Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh

 

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chính thức công bố cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để hiện thực hóa cam kết này, giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam phải giải quyết nhiều thách thức trong đó sự thay đổi căn bản cơ cấu nền kinh tế, hướng đến đầu tư và sử dụng công nghệ xanh trong mọi lĩnh lực. Đặc biệt, công nghiệp đang là một trong một trong những lĩnh vực cần chuyển đổi mạnh mẽ, trong đó xu hướng chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon ngành Giao thông vận tải.

Hiện nay, các chủ trương và định hướng về thúc đẩy sử dụng các loại phương tiện thân thiện với môi trường của Việt Nam đã được xác định trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Trong đó có mục tiêu đến năm 2040, từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô, mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đến năm 2050 tất cả phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Dừng hoàn toàn xe chạy bằng xăng dầu – Từng bước chuyển đổi thực hiện cam kết COP26

Ngày 28-7-2022, Sở Giao thông vận tải có công văn gửi các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố về việc triển khai Quyết định số 876/QĐ-TTg, ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải (gọi tắt là Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh), nêu rõ quan điểm chuyển đổi năng lượng xanh là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng nhất trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26; đồng thời cũng là cơ hội để ngành Giao thông vận tải có sự phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hóa và bền vững, bắt kịp với xu thế và trình độ phát triển tiên tiến của thế giới.

Mục tiêu tổng quát của Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh là “Phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050”. Lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh được áp dụng trong ngành giao thông vận tải ở: Đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không và giao thông đô thị.

 

Lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh được đề ra đối với từng phương thức vận tải như đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không. 

Cụ thể, đối với đường ngành giao thông đường bộ sẽ được chia thành hai giai đoạn.Từ năm 2022 - 2030, sẽ thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện. Mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Thúc đẩy phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Khuyến khích các bến xe, trạm dừng nghỉ xây dựng mới và hiện hữu chuyển đổi theo tiêu chí xanh. Trong đó, đáng chú ý, từ năm 2025-2040 sẽ dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô, mô tô, xe gắn máy sử dụng xăng, dầu.

Từ năm 2031 - 2050, ngành giao thông vận tải hướng đến mục tiêu đến năm 2040 từng bước hạn chế và tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Toàn bộ các bến xe, trạm dừng nghỉ đạt tiêu chí xanh. Chuyển đổi toàn bộ máy móc, trang thiết bị xếp, dỡ sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Trong khu vực, Thái Lan cũng đã đề ra mục tiêu dừng bán ô tô, xe máy chạy bằng xăng, dầu từ năm 2035.

Từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, các nước cũng như Việt Nam hướng đến sử dụng hợp lý tài nguyên năng lượng sạch, sử dụng công nghệ mới, công nghệ xanh, đặc biệt hướng tới giảm mức đầu tư, đồng thời tăng hiệu quả sử dụng.

Nhà nước, Chính phủ và các Bộ có liên quan đã ban hành nhiều chiến lược, nghị quyết và cơ chế, chính sách khuyến khích sự phát triển của ngành công nghiệp xe điện nhằm thúc đẩy đầu tư công nghệ xanh, phát triển công nghệ sạch, thân thiện môi trường tương đối đầy đủ. Bên cạnh đó còn xây dựng các chương trình khoa học và công nghệ phù hợp với giai đoạn 2021-2030, đó là các chương trình khoa học và công nghệ về năng lượng; về cơ khí tự động hóa; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tại doanh nghiệp; đổi mới công nghiệp quốc gia; các chương trình để Việt Nam thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cùng với đó là những chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, chương trình về phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

Hiện nay, Việt Nam đang đặt ra mục tiêu dài hạn trong nghiên cứu, thúc đẩy phát triển công nghệ thân thiện môi trường, công nghệ xanh, đóng góp chung vào nỗ lực giảm thiểu khí hậu toàn cầu đặc biệt là cam kết tại COP26 về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu, các chuyên gia cho rằng, cần xác định và cung cấp mức tài trợ công phù hợp cho nghiên cứu và phát triển tương ứng với mục tiêu giảm chi phí và mục tiêu giảm thiểu CO2; tăng cường hợp tác nghiên cứu phát triển quốc tế để tận dụng tốt nhất các năng lực quốc gia. Đây là những chiến lược cần thiết để Việt Nam thực hiện chuyển đổi phù hợp với các mục tiêu khí hậu mà Việt Nam đã cam kết,.

Cần yếu tố nào để xe máy điện thay thế hoàn toàn xe xăng?

Giá xăng dầu tăng cao, người dùng có xu hướng lựa chọn xe máy điện nhằm tiết kiệm chi phí vận hành. Ngoài ra, xe máy điện so với xe xăng còn có những ưu thế về tính năng, công nghệ ưu việt giúp cải thiện công suất hoạt động và thân thiện với môi trường.

Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp đã tiên phong trong xu thế chuyển sang sản xuất, lắp ráp xe máy điện, ô tô điện như Vinfast, Công ty cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Hà (SHE) với dòng xe máy điện thương hiệu Evgo.

Ông Hoàng Mạnh Tân, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Hà cho biết, Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê tan của ngành giao thông vận tải mà Chính phủ vừa phê duyệt mở ra động lực lớn cho doanh nghiệp sản xuất xe điện. Để xe máy điện có thể thay thế hoàn toàn xe máy chạy bằng xăng cần có sự tổng hợp của nhiều yếu tố. Trong đó yếu tố tiên quyết là chính sách, thứ hai là sự sẵn sàng của doanh nghiệp trong sản xuất, cung ứng sản phẩm, thứ ba là sự đồng thuận của người dân và thứ tư là hạ tầng.https://www.kinhteplus.com.vn/Resources/Blogs/B0359/l2W5QI/220114/image/539779/-539779.jpg

Một số doanh nghiệp đã tiên phong trong xu thế chuyển sang sản xuất, lắp ráp xe máy điện như Sơn Hà với thương hiệu xe EVgo.

Về sự sẵn sàng của doanh nghiệp, ông Hoàng Mạnh Tân cho rằng, doanh nghiệp tập trung sản xuất ra những sản phẩm chất lượng tốt mẫu mã đẹp, có giá hợp lý, tiết kiệm chi phí và đặc biệt là sản phẩm có sẵn cùng dịch vụ tốt.

Về hạ tầng, cần có hệ thống trạm sạc, kết nối thông minh 4.0 và tiến tới ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng các app giúp người dùng tìm kiếm điểm trạm sạc gần nhất, thậm chí có thể khai thác các dịch vụ cung cấp cho người cần thuê xe máy điện hoặc người cho thuê xe máy điện trên app.

“Nếu không thay đổi chúng ta sẽ tụt hậu so với thế giới. Sự sẵn sàng của doanh nghiệp là điều cần thiết và truyền thông để người dân hiểu xu hướng tiêu dùng để cuộc cách mạng thay đổi từ xe xăng sang xe điện diễn ra thuận lợi và nhanh hơn”, ông Hoàng Mạnh Tân, Giám đốc Công ty cổ phần phát triển năng lượng Sơn Hà chia sẻ.

Hiện nay trên thế giới có 4 quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng xe máy nhiều nhất là Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam. Trong đó Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia đều đã tự sản xuất xe điện và không có bóng dáng xe máy điện nước ngoài tại các thị trường này.

Tại Việt Nam, Vinfast đã tiên phong, Sơn Hà cũng đặt mục tiêu nằm trong Top 3 doanh nghiệp sản xuất xe máy điện tại Việt Nam.https://www.kinhteplus.com.vn/Resources/Blogs/B0359/l2W5QI/220114/image/539773/-539773.jpg

Sơn Hà sẽ ra mắt một số mẫu xe mới vào cuối năm nay.

"Đầu năm đến nay sản lượng xe máy điện của Sơn Hà tiêu thụ rất mạnh, sản xuất ra không kịp cung cấp cho các đại lý. Chúng tôi hiện đang tăng tốc trong giai đoạn 6 tháng cuối năm, tăng ca nâng cao năng suất, tăng cường mua vật tư để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Sơn Hà dự kiến sẽ ra mắt 3 mẫu xe điện mới từ nay đến cuối năm", ông Tân cho biết.

Triển vọng phát triển của xe máy điện rất lớn và dư địa tăng trưởng của ngành này còn rộng, trong khi kể từ năm 2025 sẽ không sản xuất, nhập khẩu xe máy chạy bằng xăng tiến tới đến năm 2050 thay thế hoàn toàn bằng xe điện. Để hiện thực hóa mục tiêu này, doanh nghiệp phải đẩy nhanh tốc độ sẵn sàng cung ứng chất lượng tốt nhất.

Ngoài xu hướng chuyển dịch dùng xe máy điện thân thiện với môi trường thì còn một số yếu tố quan trọng nữa như:

Công nghệ an toàn và tiện nghi vượt trội: Các mẫu xe máy điện hiện nay được cải tiến, trang bị nhiều tính năng, công nghệ bảo vệ nâng cao như: Khóa động cơ, kết hợp còi báo động hay cảnh báo từ xa thông qua ứng dụng trên điện thoại khi xe có dấu hiệu bị tấn công,...

Tăng hiệu suất vận hành: Xu hướng chọn xe của người dùng hiện nay không chỉ dừng lại ở thiết kế đẹp mà còn phải có khả năng vận hành mạnh mẽ, phạm vi di chuyển lớn đồng thời tối ưu chi phí. Đó là lý do tại sao các nhà sản xuất xe máy và xe máy điện tham gia vào cuộc đua ứng dụng công nghệ nhằm tăng hiệu suất vận hành.

Nếu các nhà sản xuất xe xăng phải đối mặt với áp lực cải tiến động cơ thì vấn đề này ở xe máy điện lại đơn giản hơn. Theo đó, có một nhược điểm của xe xăng là dễ chết máy, hư hỏng động cơ khi bị ngập nước. Điều này rất khó khắc phục. Trong khi đó, phần lớn xe máy điện lại có khả năng chống nước tốt hơn.

Tiết kiệm chi phí vận hành: Thực tế, chi phí vận hành xe máy điện tiết kiệm hơn so với xe máy xăng truyền thống, đặc biệt trong thời điểm nhiên liệu hóa thạch khan hiếm, xăng dầu tăng giá như hiện nay. Nếu tính theo giá điện bình quân khoảng 3.000 đồng/1kWh như hiện nay, chi phí năng lượng để vận hành xe chỉ tốn khoảng hơn 135 đồng/km. 

Trong khi đó, giá xăng trung bình hiện nay khoảng 29.000 đồng/lít, xe máy xăng di chuyển quãng đường 100km sẽ tốn khoảng 2,5 lít xăng, tương đương 725 đồng/km.

Như vậy, chi phí vận hành xe xăng nhiều hơn xe máy điện hơn 5 lần. Điều này cho thấy xe máy điện so với xe xăng truyền thống đang chiếm ưu thế hơn về chi phí vận hành.

Ngoài các yếu tố trên còn một yếu tố quan trọng nữa đáng lưu tâm đó là sự an toàn. Một thống kê chỉ ra của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trong 9 tháng đầu năm 2018 có đến 90% số vụ tai nạn gây tử vong đến từ người điều khiển mô tô, xe máy. Trong khi đó, xe máy điện được thiết kế kỹ thuật hạn chế tốc độ, có những nơi như Trung Quốc hạn chế tốc độ dưới 50km/h với xe máy điện đã giảm hẳn tai nạn giao thông.

Xe máy điện phục vụ cho các nhu cầu đi lại với quãng đường giao thông đô thị, nông thôn với tốc độ có thể điều chỉnh dễ dàng, đảm bảo an toàn trong khi đó với xe xăng phần đa số vụ tai nạn liên quan đến xe máy chạy bằng xăng do người dùng không khống chế được tốc độ tối đa gây ra tai nạn, đặc biệt ở nhóm người dùng trẻ, học sinh, sinh viên.

Nguyễn Văn Hưng