Kịp thời đưa các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua đi vào cuộc sống

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV - Ảnh: VGP

Nhiều chính sách mới, quan trọng

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã trình bày Báo cáo dẫn đề về tình hình triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Mặc dù số lượng các dự án luật, dự thảo nghị quyết quy phạm trình Quốc hội tại Kỳ 7 là lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay (25 luật, nghị quyết), với nhiều dự án, dự thảo có nội dung phức tạp, phạm vi tác động rộng nhưng hầu hết hồ sơ đã được chuẩn bị đảm bảo chất lượng, đúng quy trình, thể chế hoá đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Trong quá trình soạn thảo, trình, Chính phủ đã phối hợp với các cơ quan liên quan kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, qua đó đảm bảo tiến độ, chất lượng trình như: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng; các dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố Đà Nẵng, tỉnh Nghệ An…

Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, Chính phủ và cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục được thực hiện linh hoạt, chủ động hơn, cho nên, mặc dù có những điều chỉnh về chương trình, nội dung Kỳ họp, trong đó có những vấn đề gấp, khó nhưng vẫn bảo đảm thông suốt.

Có dự án trình Quốc hội theo quy trình 2 kỳ họp nhưng đã vượt tiến độ, trình theo quy trình 1 kỳ họp như Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); có dự án luật được Chính phủ đề xuất soạn thảo theo thủ tục rút gọn với sự quyết tâm cao độ nhằm đẩy nhanh thời điểm có hiệu lực, sớm đưa quy định luật vào cuộc sống (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng). Các dự án đề nghị bổ sung vào Chương trình đồng thời với việc cho ý kiến hoặc thông qua được thực hiện hiệu quả và nhận được sự đồng thuận cao từ phía các cơ quan, đại biểu Quốc hội và Nhân dân cả nước.

Trên cơ sở đó, các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao (có luật được thông qua với tỷ lệ 100% như Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp).

Kịp thời đưa các luật, nghị quyết mới đi vào cuộc sống

Ngay sau khi kết thúc kỳ họp của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các Kế hoạch để triển khai thi hành các luật, nghị quyết. Đến nay, nhiều Kế hoạch đã được hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền như Luật Đường bộ; Luật Thủ đô; Luật Lưu trữ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Cảnh vệ;...

Để kịp thời đưa các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua đi vào cuộc sống, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương đã khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương phổ biến luật, nghị quyết.

Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp với các cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức biên soạn Tài liệu giới thiệu nội dung cơ bản các luật mới để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia.

Các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện cập nhật, đăng tải toàn văn nội dung văn bản lên Cổng/Trang thông tin điện tử để cán bộ và Nhân dân dễ tiếp cận. Các cơ quan truyền thông đã có hàng nghìn tin, bài để giới thiệu, phổ biến về nội dung cơ bản của các luật, nghị quyết.

Các đại biểu tham dự Hội nghị - Ảnh: VGP

Sau khi 13 luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, các bộ, cơ quan ngang bộ đã chủ động rà soát, lập Danh mục văn bản quy định chi tiết để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành (Quyết định số 717 ngày 27/7/2024). Theo đó, để quy định chi tiết các luật, nghị quyết này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải ban hành 121 văn bản, trong đó một số luật phải ban hành nhiều văn bản như Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (44 văn bản), Luật Bảo hiểm xã hội (14 văn bản), Luật Đường bộ (12 văn bản), Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (12 văn bản)…

Đặc biệt, các bộ, ngành phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành 16 văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai, 7 văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở, 4 văn bản quy định chi tiết Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 01/8/2024. Kết quả, đến nay, các văn bản đều đã được các bộ hoàn thành việc soạn thảo, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành để kịp thời có hiệu lực đồng bộ với luật.

Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp với các bộ rà soát, gửi thông báo đến Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh những nội dung luật, nghị quyết giao chính quyền địa phương quy định chi tiết. Theo đó, chính quyền địa phương phải ban hành văn bản để quy định chi tiết 120 nội dung, trong đó có 95 nội dung được giao tại 3 luật, 2 nghị quyết và 25 nội dung giao tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở (có hiệu lực từ 01/8/2024).

Trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục bám sát 5 nhóm nhiệm vụ, yêu cầu trọng tâm để triển khai thi hành có hiệu quả các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, trong đó lưu ý cần sớm hoàn thiện, trình ký ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện hiệu quả các kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết – Phó Thủ tướng cho hay và yêu cầu chính quyền địa phương khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết 120 nội dung được giao.

Trên cơ sở các tài liệu phổ biến luật, nghị quyết đã được xây dựng, tổ chức tuyên truyền, quán triệt rộng rãi, tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu nội dung và tinh thần của các luật, nghị quyết cho cán bộ, công chức, viên chức, báo cáo viên pháp luật của bộ, ngành trực tiếp triển khai thi hành văn bản luật nhằm giúp các bộ, công chức, viên chức hiểu đúng, rõ nội dung và tinh thần đạo luật, tạo niềm tin, khắc phục bệnh sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương- Ảnh: VGP

“5 tạo lập” của thể chế đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết thay mặt Chính phủ trân trọng cảm ơn sự phối hợp, hỗ trợ, đồng hành chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ, của các cơ quan của Quốc hội với các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.

Về tầm quan trọng của công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược, chủ trương lớn của Đảng; đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh định hướng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường,... tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững.

Thể chế phải đi sớm, đi trước mở đường cho đột phá phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo, đáp ứng tốt nhu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh một số nội dung về tầm quan trọng của công tác xây dựng hoàn thiện thể chế, pháp luật; những kết quả đạt được; những tồn tại, hạn chế; bài học kinh nghiệm; nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới - Ảnh: VGP

Trong bối cảnh tình hình diễn biến nhanh, công việc nhiều, đòi hỏi cao, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt, đổi mới sáng tạo trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật với tư duy, cách làm, phương pháp luận phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước; cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, người dân và doanh nghiệp tích cực tham gia quá trình này và mọi chính sách phải hướng tới người dân, doanh nghiệp theo cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ", khi pháp luật đi vào cuộc sống được Nhân dân đồng tình, hưởng ứng, phục vụ Nhân dân và các yêu cầu phát triển đất nước.

Thủ tướng Chính phủ khái quát "5 tạo lập" của thể chế đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước: (i) Tạo lập cơ sở pháp lý để kiến tạo, phát triển năng lực các chủ thể, phát huy đúng vai trò của từng chủ thể; (ii) Tạo lập cơ chế, chính sách huy động và phân bổ mọi nguồn lực; điều tiết hài hòa lợi ích phát triển giữa các chủ thể; (iii) Tạo lập "sân chơi" lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, phù hợp, hiệu quả đối với các chủ thể trong từng lĩnh vực; (iv) Tạo lập khung khổ pháp lý phù hợp để hội nhập quốc tế có hiệu quả cao, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; (v) Tạo lập cơ chế vận hành, kiểm soát có hiệu quả, khắc phục, phòng ngừa các rủi ro, tiêu cực.

Về các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần tiếp tục quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; phân công "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả" trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật.

Thủ tướng chỉ rõ phương châm hành động "5 đẩy mạnh" gồm: Đẩy mạnh tiến độ, chất lượng xây dựng luật theo đúng tiến độ đề ra; đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn; đẩy mạnh công tác rà soát, hệ thống hóa và pháp điển hóa; đẩy mạnh cơ chế phân công, phân cấp, phân quyền phù hợp, khả thi, hiệu quả các cơ quan trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Để triển khai đồng bộ, hiệu quả các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng được đề ra tại Văn kiện Đại hội XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, nhất là Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Cùng với đó, bám sát những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể về triển khai đối với từng luật, nghị quyết được thông qua; khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội; bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Tuân thủ nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khẩn trương xây dựng, ban hành, trình ban hành 121 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 để kịp thời có hiệu lực cùng với luật, nghị quyết. Chuẩn bị kỹ để thực hiện các chính sách, quy định mới có hiệu lực sớm hơn so với hiệu lực chung của luật; quy định chi tiết, hướng dẫn triển khai đối với các nội dung chuyển tiếp nhằm tạo cơ sở cho việc thực hiện thông suốt, thống nhất, tránh tạo khoảng trống pháp lý.

Tăng cường công tác quán triệt, phổ biến, giới thiệu các chính sách, nội dung của luật, nghị quyết và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp hiểu đúng, đầy đủ các quy định.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính chủ động của đội ngũ công chức, gắn với tăng cường giám sát, kiểm tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong thi hành pháp luật; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức.

Chủ động rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập phát sinh, nhất là các bất cập liên quan đến thủ tục hành chính, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ việc rà soát, kiến nghị xử lý các vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật với việc rà soát, kiến nghị xử lý các thủ tục hành chính không phù hợp, gây phiền hà, làm tăng chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp…

Nguồn: Cổng thông tin Chính phủ