Không đối thủ, Liên danh Viễn thông Elcom - Giao thông Thủy bộ Bình Định trúng gói thầu ngành giao thông

Sở GTVT tỉnh Bình Định vừa có Quyết định 399/QĐ-SGTVT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thi công xây dựng, mua sắm và lắp đặt thiết bị, thuộc Dự án xây dựng thí điểm 02 trạm kiểm tra phương tiện tự động trên địa bàn tỉnh.

Theo Quyết định này, nhà thầu trúng thầu là liên danh gồm: Công ty CP Công nghệ - Viễn thông Elcom và Công ty CP Giao thông thủy bộ Bình Định. Trước đó, kết quả mở thầu vào ngày 13/5/2024 cho thấy liên danh này cũng là nhà thầu duy nhất tham gia.

Gói thầu có giá dự toán 21.952.836.000 đồng, giá trúng thầu của liên danh ở mức 21.733.277.000 đồng, giảm giá không đáng kể. Thời gian thực hiện hợp đồng trong 6 tháng.

Không có đối thủ, Liên danh Viễn thông Elcom trúng thầu tại Sở GTVT Bình Định
Hai trạm kiểm tra phương tiện tự động đặt trên QL19 mới và QL19C, tỉnh Bình Định. Ảnh: Doãn Công

Theo mô tả, công việc chính của gói thầu gồm xây dựng 2 đoạn tuyến với chiều dài khoảng 300m trên tuyến QL19 mới và QL19C để lắp đặt trạm cân tự động và các thiết bị khác phục vụ việc kiểm tra phương tiện lưu thông trên đường.

Đây là dự án thuộc nhóm C do Sở GTVT Bình Định làm chủ đầu tư và trực tiếp quản lý dự án.

Gói thầu nêu trên là lần đầu tiên Viễn thông Elcom đặt dấu ấn tại tỉnh Bình Định. Dữ liệu cho thấy, Công ty từng trúng ít nhất 87 gói thầu tại nhiều địa phương trong cả nước. Trong đó nhiều nhất là Hà Nội, rồi đến TP HCM, Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng...

Đối tác thân quen của Viettel

Chỉ tính riêng tại Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel Group), Viễn thông Elcom đã tham gia 14 gói thầu, được công bố trúng 11 gói, trượt 3 gói.

Viễn thông Elcom là đối tác quen thuộc tại Viettel
Viễn thông Elcom là đối tác quen thuộc tại Viettel với giá trị trúng thầu rất lớn

Mới đây nhất, vào quý 3/2023, Đại tá Tào Đức Thắng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel đã ký Quyết định 8901/QĐ-CNVTQĐ-ĐTH công bố Viễn thông Elcom trúng thầu Gói 02-2023-MTD: Mua sắm giải pháp nâng cấp cho các mạng truyền dẫn DWDM đang sử dụng thiết bị của Ciena và dịch vụ liên quan.

Gói thầu này nằm trong Dự án đầu tư mở rộng mạng truyền dẫn DWDM/Viba năm 2022, có tổng mức đầu tư hơn 848 tỷ đồng. Đáng chú ý, kết quả mở gói thầu vào 17/7/2023 cho thấy, Viễn thông Elcom là đơn vị duy nhất tham gia.

Gói thầu có giá 219.125.851.659 đồng, giá trúng thầu của Viễn thông Elcom là 214.899.353.800 đồng. Thời gian giao hàng trong 140 ngày. Được biết, gói thầu này sẽ thực hiện tại các địa phương gồm TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.

Ngoài ra, Viễn thông Elcom còn trúng loạt gói thầu khác do Viettel mời thầu, chủ yếu trong giai đoạn trước 2023. Có thể kể đến gói 22-2020-MTD: Mua sắm mở rộng dung lượng thiết bị DWDM Ciena (liên danh cùng Công ty CP N.D.C; giá trúng thầu hơn 204,6 tỷ đồng); Gói 12-2021-MTD: Mua sắm các giải pháp mở rộng mạng truyền dẫn DWDM Ciena (120,8 tỷ đồng)...

Một số chủ đầu tư khác ghi nhận sự góp mặt thường xuyên của Viễn thông Elcom có thể kể đến gồm Tổng công ty Viễn thông Mobifone (trúng 6/11 gói), Cảng vụ Hàng hải TP HCM (trúng 14/18 gói).

Trong giai đoạn 2019 – 2021, Viễn thông Elcom trúng 3 gói thầu về cải tạo xây dựng và cung cấp, lắp đặt thiết bị, phần mềm tại Báo điện tử VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam), tổng giá trị theo hợp đồng hơn 175,6 tỷ đồng.

Công ty CP Công nghệ - Viễn thông Elcom thành lập vào tháng 7/2003, đặt trụ sở tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Trong lần đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 30 (vào quý 1/2024), vốn điều lệ của Công ty ở mức trên 822,9 tỷ đồng. Ông Phan Chiến Thắng, Chủ tịch HĐQT Elcom đang là cổ đông lớn nhất khi nắm 7,91% cổ phần Công ty.

Báo lãi tăng hơn 120% trong quý đầu năm 2024 nhưng dòng tiền kinh doanh của Viễn thông Elcom bị âm nặng
Báo lãi tăng hơn 120% trong quý đầu năm 2024 nhưng dòng tiền kinh doanh của Viễn thông Elcom bị âm

Bám khá sát ông Thắng ở tỷ lệ sở hữu lần lượt gồm Công ty CP Chứng khoán SSI (5,78%); Trần Hùng Giang (5,78%); Samarang Ucits - Samarang Asian Prosperity (5,76%); PYN Elite Fund (5,76%); Nguyễn Mạnh Hải (5,74%).

Về tình hình tài chính, quý 1/2024, Viễn thông Elcom ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 107,3 tỷ đồng, tăng 24,9% so với cùng kỳ. Dù vậy giá vốn cao khiến lãi gộp chỉ ở mức 21,3 tỷ đồng, giảm 27,8% so với quý 1/2023.

Doanh thu tài chính trong kỳ ở mức 10 tỷ đồng, tăng đến 8,3 lần; kéo lợi nhuận thuần đạt mức 8,2 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ. Khấu trừ hết các loại phí và thuế, Viễn thông Elcom báo lãi 7,3 tỷ đồng sau 3 tháng đầu năm, tăng đến 121,2% so với quý 1/2023.

Elcom cho biết, trong kỳ, Công ty đã ghi nhận lãi từ việc chuyển nhượng một số khoản đầu tư tài chính nên doanh thu tài chính tăng mạnh. Đây cũng là động lực kéo lãi ròng Công ty tăng cao so với kỳ so sánh.

Tổng tài sản Công ty tại 31/3/2024 đã giảm gần 300 tỷ đồng so với đầu năm, xuống còn 1.554,6 tỷ đồng, chủ yếu do tài sản ngắn hạn giảm mạnh. Tất cả các khoản mục gồm tiền và tương đương tiền, đầu tư tài chính, các khoản phải thu ngắn hạn, hàng tồn kho đều giảm so với đầu năm 2024. Trong khi đó, các khoản phải thu và hàng tồn kho vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản ngắn hạn.

Về nguồn vốn, nợ phải trả của Công ty giảm từ 668,9 tỷ đồng đầu năm 2024 xuống còn 395,1 tỷ đồng tại 31/3/2024, với phần lớn là nợ ngắn hạn.

Trong Quý I/2023, mặc dù báo lãi tăng cao so với cùng kỳ, dòng tiền kinh doanh của Công ty bị âm đến 83 tỷ đồng (cùng kỳ âm 4,3 tỷ đồng). Điều này cho thấy lợi nhuận vẫn chỉ nằm trên sổ sách, Công ty vẫn đang bị chiếm dụng vốn lớn.

Nguồn: Kinh tế chứng khoán