Bộ Y tế ban hành hướng dẫn mới về cách ly y tế với F0 và F1

Ngày 21/2, Thứ trưởng Bộ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn ký ban hành hướng dẫn mới về cách ly y tế với F0 và F1.

Theo hướng dẫn này, F1 tiêm đủ ít nhất 2 liều vaccine COVID-19, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 3 tháng tính đến thời điểm được xác định là F1 (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19) sẽ cách ly 5 ngày tại nhà, nơi lưu trú hoặc các khu vực đủ điều kiện cách ly khác do cơ quan, tổ chức, đơn vị địa phương, trường học bố trí, thiết lập kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng.

Trường hợp này thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp PCR, kháng nguyên (xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc bằng máy miễn dịch) vào ngày thứ 5.

Nhân viên y tế thực hiện việc test hoặc người cách ly tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế (trực tiếp hoặc gián tiếp qua phương tiện từ xa). Nếu kết quả âm tính thì tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ trong 5 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện 5K. Nếu dương tính thì xử lý theo quy định.

Trong quá trình cách ly, người dân tự theo dõi sức khỏe, khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường về sức khỏe như sốt, đau họng, ho, khó thở, đau người, ớn lạnh... cần báo ngay cho cơ quan y tế.

1

F1 tiêm đủ ít nhất 2 liều vaccine COVID-19, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 3 tháng tính đến thời điểm được xác định là F1 (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19) sẽ cách ly 5 ngày tại nhà

Hướng dẫn mới ban hành của Bộ Y tế cũng quy định những trường hợp là F1 chưa tiêm đủ liều hoặc chưa tiêm vaccine thì cách ly y tế 7 ngày. Các yêu cầu về nơi cách ly, cách thức xét nghiệm giống như trên. Tuy nhiên, nhóm này xét nghiệm vào ngày cách ly thứ 7.

Nếu âm tính thì tiếp tục theo dõi sức khỏe trong 3 ngày, thực hiện nghiêm 5K và báo cơ quan y tế nếu có dấu hiệu bất thường.

Thời gian cách ly F0 duy trì như hướng dẫn tại Quyết định 250 ngày 28/1/2022 của Bộ Y tế. Định nghĩa người tiếp xúc gần (F1) vẫn được giữ nguyên như hướng dẫn tại Công văn 11042/BYT-DP ngày 29/12/2021.

Trong thời gian vừa qua, số ca mắc COVID-19 trên cả nước đang gia tăng trong thời gần đây, theo đó F0 điều trị tại nhà cũng tăng tại nhiều địa phương. Dưới đây là những thông tin F0 điều trị tại nhà cần biết.

Theo "Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà" ban hành kèm theo tại Quyết định 261/QĐ-BYT của Bộ Y tế, người bệnh mắc COVID-19 được quản lý, điều trị tại nhà nếu đáp ứng điều kiện sau đây:

Người mắc COVID-19 (được khẳng định nhiễm SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm realtime RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên theo quy định hiện hành) không có triệu chứng lâm sàng; hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ: như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi; tiêu chảy, chảy mũi, mất mùi, mất vị;

Người mắc COVID-19 không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy; nhịp thở < 20 lần/phút; SpO2 > 96% khi thở khí trời; không có thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít ở thì hít vào.

Người mắc COVID-19 không mắc bệnh nền, hoặc có bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định.

Cùng đó người mắc COVID-19 điều trị tại nhà có thể tự chăm sóc bản thân như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh và có thể tự theo dõi tình trạng sức khỏe theo hướng dẫn của nhân viên y tế; Có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu: Có khả năng giao tiếp và sẵn có phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính…

Bộ Y tế lưu ý trong trường hợp người mắc COVID-19 không có khả năng tự chăm sóc, gia đình phải có người chăm sóc đáp ứng các yêu cầu trên.

Theo Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà của Bộ Y tế, cơ sở quản lý sức khỏe người mắc COVID-19 hướng dẫn người mắc COVID-19 thực hiện tự theo dõi sức khỏe và điền thông tin vào Phiếu theo dõi sức khỏe người mắc COVID-19 tại nhà như sau:

Thời gian: 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều hoặc khi có các dấu hiệu, triệu chứng cần chuyển viện cấp cứu, điều trị.

Bộ Y tế lưu ý người mắc COVID-19 nên:

Nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ (phù hợp với tình trạng sức khỏe)

Tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày

Uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước

Không bỏ bữa

Tăng cường dinh dưỡng: ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả…

Suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái.

 

Nguồn: Phapluatplus.vn