Cơ duyên đến với nghề luật

Nghề chọn người

Sáng sớm, mở facebook ra, tôi nhận được tin nhắn của người bạn luật sư từ Mỹ, đại ý: Nhân dịp này, anh viết một bài dài về nghề luật sư đi!

Về nghề luật, tôi cũng đã viết khá nhiều trên tường facebook của mình theo tùy hứng những lúc rãnh rỗi. Còn bây giờ sẽ viết gì đây?

Thực ra, tôi đến với nghề luật chẳng giống như thế hệ của các bạn trẻ bây giờ. Gần 40 năm trước, tôi là một trong số 40 sinh viên Việt Nam đỗ điểm cao trong kỳ thi Đại học, được gửi sang Liên Xô để học luật, nghề mà tôi không được tự chọn. Chúng tôi được phân học luật ở Khoa luật của các Trường ĐH Tổng hợp Quốc gia tại 3 nước cộng hòa trong Liên bang Xô Viết. Đó là Nga, Azerbaijan, Moldova.

CBA16DDC-1B68-447B-95D9-EB8E7BEB3AC5.

Hình minh hoạ.

Những ngày đầu, tôi cũng như các sinh viên Việt Nam khác đều không thể mường tượng được học luật là học những gì và bắt đầu từ đâu?

Khoa luật, thuộc Liên bang Nga, nơi tôi học chỉ đào tạo những người đã từng đi làm trong các cơ quan tư pháp hoặc bộ đội xuất ngũ, nên bọn tôi bị sinh viên Nga cùng khóa gọi là мальчик (trẻ con) và thường xuyên bị xoa đầu mỗi khi gặp họ trên lớp hoặc ngoài đường.

Số phận như thế nào là do ta quyết định

Tôi nhớ vào năm thứ nhất, chúng phải học 2 môn học mà ngay cả sinh viên Nga cũng khó mà “nhằn” được, đó là tiếng Latin và Luật La Mã.

Cô giáo dạy tiếng Latin luôn đến lớp với bộ váy dài màu đen và khuôn mặt xưa cũ giống như người La Mã cổ đại. Trước kỳ kiểm tra hết môn, cô nhẹ nhàng nói với đám sinh viên nước ngoài chúng tôi là: “Các bạn chỉ cần học thuộc 1 bài thơ có 4 dòng thôi là đủ để qua”. Những câu thơ đó đến giờ tôi còn nhớ, nhưng vì học vẹt nên chẳng quan tâm đến ý nghĩa của nó là gì!

Còn môn Luật La Mã thì quả thực chúng tôi có cố gắng đọc hết cuốn giáo trình dày vài trăm trang và chăm chú nghe giảng bài cũng không thể hiểu nổi được gì. Bởi vốn tiếng Nga quá ít ỏi của năm đầu tiên học đại học và kiến thức pháp luật abc.

Thầy giáo dạy môn này tên là Khutyz, người dân tộc Adyigey, nhỏ thó, tóc đen, đội mũ bê rê với cái tẩu thuốc lúc nào cũng nhả khói như nhà máy di động. Đến kỳ thi, anh bạn Volodia cùng phòng với tôi sợ lắm. Tôi cũng sợ, nhưng đành phó thác cho số phận. Nhưng rồi, chúng tôi cũng qua được môn này với lý do mà thầy đưa ra chẳng giống ai: “Bọn mày nói tao không hiểu và ngược lại, tao nói bọn mày cũng không hiểu... Tại sao chúng ta phải làm khổ nhau?”!

Nhưng đó là trường hợp ngoại lệ của năm thứ nhất thôi! Còn bắt đầu từ năm thứ 2, khi chúng tôi được phân vào các nhóm học và thi với sinh viên Nga thì mọi chuyện rất khác…

Rồi tôi cũng vượt qua tất cả các kỳ thi vấn đáp để tốt nghiệp luật, trở về Việt Nam, gắn bó với công việc liên quan đến pháp luật và nghề luật sư gần 33 năm.

Trong số 40 người học luật cùng tôi năm đó, số hành nghề luật sư như tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phần lớn các bạn tôi sau này trở thành chính khách hoặc chuyển sang kinh doanh sau khi tốt nghiệp.

Các bạn trẻ bây giờ đến với nghề luật thuận lợi hơn thế hệ chúng tôi lúc bấy giờ rất nhiều. Các bạn được học luật Việt Nam và có đầy đủ điều kiện để phát triển nghề luật của mình. Không ai trong các bạn phải trải qua các kỳ thi như tôi vừa kể, vừa buồn cười, vừa xót xa.

Tôi luôn tin rằng, mỗi người có một số phận, nhưng số phận như thế nào là do chúng ta quyết định và số phận của tôi đã gắn với nghề luật như thế đó.

Nguồn: Phapluatplus.vn