Tân Tạo (ITA) bị nhắc nhở vì chậm trễ, 30 công ty kiểm toán đều "quay lưng"

Ngày 4/9/2024, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) tiếp tục nhắc nhở Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (HOSE: ITA) về việc chậm công bố báo cáo tài chính riêng và hợp nhất soát xét bán niên 2024. Đây không phải lần đầu tiên Tân Tạo bị nhắc nhở, trước đó, HOSE cũng đã nhiều lần nhắc nhở doanh nghiệp này vì chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 và báo cáo thường niên 2023, dẫn đến việc cổ phiếu ITA bị cắt margin từ ngày 3/1/2024 và hạn chế giao dịch từ ngày 16/7/2024 (chỉ được giao dịch trong phiên chiều).

Tân Tạo (ITA) bị nhắc nhở vì chậm trễ, 30 công ty kiểm toán đều
Cổ phiếu ITA bị hạn chế giao dịch từ ngày 16/7/2024 do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023.

Ngày 27/8/2024, Tân Tạo đã có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HOSE xin tạm hoãn công bố thông tin các báo cáo trên với lý do không tìm được đơn vị kiểm toán. Theo công ty, cả 30 công ty kiểm toán được cấp phép kiểm toán cho các đơn vị công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán đều từ chối kiểm toán cho Tân Tạo.

Tân Tạo cho biết, nguyên nhân khiến các công ty kiểm toán e ngại là do lo ngại về việc bị đình chỉ tư cách kiểm toán viên, như trường hợp của 4 kiểm toán viên từng thực hiện kiểm toán cho Tân Tạo trong các năm 2021, 2022 và bán niên 2023. Những kiểm toán viên này đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đình chỉ hành nghề trong 2 năm, gồm 2 kiểm toán viên thuộc Công ty Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán phía Nam (AASCS) và 2 kiểm toán viên từ Công ty TNHH Ernst & Young.

Phía Tận Tạo cho biết thêm, hiện tại Công ty đang nỗ lực tìm kiếm và thuyết phục các công ty kiểm toán để hoàn thành báo cáo tài chính. Tuy nhiên, việc có thể tìm được đơn vị kiểm toán hay không còn phụ thuộc vào "các biện pháp bảo vệ quyền lợi của cổ đông và nhà đầu tư từ phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE)." Đồng thời, công ty cũng đề nghị HOSE xem xét hủy bỏ quyết định đưa cổ phiếu ITA vào diện hạn chế giao dịch đã ban hành trước đó.

Các công ty kiểm toán từ chối kiểm toán cho Tân Tạo có thể do lo ngại về những yếu tố nội bộ phức tạp của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ, đưa ra các đánh giá độc lập và minh bạch sẽ giúp kiểm toán viên giảm bớt những lo ngại tiềm tàng.

Đến nay, vẫn chưa có thông tin chính thức về lý do cụ thể khiến 4 kiểm toán viên bị đình chỉ, nhưng trong giai đoạn 2021 - 2022, Tân Tạo đã gặp phải nhiều vấn đề nhạy cảm liên quan đến các báo cáo tài chính.

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính tự lập, quý 2/2024 vừa qua, Tân Tạo ghi nhận doanh thu đạt 70,88 tỷ đồng, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế của Công ty vẫn tăng mạnh 84,4%, đạt 44 tỷ đồng.

Đáng nói, dù lợi nhuận tăng nhưng lợi nhuận gộp lại giảm 25,4%, còn 30,4 tỷ đồng, kéo theo biên lợi nhuận gộp giảm từ 50,1% xuống 42,9%. Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận tăng trưởng đến từ chi phí tài chính âm 20,9 tỷ đồng, thay vì hoạt động kinh doanh cốt lõi. Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp được cắt giảm đáng kể, chỉ còn gần 3 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Tân Tạo đạt doanh thu thuần 142,2 tỷ đồng, không thay đổi so với năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 64,6%, đạt 64,2 tỷ đồng. So với kế hoạch kinh doanh năm 2024, với mục tiêu doanh thu 530 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 178 tỷ đồng, Tân Tạo mới hoàn thành 26,8% doanh thu và 36,1% lợi nhuận mục tiêu năm.

Tân Tạo là doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi của người sáng lập và Chủ tịch HĐQT Đặng Thị Hoàng Yến và em trai bà, Đặng Thành Tâm, người đang giữ vai trò Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC). Tân Tạo là chủ đầu tư của nhiều dự án khu công nghiệp và dân cư lớn tại khu vực phía Nam, nổi bật là Khu công nghiệp Tân Tạo và Khu công nghiệp Tân Đức.

Cổ phiếu ITA của Tân Tạo niêm yết trên HOSE từ ngày 15/11/2006 với giá khởi điểm 54.000 đồng/cp, và từng đạt đỉnh 169.000 đồng/cp vào tháng 2/2007, đưa bà Đặng Thị Hoàng Yến vào danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán thời điểm đó. Tuy nhiên, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ 2008 - 2010, Tân Tạo bắt đầu đối mặt với khó khăn do đầu tư mở rộng sang nhiều lĩnh vực ngoài cốt lõi như bất động sản, điện, và đào tạo.

Từ năm 2021, doanh nghiệp tiếp tục vướng vào nhiều vấn đề pháp lý. Tháng 9/2022, Tổng cục Thuế đã yêu cầu rà soát số liệu thuế của Tân Tạo, và phối hợp với ngân hàng để xác minh số tiền tạm ứng cho bà Đặng Thị Hoàng Yến 1.973 tỷ đồng để tham gia dự án tại Mỹ (theo báo cáo tài chính quý 2/2022). Sau khi báo chí lên tiếng, Tân Tạo đã điều chỉnh khoản tạm ứng này xuống còn 633 tỷ đồng và đưa ra lý do là hạch toán sai.

Tháng 8/2024, cơ cấu cổ đông của Tân Tạo ghi nhận diễn biến đáng chú ý khi Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Tân Đông Phương, tổ chức liên quan đến Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến, đăng ký mua thêm 5,8 triệu cổ phiếu ITA. Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 26/8/2024 đến 24/9/2024 theo phương thức thỏa thuận. Nếu thành công, Tân Đông Phương sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại Tân Tạo lên 12,46% vốn điều lệ, với ước tính chi phí gần 23 tỷ đồng.

Hiện tại, cổ phiếu ITA bị hạn chế giao dịch từ ngày 16/7/2024 do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, chỉ được giao dịch trong phiên chiều. Tính từ đầu năm 2024, ITA đã mất gần một nửa giá trị, hiện ở mức 3.410 đồng/cp tại phiên giao dịch chiều ngày 9/9/2024.

Nguồn: Kinh tế chứng khoán