Kinh doanh sa sút, cổ phiếu bị "chuyển án", ĐHCĐ Bất động sản Điện lực miền Trung (LEC) dự báo sẽ "rất nóng"

Cổ phiếu vào diện kiểm soát

Ngày 25/6, cổ phiếu LEC của Công ty CP Bất động sản Điện lực miền Trung (HOSE: LEC) chính thức bị đưa vào diện kiểm soát. Trước đó, ngày 18/6/2024, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) đã ban hành Quyết định số 329/QĐ-SGDHCM về việc đưa cổ phiếu LEC vào diện kiểm soát.

Lý do là vì tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 đã được kiểm toán của LEC, thuộc diện chứng khoán bị cảnh báo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 37 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/03/2022 của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Kinh doanh sa sút, cổ phiếu bị
Ngày 14/06/2017, LEC có phiên giao dịch đầu tiên trên sàn HOSE với giá tham chiếu là 11.000 đ/cp

Được biết, trước khi về diện kiểm soát, cổ phiếu LEC đã bị HOSE đưa vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 27/05/2024. Lý do là bởi Bất động sản Điện lực Miền Trung chậm nộp BCTC năm 2023 đã được kiểm toán quá 45 ngày so với thời gian quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị hạn chế giao dịch. Do đó, cổ phiếu LEC chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch, theo phương thức khớp lệnh tập trung và giao dịch thỏa thuận, kể từ ngày 27/05.

Trước đó, cổ phiếu LEC bị chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát từ ngày 09/05, do chậm nộp BCTC năm 2023 đã được kiểm toán quá 30 ngày so với thời gian quy định.

Công ty cũng đã có báo cáo khắc phục chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023. Đối với việc chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 quá 15 ngày so với thời hạn quy định, Bất động sản Điện lực Miền Trung trình bày lý do: Vì đây là đơn vị kiểm toán mới thực hiện việc kiểm toán báo cáo tài chính năm 2023 lần đầu và số lượng công ty con phân bố rải rác tại nhiều tỉnh thành. Vì vậy, đơn vị kiểm toán cần nhiều thời gian hơn cho việc kiểm toán tại các công ty con, dẫn đến việc phát hành báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 bị chậm so với quy định.

Bất động sản Điện lực Miền Trung cũng "hứa" chậm nhất đến ngày 10/5/2024, doanh nghiệp sẽ thực hiện việc công bố Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện được việc này.

Kinh doanh sa sút, cổ phiếu bị
Trích văn bản giải trình của doanh nghiệp

Kinh doanh sa sút nghiêm trọng

Bên cạnh việc cổ phiếu liên tiếp "luân chuyển án", Bất động sản Điện lực Miền Trung cũng đang trải qua một giai đoạn đầy thách thức với tình hình kinh doanh sa sút nghiêm trọng.

Theo tài liệu Đại hội, Ban lãnh đạo LEC cho biết, năm 2023 là một năm khó khăn của doanh nghiệp khi tổng doanh thu thực hiện đạt 104,3 tỷ đồng, giảm 57% so với năm trước. Trong đó, riêng doanh thu công ty mẹ giảm tới 73,26%, chủ yếu do doanh thu hoạt động xây lắp giảm mạnh, đồng thời các công ty con như Công ty CP Vui chơi Thế hệ Mới, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Phúc Tiến, Công ty CP Đầu tư Xây dựng P&P cũng ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm.

Bên cạnh đó, doanh thu tài chính sụt giảm cùng chi phí tài chính tăng mạnh là nguyên nhân trọng yếu dẫn tới kết quả năm 2023 lỗ gần 31 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lỗ 8,89 tỷ đồng.

Về cơ cấu tài chính, tính tới hết năm 2023, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của LEC lên tới 395,6 tỷ đồng, chiếm tới 64% nợ phải trả ngắn hạn và 63% nợ phải trả chung.

Vay nợ cao, song doanh nghiệp lại đang gặp thế khó với tài sản ngắn hạn (ở mức 800,67 tỷ đồng), tuy nhiên, chiếm tới 92,2% là các khoản phải thu ngắn hạn. Các khoản phải thu ngắn hạn đều nằm ở nhóm công ty liên quan trong hệ sinh thái PPC An Thịnh, bao gồm, Công ty CP PPC An Thịnh Đà Nẵng (332,5 tỷ đồng), Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại An Thịnh (31,3 tỷ đồng)… Bất động sản điện lực miền Trung là công ty con thuộc hệ sinh thái nổi tiếng PPC An Thịnh của doanh nhân Nguyễn Kháng Chiến.

Sang đến quý 1/2024, công ty tiếp tục ghi nhận thua lỗ. Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024 của LEC ghi nhận doanh thu đạt hơn 13,4 tỷ đồng, giảm 65,9% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận gộp giảm 50,5% đạt 1,45 tỷ đồng. Nhưng chi phí tài chính lên tới 5,4 tỷ đồng, chi phí bán hàng gần 1,4 tỷ đồng. Kết quả, ba tháng đầu năm công ty ghi nhận thua lỗ 3,69 tỷ đồng.

Đại hội dự kiến sẽ "rất nóng"

Được biết, 29/6 tới đây, LEC sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024. Đại hội lần này được cho là sẽ "rất nóng" khi có nhiều vấn đề mà cổ đông quan tâm tại LEC hiện nay.

Theo tài liệu đại hội Công ty vừa công bố, năm 2024, LEC đặt ra với mục tiêu doanh thu 508 tỷ đồng (trong đó doanh thu từ hoạt động xây lắp 340,94 tỷ đồng, doanh thu từ thương mại – dịch vụ là 167,11 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế hơn 8 tỷ đồng.

Theo LEC, nguồn doanh thu chính sẽ đến từ việc thực hiện các hợp đồng thi công cho Dự án Tổ hợp Ánh Dương – Soleil Đà Nẵng, bên cạnh thực hiện các thủ tục tìm đối tác mới để triển khai dự án Khu phức hợp EVN – Land Đà Nẵng – Giai đoạn 2.

Tuy nhiên, kế hoạch trên có lẽ sẽ là thách thức rất lớn đối với LEC, nhất là khi Dự án Tổ hợp Ánh Dương – Soleil Đà Nẵng đang gặp khó khăn về cả tài chính và việc kinh doanh các sản phẩm đầu ra trong bối cảnh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho phân khúc Condotel còn cần thêm thời gian để cân nhắc.

Ghi nhận thực tế cho thấy, từ đầu năm tới nay, dự án này vẫn chưa có dấu hiệu hoạt động xây dựng trở lại, công trường thi công gần như không có công nhân ra vào. Được biết, Công ty CP PPC An Thịnh Đà Nẵng là chủ đầu tư Dự án Tổ hợp Ánh Dương Soleil, tổng diện tích là gần 2,2 ha. Quy mô gồm 1 tòa khách sạn và 3 tòa căn hộ du lịch, cao từ 50 - 57 tầng; sản phẩm hơn 3.800 căn, trong đó gần 3.100 căn hộ du lịch. Các căn hộ tại dự án được rao bán ra thị trường từ năm 2020, giá từ 2,3 tỷ đồng/căn.

Kinh doanh sa sút, cổ phiếu bị
Tổ hợp Ánh Dương Soleil Đà Nẵng nằm trên lô "đất vàng" tại giao lộ Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Morrison

Nguồn: Kinh tế chứng khoán