Đầu tư và xây dựng TNG: Từ ông lớn ngành nước đến những cuộc M&A đình đám (Bài 3)

Bài 3: Sau 2 năm về tay Đầu tư và Xây dựng TNG, Xây dựng số 9 - VC9 làm ăn ra sao?

Sau 2 năm bị Đầu và Xây dựng TNG "thâu tóm", VC9 có kết quả kinh doanh ảm đạm, cảnh báo rủi ro treo lơ lửng. Tính đến giữa năm nay, doanh nghiệp lỗ lũy kế hơn 103 tỷ đồng. Vốn góp của chủ sở hữu đã giảm mạnh từ 170 tỷ đồng xuống còn hơn 63,1 tỷ đồng.

VC9 - dấu gạch nối giữa hệ sinh thái DNP và Đầu tư Xây dựng TNG

VC9 từng là công ty con của Vinaconex (HOSE: VCG). Cuối năm 2017, VCG đã bán ra 2,19 triệu cổ phần VC9, giảm tỉ lệ sở hữu tại VC9 từ 55,75% xuống chỉ còn 36,94%. Tới tháng 11/2021, VCG đã thoái toàn bộ 4,32 triệu số cổ phần VC9 còn lại.

Số cổ phần VCG bán ra bằng đúng số cổ phần hai cổ đông lớn mới sở hữu là ông Nguyễn Minh Quang và ông Trần Mạnh Hiếu.

Đầu tư và xây dựng TNG: Từ ông lớn ngành nước đến những cuộc M&A đình đám (Bài 3)
Một dự án nhà máy nước VC9 tham gia thi công, Ảnh website công ty

Theo tìm hiểu, chủ mới lúc này của VC9 là nhóm DNP của đại gia Vũ Đình Độ. Đại diện của nhóm này thực tế đã tiếp nhận quyền quản trị, điều hành VC9 thay cho các đại diện của VCG kể từ quý 3/2021 - trước cả khi VC9 ra tin chính thức về việc thay đổi nhân sự ở HĐQT và Ban điều hành.

Thậm chí, ông Nguyễn Minh Quang là người đã từng nắm giữ cả triệu cổ phiếu CVT của Công ty CP CMC, công ty mà DNP đã hoàn tất thâu tóm vào đầu năm 2021. Cũng chính ông Quang là nhà đầu tư chuyên nghiệp đã tham gia đợt chào bán riêng lẻ 80 triệu cổ phiếu của Tasco (HUT)

Cho đến tháng 10/2022, Đầu tư và Xây dựng TNG đã gây chú ý với thương vụ gom hơn 6,2 triệu cổ phiếu VC9 tương đương tỷ lệ sở hữu 53,1%. Cùng lúc đó, ông Trần Mạnh Hiếu, nhà đầu tư cá nhân, đã bán toàn bộ 2 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 17,1%) và không còn là cổ đông lớn. Ông Nguyễn Minh Quang, nhà đầu tư cá nhân, đã bán toàn bộ 2,32 triệu cổ phiếu và không còn là cổ đông lớn. Các giao dịch này đều thực hiện ngày 18/10/2022 - ngày Đầu tư và Xây dựng TNG mua vào.

Dù không công bố cụ thể, nhưng với khối lượng giao dịch lớn như trên, có lẽ đây là giao dịch sang tay của 2 nhà đầu tư này.

Đáng chú ý, Đầu tư và Xây dựng TNG cũng có mối liên hệ mật thiết với nhóm DNP - nhóm cổ đông lớn đang sở hữu tỷ lệ chi phối tại Tasco. Được biết, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng TNG là nhà thầu thi công Nhà máy nước sạch DNP - Bắc Giang, nhà máy nước Nhị Thành (Long An). Đây đều là những dự án lớn của DNP Holding. Trong một thông tin công bố trên website, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng TNG cho biết, Công ty CP Nhựa Đồng Nai (DNP) là một trong những đối tác tiêu biểu cung cấp ống nhựa và vật tư thiết bị ngành nước HDPE cho Công ty.

Theo tìm hiểu, ông Vũ Anh Tuấn, người đại diện của VC9 từng có thời gian đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc của DNP Water. Còn ông Vũ Đình Độ từng giữ chức Chủ tịch của DNP Holding.

Như vậy, mặc dù DNP Holding của ông Vũ Đình Độ đã thoái toàn bộ vốn khỏi VC9 và “nhường sân” lại cho Đầu tư và Xây dựng TNG từ tháng 10/2022 nhưng VC9 vẫn nằm trong tầm ảnh hưởng của hệ sinh thái này.

Trải qua quá trình tăng vốn, số lượng cổ phiếu VC9 lưu hành trên thị trường tăng lên nhanh chóng, cùng với đó giảm tỷ lệ sở hữu của Đầu tư và Xây dựng TNG tại VC9 từ 53,1% xuống còn 36,53%. Điều này đồng nghĩa với việc không có cổ đông nào có thể đạt được tỷ lệ 65%. Đầu tư và Xây dựng TNG vẫn có sự kiểm soát đặc biệt trong việc đưa ra các quyết định quan trọng thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.

Giá trị tài sản sụt giảm mạnh

Gần 2 năm sau khi về tay Đầu tư và Xây dựng TNG, hiệu quả kinh doanh của VC9 vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện và thậm chí đang nằm trong diện bị cảnh báo.

Cụ thể, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, VC9 ghi nhận doanh thu thuần đạt 109 tỷ đồng, tăng 42,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên giá vốn tăng nhanh hơn đã khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp bị bào mòn đáng kể, lui về mốc 12,6 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ.

Doanh thu từ hoạt động tài chính giảm mạnh hơn so với mức giảm của chi phí tài chính dẫn đến thu nhập của VC9 ở mảng tài chính nhìn chung có phần kém khả quan. Cùng với đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 21,2% cũng góp phần làm lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp giảm mạnh 42,3%.

Điểm sáng hiếm hoi trong nửa đầu năm của VC9 có lẽ đến từ hoạt động thu nhập khác khi giảm số lỗ đáng kể so với nửa đầu năm 2023, từ âm 960 triệu đồng thành âm 280 triệu đồng, qua đó công ty đạt lãi ròng 510 triệu đồng, tăng 24,9% so với mức nền rất thấp của năm 2023.

Tính đến thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản VC9 ghi nhận ở mức 876 tỷ đồng, giảm 12,1% so với đầu năm, kéo dài đà giảm giá trị tài sản suốt nhiều năm qua. Cụ thể, tài sản của VC9 được ghi nhận chủ yếu trên Hàng tồn kho và Khoản phải thu ngắn hạn.

Đầu tư và xây dựng TNG: Từ ông lớn ngành nước đến những cuộc M&A đình đám (Bài 3)
Giá trị tài sản của VC9 giảm sút khá nhanh

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, Nợ ngắn hạn chiếm phần lớn (72%) ghi nhận giảm 16,2% so với hồi đầu năm, các chỉ tiêu vay và nợ thuê ngắn hạn/dài hạn đều giảm giúp doanh nghiệp nhẹ “gánh” chi phí lãi vay.

Đáng chú ý, cổ phiếu VC9 bị đưa vào diện cảnh báo kể từ tháng 3/2024 vì LNST chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 là số âm. Tính đến giữa năm nay, con số này đang là âm hơn 103 tỷ đồng. Như vậy, VC9 đang gặp áp lực rất lớn trong việc triển khai các hoạt động kinh doanh của mình để đưa mức LNST chưa phân phối về dương, nhằm giúp doanh nghiệp thoát khỏi diện cảnh báo.

Để xử lý vấn đề này, Ban lãnh đạo VC9 đã đề ra lộ trình khắc phục lỗ lũy kế trong giai đoạn 2023-2028 bằng cách tập trung tìm kiếm khách hàng, đối tác và các dự án mới để tăng doanh thu hàng năm, định hướng tái cơ cấu lại các lĩnh vực kinh doanh của VC9, ưu tiên vào các mảng kinh doanh có biên độ lợi nhuận cao như Silo ống khói, nhà xưởng công nghiệp, nhà máy nước...

Cắt giảm các chi phí không cần thiết nhằm mục tiêu đảm bảo chất lượng và hạ giá thành sản phẩm; đề xuất sự hỗ trợ của các ngân hàng để giảm chi phí tài chính. Tích cực đẩy mạnh công tác thu hồi công nợ khách hàng để hoàn nhập trích lập dự phòng phải thu khó đòi (hiện tại số trích lập là 28.8 tỷ).

Nhìn chung, VC9 đã và đang tích cực tìm kiếm các gói thầu xây lắp nhằm gia tăng doanh thu. Tuy nhiên tài sản và kỳ vọng của doanh nghiệp này nằm ở những dự án bất động sản trong đó có dự án tại huyện Mê Linh giai đoạn 2 hiện vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh quy hoạch chi tiết, chưa hoàn thiện về pháp lý.

Nguồn: Kinh tế chứng khoán