Thủ tướng phê bình Bộ Y tế báo cáo quá chậm về lô vắc xin sắp hết hạn

Ngày 18/3, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng đến Bộ Y tế về việc thực hiện hợp đồng cung cấp vắc xin phòng Covid-19 do AstraZeneca sản xuất với Công ty VNVC (Công ty Cổ phần vắc xin Việt Nam).

Theo đó, Thủ tướng cho rằng, sự việc diễn ra từ tháng 12/2021 nhưng đến nay Bộ Y tế mới báo cáo là quá chậm. Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Y tế khẩn trương xử lý các vấn đề nêu tại văn bản của bộ theo quy định và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra lãng phí vắc xin. 

Thủ tướng phê bình Bộ Y tế báo cáo quá chậm về lô vắc xin sắp hết hạn
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện nghiêm việc mua vắc xin cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi

Bộ Y tế có quyền từ chối không mua số vắc xin về trong năm 2022

Theo báo cáo của Bộ Y tế gửi Thủ tướng về về thực hiện hợp đồng cung cấp vắc xin phòng Covid-19 AZD1222 do AstraZeneca (AZ) sản xuất giữa Viện Vệ sinh dịch tể Trung ương của Công ty VNVC vào ngày 16/3, Việt Nam mua 30 triệu liều vắc xin AZD1222 của Công ty VNVC đã mua của AZ. Trong đó bao gồm cả số lượng vắc xin mà Bộ Y tế đã nhận để tiêm chủng trước khi ký hợp đồng mua vắc xin của công ty VNVC.

Theo đó, Việt Nam chấp nhận giá mua vắc xin theo nguyên tắc phi lợi nhuận như báo cáo của Bộ Y tế về kết quả đã đàm phán với công ty. Cụ thể, giá mua vắc xin là giá tạm tính, trường hợp AZ giảm giá bán cho Công ty VNVC thì Công ty phải giảm giá tương ứng cho Bộ Y tế; trường hợp AZ tăng giá bán cho Công ty VNVC thì Bộ Y tế chỉ thanh toán cho VNVC theo giá đã đàm phán, ký hợp đồng.

Việc thanh toán chi phí vận chuyển vắc xin về Việt Nam theo hóa đơn, chứng từ thực tế do AZ cung cấp cho VNVC theo các điều khoản trong hợp đồng giữa AZ và Công ty VNVC; thanh toán các khoản phí bảo lãnh tạm ứng, bảo đảm hợp đồng theo số tiền Công ty VNVC phải thanh toán thực tế cho ngân hàng.

Ngoài ra, Việt Nam chấp nhận điều khoản miễn trừ trách nhiệm đối với các khiếu nại phát sinh từ hoặc liên quan đến vắc xin hoặc việc sử dụng vắc xin cho AZ và VNVC.

Công ty VNVC có thể giao hàng không đúng tiến độ trong năm 2021, nếu vắc xin giao trong năm 2022 thì Bộ Y tế có quyền từ chối không mua số vắc xin về trong năm 2022.

Bộ Y tế kiến nghị được miễn trừ trách nhiệm

Từ đó, Bộ Y tế thống nhất tiếp nhận và thanh toán số vắc xin đã giao trong năm 2021 (bao gồm cả số vắc xin để kiểm định chất lượng) là 29.926.496 liều.

Đối với số vắc xin còn lại là 73.504 liều, đồng ý để VNVC giữ lại tiêm miễn phí cho nhân viên và người thân của Công ty; VNVC tự chi trả chi phí mua 73.504 liều vắc xin này, bao gồm giá trị vắc xin xuất xưởng và thuế giá trị gia tăng, không bao gồm các chi phí liên quan để chuyển vắc xin từ nước sản xuất về Việt Nam (vận chuyển, bảo hiểm, lưu kho...).

VNVC chịu trách nhiệm tiêm miễn phí cho nhân viên và người thân của Công ty theo đúng quy định sử dụng vắc xin phòng Covid-19 của Bộ Y tế và các quy định liên quan. Số lượng đối tượng tiêm này phải được cập nhật vào hệ thống tiêm chủng của các tỉnh, thành phố liên quan và hệ thống tiêm chủng Covid-19 quốc gia.

Đối với đề nghị của AZ và VNVC điều chỉnh giảm giá từ 3,9 USD/liều xuống 3,5 USD/liều bằng cách nhận bổ sung số lượng vắc xin (2.448.980 liều, theo thông báo của AZ giá hiện tại là 4,9 USD/liều) Bộ Y tế kiến nghị cho phép thực hiện giảm giá bán vắc xin tương ứng bằng số liều vắc xin mà AZ và VNVC thông báo.

Đối với số vắc xin AZ có hạn 31/3/2022 (1.109.600 liều) đã về Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị VNVC phải chủ động phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẩn trương xây dựng kế hoạch, tuyên truyền vận động và hỗ trợ việc triển khai tiêm chủng ở các tỉnh, thành phố để khẩn trương sử dụng hết 1.109.600 liều vắc xin trước ngày 31/3/2022.

Thủ tướng phê bình Bộ Y tế báo cáo quá chậm về lô vắc xin sắp hết hạn
Hiện còn 1.109.600 liều vắc xin Astrazeneca có hạn 31/3/2022 đã về Việt Nam cần tiêm trước ngày 31/3/2022

Đồng thời, cho phép Bộ Y tế miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp không sử dụng hết số vắc xin này.

Đối với số lượng vắc xin còn lại (1.339.380 liều), VNVC phải có văn bản thống nhất với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về kế hoạch đưa số vắc xin này về Việt Nam đảm bảo phù hợp với kế hoạch tiêm chủng, nhu cầu vắc xin của Việt Nam trong thời gian tới. 

Sau khi có ý kiến của Thủ tướng về việc điều chỉnh giảm giá bằng hình thức tăng số lượng vắc xin; Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và VNVC tiếp tục thương thảo, xác định số lượng, giá vắc xin cuối cùng, làm cơ sở bàn giao, nghiệm thu và thanh lý hợp đồng. Việc thanh lý hợp đồng chỉ được thực hiện khi VNVC cung cấp đủ số lượng 2.448.980 liều vắc xin tăng thêm và hoàn thành các nghĩa vụ theo điều khoản hợp đồng đã ký kết.

Ngoài ra, cũng trong công văn này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện nghiêm việc mua vắc xin cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi như Thủ tướng đã nhiều lần chỉ đạo, kịp thời báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện.

Trước đó liên tục trong 2 ngày 16,17/3, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi đích danh Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, trong đó có một văn bản gửi cho cả Thứ trưởng Y tế Nguyễn Xuân Tuyên liên quan đến nội dung này. Cụ thể, một văn bản về việc việc mua và nhận viện trợ vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; một văn bản về việc kiểm điểm việc mua vắc xin cho trẻ em.

Theo đó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Y tế chỉ đạo kiểm điểm việc mua vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước, hoàn thành ngay trong tuần này.

Cũng trong ngày 18/3, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về kết quả xem xét việc cấp giấy đăng ký lưu hành vắc xin Nanocovax.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong mọi trường hợp theo quy định.

 

Nguồn: Phapluatplus.vn