Các ông lớn điện thoại đổ vào Việt Nam

Việt Nam (VN) đã chứng minh được khả năng vươn lên trong chuỗi cung ứng để trở thành trung tâm sản xuất quan trọng của ngành công nghiệp điện thoại toàn cầu.

Nhiều dòng điện thoại hàng đầu sản xuất tại Việt Nam

Đại diện hãng điện thoại Trung Quốc (TQ) Xiaomi vừa cho biết các lô hàng điện thoại thông minh “made in Vietnam” đã được bán đi khắp thế giới. Đây là thông tin khá bất ngờ vì điện thoại Xiaomi chủ yếu sản xuất tại TQ.

Thực tế, Công ty DBG Technology VN, đối tác của Xiaomi, chính là đơn vị đã xây dựng nhà máy lắp ráp điện thoại tại Thái Nguyên. Nhà máy này được đưa vào hoạt động vào cuối năm ngoái, với kỳ vọng sản xuất 20 triệu sản phẩm mỗi năm không chỉ điện thoại mà còn máy tính, điện tử gia dụng, linh kiện điện tử…

Bình luận về sự kiện này, PGS Rajkishore Nayak, Trường ĐH RMIT VN, cho rằng việc Xiaomi chọn VN để sản xuất điện thoại thông minh do hãng này đang chiếm thị phần điện thoại thứ hai tại thị trường nước ta. Chưa kể họ muốn tận dụng các lợi thế từ ưu đãi thuế, chi phí nhân công, lao động có kỹ năng tốt cũng như sát bên cạnh thị trường TQ.

Việt Nam đã trở thành nơi sản xuất, lắp ráp, tiêu thụ... của hầu hết nhà sản xuất điện thoại đẳng cấp thế giới. Ảnh: PM
Việt Nam đã trở thành nơi sản xuất, lắp ráp, tiêu thụ... của hầu hết nhà sản xuất điện thoại đẳng cấp thế giới. Ảnh: PM

“Do dịch COVID-19 và chi phí hậu cần tăng, giá vận chuyển của Xiaomi tăng dẫn đến tăng chi phí cuối cùng, do đó việc chuyển sản xuất sang VN sẽ giúp giảm chi phí và tăng tính khả dụng” - ông Rajkishore Nayak lý giải.

Hãng tin Reuters mới đây cũng cho biết Pegatron - đối tác sản xuất iPhone cho Apple đang lên kế hoạch mở rộng nhà máy ở các nước khác bên ngoài thị trường TQ, trong đó có VN. Công ty Pegatron giải thích việc TQ liên tục thực thi chính sách chống dịch nghiêm ngặt đã ảnh hưởng khá nhiều đến hoạt động nhà máy lắp ráp iPhone tại Thượng Hải và Côn Sơn. Thậm chí có thời điểm công ty phải dừng hoạt động nhà máy làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất và giao hàng, chưa kể thiếu hụt lao động.

VN đang là điểm đến hấp dẫn khi ngày càng nhiều hãng điện thoại toàn cầu tìm đến mở nhà máy.

“Chúng tôi liên tục phải đối mặt với các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 một cách bất ngờ và rất khó kiểm soát mọi hoạt động. Do đó, Pegatron đã lên kế hoạch mở rộng nhà máy sản xuất tại VN, Ấn Độ, Indonesia và Bắc Mỹ để giải quyết các tình trạng trên cũng như mở rộng quy mô sản xuất” - đại diện Pegatron cho biết tại đại hội cổ đông thường niên vừa qua.

Việc VN sản xuất điện thoại iPhone là điều hoàn toàn khả thi. Bởi vì những dòng sản phẩm quan trọng của Apple như iPad, AirPods, MacBook… đã được sản xuất tại nước ta và xuất khẩu đi khắp thế giới. Ngoài ra, những dòng điện thoại hàng đầu của Samsung, LG, Google… đều sản xuất tại VN.

Có nhiều lợi thế nhưng…

Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải nhận định VN hoàn toàn có thể trở thành công xưởng điện thoại của thế giới, cạnh tranh ngang bằng với TQ. Điều này nhờ vào ngành sản xuất điện tử của VN đã vươn tầm châu lục. Hiện VN đang nằm trong top 10 nước về xuất khẩu điện tử.

Samsung và Intel có thể được coi là thế hệ nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên đặt nền móng cho ngành sản xuất điện tử. Cho đến nay, VN là trung tâm sản xuất điện tử hàng đầu của nhiều đại gia toàn cầu khác, gồm LG, Foxconn và Canon.

Thực tế VN được biết đến là quốc gia có thế mạnh về các hoạt động lắp ráp các thành phẩm và các cụm phụ để xuất khẩu. Vì với điện thoại, việc thiết kế, bán hàng, phân phối đều nằm ở nước ngoài. Do đó, VN đã trở thành điểm đến sản xuất và lắp ráp chính của hầu hết nhà sản xuất điện thoại di động đẳng cấp thế giới.

Đặc biệt các công ty nội địa VN đã và đang nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, khi tham gia ngày càng nhiều vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất lớn. Ví dụ số lượng nhà cung cấp cấp 1 của các công ty nội địa cho Samsung đã tăng nhanh trong vài năm qua.

Đồng quan điểm, TS Majo George, Trường ĐH RMIT VN, nhìn nhận lợi thế khác của VN trong ngành công nghiệp điện thoại chính là các công ty đa quốc gia đã thiết lập chuỗi cung vượt trội từ rất lâu, kể cả cấu hình phức tạp nhất là con chip. Điều này giúp các nhà sản xuất điện thoại dễ dàng tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu với chi phí hợp lý.

“Các ngành công nghiệp hỗ trợ của VN cũng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, bao gồm sản xuất điện thoại thông minh. VN còn có chi phí nhân công thấp đáng kể và chỉ bằng khoảng 1/3 của TQ. Các hiệp định thương mại tự do cũng góp phần đáng kể vào việc tiết kiệm chi phí để tạo ra sức cạnh tranh giữa các công ty điện thoại lớn” - TS Majo George phân tích.

Tuy vậy, các chuyên gia lưu ý VN vẫn cần cảnh giác trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn do chiến sự Nga - Ukraine, giá xăng dầu đứng ở mức cao, nguyên vật liệu leo thang, đứt gãy chuỗi cung ứng… Đó là chưa kể VN còn thiếu hụt nguồn nhân lực có tay nghề cao; cơ sở hạ tầng, logistics còn chưa thực sự phát triển.

Đáng chú ý, theo các chuyên gia tại Ngân hàng HSBC, gián đoạn chuỗi cung ứng ở TQ có thể khiến các công ty sản xuất VN gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động xuất khẩu trong tương lai. Bởi khoảng 30% nhập khẩu của VN đến từ TQ, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực điện tử với 30% và thiết bị, máy móc 22%.

Nguồn: Kinh tế chứng khoán