhiên, việc kê khai gian dối, làm giả số tiền chuyển khoản nhằm lấy được niềm tin của mọi người, từ đó kêu gọi để nhận tiền tự thiện rồi ăn chặn, chiếm đoạt có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

luat-su-phuc-an-1-1727426685.jpg
Luật sư Lê Hoàng Phúc An (Văn phòng Luật sư Hãng luật Lê Phong)

Cụ thể, căn cứ theo quy định tại Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 (về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ANTT, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, PCCC, cứu nạn, cứu hộ, phòng chống bạo lực gia đình) thì hành vi sửa đổi, giả mạo sao kê tiền ủng hộ để ăn chặn tiền từ thiện có thể sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng (đồi với cá nhân) và gấp đôi với tổ chức. Đồng thời, cá nhân, tổ chức sẽ phải nộp lại số lợi bất hợp pháp hoặc trả lại tài sản chiếm giữ trái phép. 

Cá nhân, tổ chức nào có hành vi lợi dụng hình ảnh chuyển khoản để tạo dựng uy tín của bản thân sau đó kêu gọi nhận tiền từ người khác nhằm chiếm đoạt một phần tiền hoặc toàn bộ số tiền (từ 4 triệu trở lên) thì phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (theo quy định tại Điều 175 bộ luật hình sự năm 2015). Hành vi này có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm tuỳ tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi. 

Ngoài việc “chạy đua tuyền thông” để “phông bạt”, “sống ảo", trên thực tế còn có nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh để sử dụng các chiêu trò lừa đảo như: cung cấp thông tin giả, thông tin sai lệch về tình hình cứu trợ từ đó chiếm đoạt tài sản của người quyên góp. Hành vi đưa ra những thông tin gian dối, lợi dụng sự thương cảm, lòng hảo tâm của mọi người để chiếm đoạt tài sản từ 2 triệu đồng trở lên có thể bị phạt tù đến chung thân (theo quy định tại Điều 176 Bộ luật hình sự 2015).

Phóng viên: Xin cảm ơn những thông tin hữu ích của bà!

Nguồn:Nguonluc.com.vn