Đắk Nông: Kêu cứu vì đang tại ngoại vẫn bị bắt tạm giam khi chưa đủ căn cứ?

Công an huyện Tuy Đức.

Công an huyện Tuy Đức.

Ngày 24/1, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy Đức có quyết định bắt bị can để tạm giam đối với ông Võ Tư Thiệt. Trước đó, ngày 27/12/2021, Báo Pháp Luật Việt Nam đã thông tin trong bài “Đắk Nông: Một vụ án có chứng cứ chưa thuyết phục?” về trường hợp ông Thiệt.

Trước đó, ngày 18/1, Tòa án nhân dân huyện Tuy Đức đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo đề nghị của Viện KSND cùng cấp. Phiên tòa dự kiến xét xử sơ thẩm ngày 21/1 đã bị tạm ngưng. Phiên tòa dự kiến trước đó vào ngày 8/12/2021 cũng bị tạm hoãn do thiếu nhiều người liên quan, trong đó có ông Cao Xuân Thủy - Nguyên phó Công an huyện Tuy Đức và điều tra viên Trần Văn Tiến.

Không có căn cứ khi bắt tạm giam?

Luật sư Bùi Quang Tuấn, bào chữa cho bị can Thiệt, đã có đơn kiến nghị gửi Công an, Viện KSND huyện Tuy Đức. Theo ông Tuấn, căn cứ vào Điều 119 của Bộ Luật tố tụng Hình sự việc bắt tạm giam ông Thiệt của Cơ quan CSĐT và Viện KSND huyện Tuy Đức là không có căn cứ...

Luật sư Tuấn cho biết lý do bắt để tạm giam được điều tra viên thông báo bằng miệng là do bị can Thiệt không hợp tác và có đơn yêu cầu thay đổi người tiền hành tố tụng, trong quá trình giải quyết vụ án Thiệt tìm gặp ông Phùng Lê Hiếu để trao đổi. Tuy nhiên theo ông Tuấn, đây hoàn toàn không phải là căn cứ để bắt tạm giam lại vì ông Thiệt luôn chấp hành theo giấy triệu tập của công an, khi làm việc bị can có quyền im lặng và nghĩa vụ chứng minh phạm tội thuộc về cơ quan tiền hành tố tụng.

Mặt khác, việc bị can Thiệt yêu cầu thay đổi người tiền hành tố tụng diễn ra từ giai đoạn điều tra bổ sung lần 1, sau đó cơ quan điều tra giữ nguyên kết luận điều tra và Viện KSND giữ nguyên cáo trạng truy tố chứ không phải giai đoạn điều tra hiện tại.

“Việc bị can Thiệt gặp ông Hiếu không phải là căn cứ để tạm giam vì bị can Thiệt chỉ bị cấm đi khỏi nơi cư trú chứ không bị cấm các hoạt động khác, Việc bắt giam Thiệt trái quy định theo Điều 119 vừa trái nguyên tắc, hướng dẫn tại tại Nghị quyết 01/2021 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 201 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, còn đi ngược lại tính chất khoan hồng, nhân đạo của pháp luật khi bắt vào dịp Tết Nguyên đán”, ông Tuấn trình bày.

Đơn kiến nghị của Luật sư Bùi Quang Tuấn

Đơn kiến nghị của Luật sư Bùi Quang Tuấn.

Liên quan đến vụ việc này, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã liên hệ với Thượng tá Nguyễn Sử - Trưởng Công an huyện Tuy Đức, ông Sử cho biết hiện hồ sơ vụ việc đã chuyển cho Viện kiểm sát huyện Tuy Đức.

Phóng viên tiếp tục liên hệ với ông Nguyễn Huy Phúc - Viện trưởng VKSND huyện Tuy Đức, ông Phúc cho biết, theo quy định trong ngành thì ông không có quyền phát ngôn mà phải có sự đề nghị từ cấp trên (VKSND tỉnh Đắk Nông) mới cung cấp thông tin.

vks-tinh-dak-nong-2021

VKSND huyện Tuy Đức.

Có hình sự hóa quan hệ dân sự?

Như Báo Pháp Luật Việt Nam đã thông tin đầu từ năm 2009, ông Thiệt cho ông Núm mượn tiền đầu tư vườn cà phê. Đến tháng 5/2020 ông Núm vay tổng số tiền trên 700 triệu đồng. Từ khi cho mượn đến nay ông Thiệt chưa hề tính lãi mặc dù hai bên có giấy cam kết vay với lãi suất 30%/năm với ông Núm.

Đến đầu 2018, ông Núm mượn ông Thiệt 110 triệu đồng (110 triệu đồng này nằm trong tổng số nợ hơn 700 triệu đồng của ông Núm) và cầm sổ đỏ miếng đất nhà ông Núm. Tuy nhiên, giữa ông Thiệt và ông Núm không hề có giấy vay 110  triệu đồng này.

Vào ngày 18/5/2020 ông Núm có đi cùng anh Phùng Lê Hiếu, đến nhà gặp mẹ ông Thiệt là bà Nguyễn Thị Tuyết chốt sổ nợ. Ông Hiếu cam kết trả thay cho ông Núm số tiền 579.980.000đ trong tổng số nợ, số còn lại ông Núm trả 440 triệu đồng ( Số tiền này bao gồm một phần nợ gốc là 110 triệu đồng và ước tính lãi cho tổng số nợ hơn 700 triệu đồng từ năm 2009 đến tháng 5/2020). Nguyên nhân ông Hiếu trả nợ thay cho ông Núm là ông Hiếu có mua một miếng đất của con ông Núm.  

Theo ông Thiệt, ngày 20/5/2020, ông Núm cùng ông Hiếu mang số tiền 300 triệu đồng lên trả, khi ấy ông Thiệt không ở nhà nên bố mẹ ông Thiệt là ông Võ Quang Lê và bà Nguyễn Thị Tuyết đã nhận thay số tiền trên.“Lúc nhận tiền bố tôi có ghi lại cho anh Hiếu và ông Núm tờ giấy biên nhận “Đại lý Vũ Hải nhận của ông Hiếu trả nợ cho ông Núm số tiền là: 300 triệu đồng còn lại 140 triệu đồng trả tiếp và lấy sổ chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Núm”. Khi đó Công an huyện Tuy Đức ập vào bắt quả tang.

Ông Thiệt khẳng định số tiền 300 triệu đồng mà ông Hiếu và ông Núm đưa ngày 20/5/2020, không phải là tiền lãi của khoản vay 110 triệu đồng mà là tiền nợ 110 triệu đồng và tiền lãi ước tính của tất cả các khoản mà ông Núm nợ từ năm 2009 (440 triệu đồng mà ông Núm cam kết trả). “Tại biên bản bắt người phạm tội quả tang, Cơ quan CSĐT đã tự ghi tôi cho ông Núm vay số tiền 110 triệu đồng lãi suất thỏa thuận là 3.000đ/1.000.000đ/1 ngày. Nội dung trên tôi không đồng ý vì không đúng bản chất sự thật khách quan của vụ việc”, ông Thiệt bức xúc.

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, Thạc sĩ Tạ Quốc Liễu, Văn phòng Luật sư Nguyên cho biết: “Điều 111. Bắt người phạm tội quả tang 1. Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền”.

Như vậy, căn cứ quy định tại khoản 1 điều 111 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì: Bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang là trường hợp người đó đang thực hiện hành vi phạm tội, hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt. Nghĩa là yếu tố “quả tang” được thể hiện ở tính chất cấp thời, đang diễn ra, vừa mới diễn ra ngay tức thì của hành vi phạm tội. Nếu bắt giữ một người mà tại thời điểm bắt giữ họ không phải đang thực hiện hành vi phạm tội hoặc vừa mới thực hiện hành vi phạm tội mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì không được xem là “Bắt người phạm tội quả tang”.

Cũng theo Thạc sĩ Liễu, trong vụ án này, để khẳng định hành vi của các bị cáo có đủ các yếu tố cấu thành tội “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” (được quy định tại điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017) hay không, thì cơ quan điều tra cần chứng minh, làm rõ số tiền 300 triệu mà bị cáo Tuyết nhận từ ông Núm và anh Hiếu là trả cho số nợ nào? Là trả lãi hay trả cả gốc và lãi? Vì thực tế giữa ông Núm và các bị cáo Tuyết, Thiệt đã có quan hệ vay mượn trước đó với nhiều khoản vay khác nhau. Vậy số tiền 300 triệu mà cơ quan điều tra xác định là tang vật của vụ án này là trả cho số nợ nào, có chứng cứ gì chứng minh hay không? Nếu chứng cứ buộc tội không vững chắc, sẽ rất khó để Tòa án kết tội vì dễ dẫn đến oan sai.

Trao đổi với phóng viên, Viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Nông Nguyễn Văn Cường cho biết, thẩm quyền giải quyết của vụ việc này thì thuộc về VKSND huyện Tuy Đức xử lý và trả lời cho công dân. Đồng thời ông Cường cho biết trước Tết Nguyên đán đã trực tiếp làm việc với bà Nguyễn Thị Bích Hồng (vợ ông Thiệt) có giải thích và hướng dẫn việc giải quyết.

Bà Nguyễn Thị Bích Hồng, vợ ông Thiệt, cho biết: “Chồng tôi và mẹ chồng tôi bị khởi tố, truy tố và đưa ra xét xử sơ thẩm về tội: “Cho vay lãi nặng trong giao dich dân sự” là không đúng quy định pháp luật, có dấu hiệu oan và hình sự hóa quan hệ dân sự. Gia đình chúng tôi gửi nhiều đơn đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để kêu cứu và nhờ can thiệp, đồng thời tố các hành vi vi phạm của những người tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án nói trên. Hiện Cục điều tra thuộc Viện KSND tối cao đang thụ lý, xác minh và điều tra đơn tố cáo của  gia đình tôi”.

Có thể thấy, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Võ Tư Thiệt và bà Nguyễn Thị Tuyết có nhiều điểm cơ quan tố tụng huyện Tuy Đức đưa ra chứng cứ chưa đủ thuyết phục, thiếu nhất quán và có dấu hiệu oan sai. Báo Pháp Luật Việt Nam đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần tiến hành xác minh, làm rõ vụ án để tránh oan sai và gây hoang mang dư luận. 

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin. 

Quan điểm giải quyết vụ án của Cơ quan CSĐT, Viện KSND huyện Tuy Đức không nhất quán, mâu thuẫn 

Ngày 20/5/2020 bắt quả tang, tạm giữ 3 người là ông Thiệt, bà Tuyết và ông Lê nhưng ngay trong ngày 20/5, Cơ quan CSĐT có quyết định trả tự do cho bà Tuyết, ông Lê với lý do không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Đến ngày 27/5/2020, Cơ quan CSĐT lại khởi tố bà Tuyết và ông Thiệt. Đến ngày 28/5/2021, Viện KSND huyện Tuy Đức lại đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can vì lý do hành vi của các bị cáo không còn nguy hiểm cho xã hội. Viện KSND huyện Tuy Đức hướng dẫn ông Thiệt và ông Núm viết đơn xin miễn và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.

Ông Thiệt và bà Tuyết không đồng ý với Quyết định này vì như vậy vẫn có tôi nên khiếu nại đến Viện KSND huyện Tuy Đức và Viện KSND tỉnh Đắk Nông. Đến ngày 24/6/2021, Viện KSND H.Tuy Đức lại hủy bỏ quyết định đình chỉ và ra quyết định phục hồi điều tra sau đó truy tố vì lý do căn cứ đình chỉ không đúng (!?).

Tại phiên Tòa, bà Triệu Thị Xin (vợ ông Sầm Văn Núm) và bà Nguyễn Thị Duyền (Vợ ông Phùng Lê Hiếu) khai: “Vào ngày 20/5/2020 không làm đơn tố cáo ông Võ Tư Thiệt nhưng do phía Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy Đức đã bắt ép nên buộc họ phải làm như vậy. Còn số tiền 300 triệu đồng trả cho Thiệt là do ông Cao Xuân Thủy – khi đó là Phó trưởng Công an huyện Tuy Đức -  cho mượn trả cho ông Thiệt”.

Nguồn: Phapluatplus.vn