Vụ công nhân Boeing đình công: phơi bày sự bất bình đẳng thu nhập của người Mỹ

Khoảng 30.000 công nhân tại các nhà máy của hãng sản xuất máy bay Boeing ở Bờ Tây nước Mỹ đã đình công vào sáng 13/9, khiến hoạt động sản xuất dòng máy bay bán chạy nhất bị đình trệ, trong lúc tình trạng sản xuất của hàng chậm trễ và nợ ngày càng tăng. Các công nhân đình công hiện lắp ráp Boeing 737 MAX, 777 và 767 tại nhà máy ở Seattle và Portland.

Đây là cuộc đình công đầu tiên của người lao động Boeing kể từ năm 2008, khi công ty đang chịu sự giám sát chặt chẽ của giới chức Mỹ, các đối tác và khách hàng sau sự cố bung cửa sổ và một mảng lớn trên thân máy bay Boeing 737 MAX hồi tháng 1/2024.

boeing-reuters-7320-1726221713-1726328634.jpg
Công nhân Boeing tại Washington (Mỹ) ngày 12/9. (Ảnh: Reuters)

Người lao động của Boeing đình công do không hài lòng với thỏa thuận sơ bộ mà các lãnh đạo Hiệp hội thợ máy và người lao động hàng không vũ trụ quốc tế (IAM) đạt được với Boeing đầu tuần này. Thỏa thuận gồm điều khoản tăng 25% lương, thưởng 3.000 USD sau khi ký hợp đồng lao động và cam kết lắp ráp máy bay thương mại kế tiếp của Boeing ở Seattle. Tuy nhiên, nhiều người muốn tăng 40% lương như đề xuất ban đầu.

Những điểm gây tranh cãi khác gồm có việc hợp đồng sẽ không khôi phục chế độ lương hưu, cũng như cam kết thiếu chắc chắn của Boeing về các dự án trong tương lai tại khu vực Seattle.

Theo một báo cáo của ngân hàng đầu tư độc lập TD Cowen của Mỹ, một cuộc đình công kéo dài 50 ngày có thể khiến Boeing thiệt hại từ 3-3,5 tỷ USD. Lần gần nhất công nhân Boeing đình công diễn ra năm 2008 và kéo dài 52 ngày khiến hãng mất khoảng 100 triệu USD mỗi ngày.

Trước đó trong năm  2023, nước Mỹ đã chứng kiến làn sóng đình công ở mọi ngành công nghiệp. Khởi đâu từ tháng 5, các nhà biên kịch Hollywood thuộc Hiệp hội Nhà văn Mỹ (WGA) đã đình công trong 148 ngày trước khi đạt được một thỏa thuận. Tiếp đó, vào đầu tháng 7, Nghiệp đoàn Diễn viên Màn ảnh SAG-AFTRA cũng đình công trong thời gian dài. Đến tháng 9, các nhân viên Starbucks cũng tổ chức bãi công. Các nhân viên tuyến đầu bao gồm các y tá, nhân viên khách sạn và phi công cũng đã đình công làm đình trệ một số công việc. Cũng có những vụ việc suýt xảy ra: vào tháng 7, Công ty vận chuyển bưu kiện UPS đã ngăn chặn được một cuộc đình công - vốn có thể trở thành cuộc đình công lớn nhất trong lịch sử Mỹ của một công ty.

cac-nha-bien-kich-va-dien-vien-1695618332127-1726331923.jpeg
Các nhà biên kịch và diễn viên tham gia biểu tình bên ngoài trường quay Paramount ở Los Angeles, Mỹ hồi năm 2023. (Ảnh: AP)

Theo các chuyên gia, người lao động Mỹ đang phản ứng trước tình trạng bất bình đẳng thu nhập ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong bối cảnh giá cả tăng vọt trong nền kinh tế Mỹ đang suy thoái như hiện nay.

Theo đó, một lý do khác khiến người lao động Boeing bức xúc là việc hãng này hồi tháng 5 đã hào phóng thông qua gói trả lương trị giá 33 triệu USD cho Giám đốc điều hành (CEO) sắp mãn nhiệm Dave Calhoun. Đây là gói trả lương cao chưa từng có cho một CEO của Boeing và tăng 45% so với mức 22,6 triệu USD mà ông Calhoun nhận được vào năm 2022. "Việc CEO được tăng lương 45% trong khi công nhân chỉ có 25 % là bất bình đẳng, trong khi lương của CEO cao hơn lương của công nhân rất nhiều", một chuyên gia Mỹ nhận định.

Việc các nhà sử dụng lao động thường không muốn tăng lương để đáp ứng lạm phát gia tăng hoặc giải quyết các mối lo ngại về an toàn lao động trong môi trường có rủi ro cao, người lao động đã chuyển sang giải pháp ngừng làm việc để không chỉ duy trì cuộc sống hàng ngày, mà còn đảm bảo điều kiện làm việc về cơ bản tốt hơn cho tương lai. Stephani De Luca, một thành viên của Hiệp hội Nhà văn Mỹ nói: “Nghiệp đoàn của chúng tôi được tiếp thêm sức mạnh nhờ sự hỗ trợ to lớn từ các gia đình của người lao động và những người không có quyền lợi cá nhân trong cuộc đình công của chúng tôi, nhưng đã cho chúng tôi biết rằng thông điệp của chúng tôi đã gây được tiếng vang”.

 

Nguồn:Nguonluc.com.vn