Tăng cường bảo đảm TTATGT sau Tết Nhâm Dần 2022

van tai

Ảnh minh họa.

Yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện Công điện số 1725/CĐ-TTg ngày 13 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội xuân năm 2022; Quyết định số 1966/QĐ-BGTVT ngày 16/11/2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT và Công điện số 32/CĐ-BGTVT ngày 15/12/2021 của Bộ Giao thông vận tải, Bộ GTVT cũng chỉ thị Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp, đôn đốc Sở Giao thông vận tải các địa phương tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, đặc biệt tập trung vào các quy định bảo đảm an toàn giao thông đối với lái xe kinh doanh vận tải.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông đường thủy tăng cường kiểm tra các phương tiện chở khách, đặc biệt là phương tiện chở khách từ bờ ra đảo, bến tàu phục vụ du lịch, lễ hội; đình chỉ hoạt động của các phương tiện chở khách không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, vi phạm quy định về đăng ký, đăng kiểm, không trang bị đủ dụng cụ cứu sinh, chở quá số người quy định, người điều khiển phương tiện thủy không có bằng, chứng chỉ chuyên môn. Phối hợp với địa phương tập trung kiểm tra công tác bảo đảm an toàn phương tiện thủy nội địa tại các khu vực có lễ hội lớn, như Lễ hội chùa Hương, các lễ hội đua thuyền trên toàn quốc.

Cục Đường sắt  Việt  Nam chỉ  đạo  lực  lượng Thanh  tra đường sắt tăng cường kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, nhất là đội ngũ trực ban, lái tàu, gác đường ngang, gác cầu chung và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra tai nạn do lỗi chủ quan gây ra.

Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các Cảng vụ hàng không tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn, an ninh hàng không, các dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; phối hợp với các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông không để xảy ra ùn tắc giao thông tại sân bay và khu vực lân cận; Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát và có biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa các sự cố uy hiếp đến hoạt động vận chuyển hàng không; bảo đảm tuyệt đối an ninh trật tự, an toàn hàng không trong mọi tình huống;

Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo các Cảng vụ hàng hải tiếp tục  triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hàng hải, đặc biệt là các tuyến vận tải hành khách từ bờ ra đảo.

Bộ GTTVT cũng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tăng cường kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, nhất là đội ngũ trực ban, lái tàu, gác đường ngang, gác cầu chung; tổ chức cảnh giới hoặc chốt gác tại các đường ngang và lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông; kiểm tra chất lượng phương  tiện chở khách, không cho phép  sử dụng các phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật tham gia giao thông.

Đối với các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ GTVT yều cầu các đơn vị này tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ được ủy thác và các tuyến đường địa phương quản lý; yêu cầu các đơn vị vận tải tuân thủ quy tắc giao thông, phòng ngừa tai nạn trên đường đèo dốc, tại các đường ngang đường sắt; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông; tăng cường các điều kiện để bảo đảm cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố, tai nạn;

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn trong việc việc chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm; phối hợp với Cảnh sát giao thông kiểm tra điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện, người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông trên các tuyến đường bộ.

Nguồn: Phapluatplus.vn