Vietnam Airlines - Hành trình về nguồn trên những nẻo đường phù sa

Thông qua chương trình về nguồn do Đảng ủy Tổng Công ty Hàng không Việt Nam tổ chức, chúng tôi đã có rất nhiều ký ức đẹp về hành trình trên những nẻo đường phù sa.

nlntv-chu-tichdulich-phucgroup-1661831734.jpg
Chủ tịch Du lịch PhucGroup - Thương hiệu khởi nghiệp Quốc gia về Du lịch, đơn vị phối hợp tổ chức chương trình tặng hoa chào mừng Đoàn

Một ngày cuối trời thu tháng tám, chúng ta đang nô nức chuẩn bị kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (2/9/1945   - 2/9/2022), rất may mắn tôi được đi cùng chương trình về nguồn do Đảng ủy Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tổ chức. Sáng Hà Nội, những cơn mưa lất phất có chút se lạnh tiễn đoàn chúng tôi bay vào Cần Thơ, thủ phủ miền Tây Nam Bộ. Trên xe từ nhà ra sân bay, anh bạn tôi chẳng biết vô tình hay hữu ý mở đúng bài “Bài ca Đất phương Nam”, với ca từ “nhắn ai đi về, miền đất Phương Nam, trời xanh mây trắng, soi dòng Cửa Long Giang....” khiến tự nhiên có cảm giác miên man khó tả "cho ta thêm yêu dấu chân ngàn năm đi mở đất".

nlntv-danghuong1-1661831953.JPG
Dâng hương tại Đền thờ các Vua Hùng

Tại sân bay Cần Thơ, hay được người dân địa phương gọi là sân bay Trà Nóc, sau khi được hướng dẫn viên chào đón, đoàn di chuyển về tham quan và thành kính dâng hương tại Đền thờ Vua Hùng. 

Đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ có tổng mức đầu tư gần 130 tỉ đồng vừa được khánh thành vào tháng 4/2022. Đây là công trình có kiến trúc độc đáo, mang đậm ý nghĩa lịch sử và văn hóa tâm linh, hứa hẹn trở thành điểm đến ý nghĩa tại vùng đất Tây Đô nói riêng và ĐBSCL nói chung. Theo các thuyết minh viên tại điểm, điểm nhấn của công trình này là đền thờ chính với hình tượng trống đồng cách điệu 18 cánh cung điêu khắc hoa văn đại diện cho 18 đời Hùng Vương, được bao quanh bởi hồ nước. Đền thờ chính cao 19,5 m, diện tích gần 1.300 m2, có hình khối tròn xây trên nền vuông, tượng trưng cho Trời và Đất. Bao quanh đền thờ chính là 54 khối cột hình trụ cao 4,5m, đường kính 1m; kết thành vòng tròn trong hồ điều hòa, các trụ cột tượng trưng cho cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Có thể nói rằng, là đây một công trình mang nhiều ý nghĩa tâm linh, tiếp nối truyền thống quý báu uống nước nhớ nguồn của dân tộc, nhằm ghi nhớ công ơn dựng nước của các vua Hùng. 

nlntv-tham-khu-can-cu-1661832067.JPG
Thăm khu căn cứ kháng chiến Vườn Mận

Nhắc đến các di tích kháng chiến tại vùng đất Tây Đô, chúng ta không thể không nhắc tới Khu di tích Vườn Mận. Khu di tích, căn cứ Vườn Mận rộng gần 7.000m2, nằm tại khu vực Bình Thường B, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Địa điểm này cách trung tâm thành phố khoảng 5,5km và cách chợ Cái Răng khoảng 2km. Một điều đặc biệt của di tích này đó là chỉ nằm cách đồn bà Chủ Kiểu và đồn Hàng Bàng - Cầu Đá của địch khoảng hơn 400m. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ gian khổ, sau khi Đội Biệt động được thành lập vào năm 1965, đơn vị đã chọn khu vườn của ông Lê Văn Tiểu để xây dựng căn cứ hoạt động trong lòng địch. Cái tên của địa danh này được đặt là vì thời gian đó, khu vườn nhà ông Hai Tiểu trồng rất nhiều mận. Vốn nằm trong vòng vây đồn bốt của địch, vậy nên, nơi đây còn có tên gọi khác là “Căn cứ lõm Vườn Mận”.

Càng tìm hiểu về lịch sử của căn cứ địa Vườn Mận, chúng ta lại càng khâm phục tài trí và lòng dũng cảm của ông cha ta. Khu di tích Vườn Mận nằm ở vị trí vô cùng đặc biệt khi có 9 đồn địch nằm bao quanh. Điều bất ngờ hơn đó là nơi đây còn được chọn làm Căn cứ Ban Chỉ huy Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 tại Cần Thơ và vùng phụ cận. 

nlntv-khu-di-tich-1661832375.jpg
Thăm Khu di tích Xẻo Quýt - Đồng Tháp

" Thoáng trong gió buồn / Bên dòng nước trôi lững lờ / Chờ một ngày tươi sáng/ Nước sông Hậu Giang xanh ước mơ / Nhấp nhô chuyến đò / Đưa người đi tìm đường tranh đấu / Giành lại đời ấm no những ngày sau...". Trên chiếc xuồng ba lá cùng các anh chị lãnh đạo Đảng ủy Vietnam Airlines đi thăm lại căn cứ cách mạng Xẻo Quýt được nghe trên loa của Khu di tích đang phát bài "Những nẻo đường Phù Sa" của nhạc sĩ Bảo Phúc khiến cho tâm hồn anh chị em ai cũng xúc động và bồi hồi. Qua các làng quê vùng sông nước Nam Bộ, ở đâu chúng ta cũng thấy xuồng ba lá trên dọc ngang kênh rạch. Từ nhiều đời nay, ghe xuồng là phương tiện chủ yếu để đi lại, làm ăn của người dân vùng sông nước Cửu Long Giang, mà chiếc xuồng ba lá mang nét đặc trưng rất độc đáo. Cư ngụ giữa vùng sông nước, dù nhà nghèo ít nhất cũng có một chiếc xuồng ba lá. và những " người chiến sĩ ấy " ra đi hoạt động cách mạng ở vùng Đồng Tháp Mười cũng vậy.

nlntv-d-c-ta-manh-hung-pho-bi-thu-dang-uy-1661832663.jpg
Đ/c Tạ Mạnh Hùng - Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên HĐQT tặng quà cho Bảo tàng Cần Thơ

Đồng Tháp có khá nhiều di tích lịch sử mà Xẻo Quýt là một trong những điểm du lịch về nguồn ý nghĩa, để lại nhiều ấn tượng đẹp đẽ trong lòng chúng tôi. Khu di tích Xẻo Quýt với diện tích khoảng 50 ha, trong đó có 20 ha rừng tràm nguyên sinh, thuộc 2 xã Mỹ Hiệp và Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, Tỉnh Đồng Tháp. Khu di tích lịch sử kết hợp khu sinh thái Xẻo Quýt sẽ mang đến cho du khách cảm giác như lạc vào rừng nguyên sinh với khung cảnh tự nhiên hoang dã. Những cô du kích áo bà ba, khăn rằn, nón tai bèo đưa đoàn về nguồn luồn lách qua những con rạch nhỏ hoang sơ để vào những di tích nằm khuất trong rừng tràm mênh mông và có phần "ghê rợn" cho ai lần đầu đến Tháp Mười. Xẻo Quýt là căn cứ Cách Mạng (từ năm 1960-1975) của cơ quan Tỉnh ủy Đồng Tháp lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống Mỹ. Trong suốt hành trình cuộc kháng chiến, Xẻo Quýt đã phải hứng chịu rất nhiều trận mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Nhưng với tinh thần dân tộc, lòng dũng cảm, chịu đựng hiểm nguy và tài trí thao lược, quân và dân Đồng Tháp đã xoay chuyển tình thế, khắc phục khó khăn, mang chiến thắng về cho quê hương, đất nước.

nlntv-doanthamquan-1661832912.jpg
Đoàn tham quan và dâng hương tại Khu lăng mộ cụ Phó bảng Nguyễn  Sinh Sắc

Rời Xẻo Quýt, theo Quốc lộ 30 con đường huyết mạch nối Tiền Giang, Đồng Tháp và Campuchia, xứ sở Angkor huyền thoại qua cửa khẩu Dinh Bà. Chúng tôi đến với Khu di tích Lăng mộ cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc trong 1 buổi xế trưa. Bạn tôi là một nhạc sĩ đi cùng đoàn chia sẻ: " Ghé thăm xứ sở của đất sen hồng, một trong những di tích linh thiêng, du khách không thể bỏ qua là khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - vị thân sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh tọa lạc ở số 123/1 Phạm Hữu Lầu, phường 4, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp."  Đây là quần thể kiến trúc văn hoá độc đáo, được Bộ Văn hoá xếp hạng di tích cấp quốc gia ngày 9/4/1992.

nlntv-ben-khu-langmo-1661831464.JPG
Đoàn tham quan và dâng hương tại Khu lăng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được khởi công xây dựng vào tháng 8/1975 và khánh thành vào tháng 12/1977. Với diện tích 3,6 ha, Khu di tích được chia thành ba khu vực chính gồm: Khu lăng mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Nhà sàn Bác Hồ và Ao sen. Ngôi mộ Cụ Phó bảng quay về hướng đông, có mái hình cánh sen cách điệu giống hình dáng bàn tay xòe úp xuống; trên mái đắp nổi tượng chín con rồng, tượng trưng cho các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long luôn che chở và bảo vệ ngôi mộ người chí sĩ yêu nước. Mộ được ốp bằng đá hoa cương, nền mộ bằng đá mài hình lục giác không đều, mở rộng dần ra hai bên và phía trước. Trên mộ có một đỉnh trầm bằng đá Ngũ Hành Sơn, ngày đêm khói hương thơm ngát. Khuôn viên lăng mộ có nhiều loại cây cảnh, hoa trái quý hiếm được bà con khắp cả nước mang về trồng lưu niệm, đặc biệt là cây khế gần 300 tuổi (nằm bên trái mộ) và cây sộp hơn 300 tuổi (nằm bên phải mộ). Ai cũng xúc động khi nghe các hướng dẫn viên tại đây giới thiệu về Cụ Phó bảng cũng như tình cảm xa cách ngàn trùng giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và người Cha kính yêu, kể từ khi Bác ra đi tìm đường cứu nước vào tháng 6/1911.

nlntv-traoqua-1661833006.jpg
Đ/c Tạ Mạnh Hùng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Thành viên HĐQT trao quà cho các mẹ VNAH

Thời gian qua, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, phục hồi, phát triển doanh nghiệp trong "bối cảnh bình thường mới", chăm lo bảo đảm và không ngừng cải thiện điều kiện làm việc, đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, đóng góp có hiệu quả cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, toàn thể người lao động trong Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đã tích cực, tự giác tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. 

Trong nhiều năm qua, với đạo lý Uống nước nhớ nguồn, Đền ơn đáp nghĩa, Đảng bộ Tổng Công ty cùng các doanh nghiệp, đơn vị thành viên đã nhận phụng dưỡng hàng trăm Mẹ Việt Nam Anh hùng trên khắp mọi miền của đất nước. Riêng tại tỉnh Quảng Nam, năm 1995, Tổng Công ty đã nhận phụng dưỡng 50 Mẹ, hiện 47 Mẹ đã về cõi vĩnh hằng, chỉ còn lại 3 Mẹ. Trong chương trình về nguồn lần này, đoàn đã đến thăm hỏi, tặng quà 2 mẹ Việt Nam Anh hùng là mẹ Trần Thị Hai (thân nhân của liệt sỹ Huỳnh Khai, Huỳnh Văn Cò, Huỳnh Văn Đời) tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng, Tp Cần Thơ và mẹ Lê Thị Nhân (thân nhân của liệt sỹ Trần Văn Phước và Trần Hữu Gia) tại phường Lê Bình, quận Cái Răng, Tp Cần Thơ. Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo TCT đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những cống hiến, đóng góp, hy sinh của các Mẹ và mong các mẹ mạnh khỏe, là tấm gương mẫu mực cho con cháu tự hào, noi theo.

nlntv-phatbieu-1661833069.jpg
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa phát biểu khai mạc chương trình giao lưu, gặp mặt các đoàn về nguồn .

Sau quãng thời gian di chuyển liên tục giữa các tỉnh miền Tây, chúng tôi đã có một chương trình giao lưu gặp mặt đầm ấm. Trong không khí sông nước mênh mang đặc trưng Nam Bộ, từng thành viên trong đoàn thêm cởi mở trao đổi nhiều vấn đề trong công việc và cuộc sống để hiểu nhau hơn và cùng hứa sát cánh, đoàn kết để nỗ lực đẩy nhanh tái cơ cấu phục hồi và phát triển, tăng trưởng nhanh, mạnh, bền vững, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế toàn cầu, khẳng định giá trị, vị thế Hãng hàng không Quốc gia của Vietnam Airlines trong giai đoạn mới; đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Dù đã kết thúc hành trình song chúng tôi ai cũng còn lưu luyến chưa muốn chia xa. Rời khỏi phòng chờ, lên chuyến bay về miền Bắc, trong tâm khảm luôn nhớ tới những địa chỉ đã qua của sự nồng hậu chân chất con người miền tây cùng cảnh vật yên bình, dân giã. Đặc biệt là sự kết nối tình cảm của những đảng viên trong Tổng Công ty. Máy bay đang lăn bánh, qua cửa sổ vẫn thấy nụ cười và vẫy tay của những đồng nghiệp địa phương cùng hình ảnh logo Vietnam Airlines trên những máy bay đang nằm sân đỗ chờ để vào đường băng cất cánh. Một cảm xúc thật khó diễn thành lời, Tôi yêu Vietnam Airlines.

Nguồn:Nguonluc.com.vn