
Ngày 26/8, tại TP Buôn Ma Thuột, Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị quốc tế nâng cao năng lực thâm nhập thị trường Trung Quốc cho doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng và chanh leo của Việt Nam.
Tham dự Hội nghị có ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Á - Châu Phi - Bộ Công Thương; ông Huỳnh Ngọc Dương – Phó Giám đốc Sở Công Thương; ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản kiêm giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam; tham tán thương mại; các hộ sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu sầu riêng, chanh leo của các tỉnh Tây Nguyên và khu vực phía Nam, Thương vụ/Chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh/Nam Ninh Trung Quốc.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Tại Hội nghị, các chuyên gia chia sẻ thông tin về thị trường Trung Quốc, những vấn đề cần lưu ý khi xuất khẩu trái cây tươi, trái cây chế biến của Việt Nam; những cơ hội và thách thức đối với nông sản xuất khẩu của Việt Nam; quy định kỹ thuật và các bước để doanh nghiệp có thể xuất khẩu sầu riêng, chanh leo vào thị trường Trung Quốc; các thông tin về nhu cầu của thị trường Trung Quốc; kinh nghiệm, giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng và chanh leo; hỏi đáp và giao thương doanh nghiệp hai bên.

Ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Á - Châu Phi - Bộ Công Thương phát biểu tại hội nghị.
Theo Bộ Công Thương, 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 30 tỷ USD, tăng 5,09% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 13,81% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.
Thách thức đối với nông sản xuất khẩu của Việt Nam đối với thị trường Trung Quốc là xu thế kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm từ cơ sở sản xuất, nuôi trồng; áp dụng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Hiện nay thị trường Trung Quốc thay đổi hệ thống quản lý và giám sát an toàn thực phẩm; giám sát ATTP theo hệ thống Lệnh 248 - 249; chính sách Zero Covid-19 tại cơ sở sản xuất và trên bao bì phương tiện vận tải thực phẩm đông lạnh.
Các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp HTX cần nâng cao nhận thức trong việc nắm bắt các quy định về kỹ thuật và yêu cầu SPS (biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật theo WTO) của thị trường; thay đổi tiếp cận an toàn thực phẩm giám sát mọi công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất; thiết lập cơ chế hợp tác giữa cơ quan quản lý - doanh nghiệp - người sản xuất nhằm đảm bảo an toàn chuỗi cung ứng sản phẩm. Lập kế hoạch sản xuất và chế biến xuất khẩu, xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp thị cho sản phẩm; đào tạo cán bộ kỹ năng quản lý và giám sát thực hành nông nghiệp tốt; đầu tư sản xuất sản phẩm có chất lượng cao - sản phẩm đặc sản, chỉ dẫn địa lý, sản phẩm hữu cơ.
Thanh Hải
Nguồn: sohuutritue.net.vn

Vào tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết trung hòa carbon vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh). Tuy nhiên, hiện nay sản lượng nhiên liệu hóa thạch trong nước không đủ để đáp ứng nhu cầu cũng như biến đổi khí hậu và sự phụ thuộc của Việt Nam vào năng lượng nhập khẩu để vận hành hệ thống điện chính là động lực thúc đẩy chính phủ chuyển hướng phát triển năng lượng tái tạo. Để có bức tranh toàn cảnh về xu thế đầu tư phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, phóng viên KinhtePlus đã có buổi trao đổi với ông Đỗ Chí Công – TGĐ SB Invest – Thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).
Ông Đỗ Chí Công – TGĐ SB Invest – Thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham)
PV: Ông có nhận định thế nào về tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam?
Việt Nam có tiềm năng phát triển các nguồn Năng lượng tái tạo sẵn có của mình. Những nguồn Năng lượng tái tạo có thể khai thác và sử dụng trong thực tế đã được nhận diện đến nay gồm: thủy điện nhỏ, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, năng lượng khí sinh học (KSH), nhiên liệu sinh học, năng lượng từ nguồn rác thải sinh hoạt, năng lượng mặt trời, và năng lượng địa nhiệt. Theo nhận định của tôi Việt Nam đầu tiên Việt Nam một trong những nước Đông Nam Á đang có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh, từ 6,5 -7 % hằng năm, kéo theo nhu cầu năng lượng dự báo tăng trung bình 11%/năm. Tiếp theo là nơi hội tụ những đặc điểm địa lý, khí hậu lý tưởng cho việc sản xuất các loại năng lượng tái tạo.Với vị trí địa lý có đường biển dài, thời tiết của khu vực nhiệt đới nhận được lượng nhiệt mặt trời tương đối lớn… đây là một trong những tiềm năng rất lớn để Việt Nam xây dựng và phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo như nhà máy năng lượng mặt trời, nhà máy năng lượng gió. Việc này có ý nghĩa vô cùng to lớn trong định hướng phát triển nền kinh tế Việt Nam trong tương lai, cũng như đảm bảo an ninh năng lượng.
PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam hiện nay?
Tính đến cuối năm 2021, các nguồn năng lượng tái tạo có tổng công suất lắp đặt là 20.670 MW, chiếm 27% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống (76.620 MW); tổng sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo đạt 31.508 tỷ kWh, chiếm 12,27% tổng sản lượng toàn hệ thống. Cụ thể, về điện gió, Việt Nam có 70 dự án với tổng công suất đạt 3.987 MW đã đưa vào vận hành thương mại, sản lượng điện sản xuất đạt 3,34 tỷ kWh trong năm 2021, tương đương 1,3% sản lượng toàn hệ thống. Về điện mặt trời, sản lượng điện sản xuất từ năng lượng mặt trời chiếm khoảng 10,8% tổng sản lượng điện toàn hệ thống năm 2021.
Trong những năm gần đây, các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam đã thu hút được nhiều vốn đầu tư FDI và đầu tư tư nhân trong những. Trong năm 2021, việc thu hút được nhiều dự án mới và quy mô lớn với 5,7 tỷ USD, chiếm 18.3% tổng vốn đầu tư đăng ký đã giúp ngành sản xuất và phân phối điện xếp thứ 2 trong số các ngành thu hút FDI. Hàng tỷ USD được rót vào các dự án điện mặt trời và điện gió cho thấy Việt Nam có tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió.
PV: Cụ thể tình hình các loại hình năng lượng tái tạo đang có xu hướng phát triển như thế nào thưa Ông ?
Tôi cho rằng điện mặt trời của Việt Nam gần đây đã có sự phát triển mạnh mẽ nhất. Công suất điện mặt trời cả nước tăng nhanh từ 86 MW vào năm 2018 lên gần 16.500 MW năm 2020. Điện mặt trời áp mái cũng chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng công suất điện mặt trời tại Việt Nam. Do đó, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để trở thành quốc gia ASEAN có công suất lắp điện mặt trời lớn nhất.
Lĩnh vực điện gió được xem như ngôi sao mới nổi của ngành công nghiệp năng lượng tại Việt Nam. Với 8,6% diện tích đất và nước phù hợp cho các trang trại điện gió lớn, Việt Nam mang lại tiềm năng và những cơ hội đầu tư khổng lồ. Đến cuối tháng 10/2021, có 84 trong 106 dự án điện gió đã được đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất 3.980.265 MW.
Điện gió ngoài khơi có tiềm năng thậm chí còn lớn hơn so với điện gió đất liền. Theo báo cáo "Lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi dành cho Việt Nam" của World Bank, đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi có thể tăng từ 1 GW lên đến 5 – 19 GW, trong khi công suất điện gió đất liền có thể tăng từ 1,26 GW lên 17,34 GW.
Tôi cho rằng nếu tiếp tục mở rộng ngành năng lượng tái tạo, thì Việt Nam sẽ nhanh chóng đạt vị trí cao hơn trên thị trường, thậm chí có thể vượt qua các quốc gia châu Âu về các giải pháp đổi mới và phát triển năng lượng tái tạo.
Ông Đỗ Chí Công – TGĐ SB Invest – Thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Châu âu tại Việt Nam (EuroCham)
PV: Ông có thể cho biết thách thức nào đối với các Nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam? Và Ông có đề xuất một số giải pháp như thế nào?
Mặc dù đầu tư nước ngoài đang gia tăng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhưng các nhà đầu tư đang gặp phải nhiều trở ngại như: Thiếu vốn tài trợ; Mức chiết khấu thấp cùng với chi phí đầu tư cao vào các công nghệ mới; Thiếu nguồn nhân lực có trình độ; Các ngành công nghiệp phụ trợ kém phát triển; Công suất lưới điện yếu; Các điều khoản của hợp đồng mua bán điện (PPA) không thanh toán được; Sự chậm trễ trong các dự án lớn do khuôn khổ pháp lý phức tạp; Thiếu rõ ràng về giá năng lượng trong tương lai.
Về giải pháp vĩ mô, tôi cho rằng: Thứ nhất, Chính phủ cần có chính sách xây dựng Luật Năng lượng tái tạo rõ ràng để phát triển năng lượng sạch. Thứ hai, tập trung nghiên cứu khoa học công nghệ để phát huy được nguồn năng lượng tái tạo. Thứ ba, chúng ta cần khuyến khích các doanh nghiệp và khu vực tư nhân tham gia phát triển thị trường năng lượng tái tạo. Thứ tư, chúng ta cần thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn vốn nước ngoài để đầu tư phát triển năng lượng tái tạo.
PV: Xin cảm ơn Ông !

Trong 2 ngày 28 và 29 tháng 10 năm 2020, tại Trung tâm Xúc tiến Nông nghiệp Hà Nội (489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội), Hội chợ công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội năm 2020 sẽ diễn ra với sự tham gia của gần 190 doanh nghiệp chế tạo và 20 nhà mua lớn theo cả hai hình thức OFFLINE tại hội trường và ONLINE – giao thương trực tuyến.
Hội chợ công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội năm 2020 (viết tắt: HISF 2020) là sự kiện được tổ chức dưới sự chủ trì của Sở Công Thương Thành phố Hà Nội nhằm giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Hà Nội nói riêng và các doanh nghiệp CNHT của Việt Nam nói chung nâng cao năng lực, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong sản xuất linh kiện, phụ tùng (bao gồm 03 ngành: linh kiện điện - điện tử, linh kiện lắp ráp ô tô, xe máy, xe cơ giới và linh kiện cơ khí chế tạo), CNHT phục vụ cho ngành dệt may, da giày và CNHT phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao; sử dụng tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu và năng lượng, tăng cường khả năng hội nhập kinh tế quốc tế; tạo môi trường gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội, kết nối giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp nhằm sản xuất, chế tạo cung ứng linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm đáp ứng yêu cầu của nhà sản xuất công nghiệp chính.
Từ năm 2017, Hội chợ giao thương quốc tế ngành chế tạo (FBC Hà Nội) được tổ chức và đã tạo ra được những kết quả tích cực cho doanh nghiệp CNHT, điển hình như: tạo ra hơn 3,000 lượt giao thương với giá trị giao dịch ước tính gần 4,5 triệu USD (năm 2017), gần 4,000 lượt giao thương với giá trị giao dịch ước tính gần 5 triệu USD (năm 2018). Sự kiện được các doanh nghiệp tham gia đánh giá là đem lại hiệu quả thực tế cao khi kết hợp giữa hình thức đặt lịch hẹn giao thương trước trên website với trưng bày sản phẩm, linh phụ kiện tại gian hàng, giúp các doanh nghiệp chủ động trong việc lập kế hoạch, chuẩn bị tài liệu, sản phẩm mẫu tham gia Hội chợ, từ đó đạt được các cuộc trao đổi thực chất, có tiềm năng hợp tác cao.
Năm 2020, HISF 2020 kì vọng sẽ kết nối nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với giá trị giao dịch cao nhất từ trước đến nay
Trước bối cảnh khó khăn của các doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19 và làn sóng dịch chuyển các nhà máy sản xuất của các doanh nghiệp về khu vực Đông Nam Á, việc tổ chức HISF 2020 (trước đây là FBC Hà Nội) để đón đầu các cơ hội mới, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp CNHT của Hà Nội nói riêng và của cả nước nói chung, là cơ hội tốt để các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, kết nối kinh doanh, mở rộng thị trường, các doanh
nghiệp nước ngoài tham gia Hội chợ có cơ hội tham quan, rút ngắn thời gian giao dịch đàm phán.
Đặc biệt, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có thể giao thương hiệu quả trong điều kiện mới do tác động của đại dịch Covid-19, HISF 2020 sẽ được tổ chức theo hình thức OFFLINE kết hợp ONLINE, trong đó, các doanh nghiệp tham gia Hội chợ sẽ vừa có thể giao thương trực tiếp tại hội trường, vừa có thể giao thương qua công cụ họp trực tuyến với các doanh nghiệp nước ngoài tại Nhật Bản, Thái Lan... không thể sang Việt Nam trong dịp này.
Với hình thức tổ chức độc đáo, HISF 2020 đã thu hút được nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia gian hàng ONLINE, tổng số doanh nghiệp đăng ký tham gia gian hàng (theo cả 2 hình thức) đến ngày 20/10/2020 là gần 190 doanh nghiệp với 230 gian hàng, trong đó có nhiều nhà mua lớn đang có nhu cầu tìm kiếm đơn vị cung cấp tại Việt Nam. Ban tổ chức kỳ vọng đây sẽ là kỳ Hội chợ, triển lãm có số lượt giao thương và giá trị giao dịch ước tính lớn nhất từ trước đến nay.
Mỗi doanh nghiệp tham gia triển lãm tại HISF 2020 sẽ có tối đa 20 cuộc giao thương chính thức, mỗi cuộc tối đa 30 phút diễn ra liên tục trong 2 ngày. Ngoài ra, doanh nghiêp được đăng tải và gửi thông tin quảng bá tới hàng chục ngàn doanh nghiệp sản xuất chế tạo tại Nhật Bản, Việt Nam, Thái Lan.
Khách tham quan có thể đặt lịch hẹn và đến tham quan trực tiếp tại hội trường hoặc giao thương ONLINE hoàn toàn miễn phí. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận trực tiếp với các doanh nghiệp trong ngành sản xuất linh kiện, phụ tùng, dệt may, da giày và công nghiệp công nghệ cao. Với hai hình thức: giao thương trực tiếp và qua công cụ họp trực tuyến, các doanh nghiệp nước ngoài không thể sang Việt Nam vẫn có thể tiến hành giao thương, trao đổi hợp tác kinh doanh. Các doanh nghiệp trong nước cũng có nhiều hơn các cơ hội để tiếp cận với các nhà mua Nhật Bản, Thái Lan… mà không cần phải ra nước ngoài.
Là sự kiện Hội chợ, triển lãm công nghiệp hỗ trợ mang tầm quốc tế lần đầu tiên do Sở Công Thương tổ chức, HISF 2020 nhận được sự quan tâm lớn của Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương, các sở ngành của Thành phố, các Hội, Hiệp hội, cũng như các tổ chức, cơ quan chính quyền phía Nhật Bản như tỉnh Kanagawa, tỉnh Fukui, tỉnh Ibaraki, tỉnh Tochigi...
Ông Đàm Tiến Thắng – Phó Giám Đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết : đây là quyết tâm rất lớn của thành phố Hà Nội, trong đó Sở Công Thương đóng vai trò chủ trì tổ chức, mong muốn đồng hành cùng doanh nghiệp CNHT tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19, tăng
cường năng lực, mở rộng thị trường, tham gia ngày càng sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu và là tiền đề để tổ chức Hội chợ quốc tế công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội thường niên.
HISF 2020 sẽ mở cửa đón khách tham quan vào 2 ngày 28~29/10/2020 (từ 10:00~18:00 hàng ngày) tại Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp( 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội). Các hội thảo quốc tế chuyên đề về phát triển CNHT cũng sẽ được tổ chức bên lề Hội chợ, thu hút nhiều khánh mời tham dự là đại diện các Bộ ngành, lãnh đạo quản lý các doanh nghiệp CNHT, các chuyên gia về CNHT trong và ngoài nước.
Thùy Chi