ĐẨY MẠNH GIẢI NGÂN ĐẦU TƯ CÔNG ĐỂ KÍCH CẦU NỀN KINH TẾ

 

Thưa ông, ông nhìn nhận như thế nào về tốc độ tăng trưởng 2,58% của kinh tế Việt Nam năm 2021 trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19? Theo ông, đâu là những quyết sách tạo nên điểm sáng cho nền kinh tế Việt Nam năm 2021?

Như chúng ta đã biết, năm 2021 là năm cực kỳ khó khăn của nền kinh tế Việt Nam, với kết quả tăng trưởng đạt 2,58% của GDP năm 2021 là một kết quả vượt ngoài mong đợi của giới chuyên gia chúng tôi. Có lẽ đây là một thành tích ghi dấu ấn cho năm 2021.

Nguyên nhân đạt được thành quả kinh tế năm 2021 bao gồm các yếu tố như sau: Trước hết, về yếu tố bên ngoài, đó là sự hồi phục mạnh mẽ của kinh tế thế giới thúc đẩy cầu bên ngoài tăng trưởng rất mạnh, nhờ đó Việt Nam chúng ta có nền kinh tế mở - đã được tăng trưởng mạnh về xuất nhập khẩu (năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước ước đạt gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm 2020), đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Thứ hai, chúng ta thấy rằng nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi ở quý I, quý II cũng đang trên đà phục hồi. Tuy nhiên, từ cuối quý II sang cuối quý III, nền kinh tế của chúng ta giảm sâu do tác động của làn sóng của COVID-19 lần thứ tư.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo Lãnh đạo các cấp có thẩm quyền tập trung chống dịch rất tốt, đẩy nhanh tiêm chủng vắc-xin với tỷ lệ bao phủ vắc-xin nhanh. Với điều kiện y tế tốt như vậy nên đã giúp cho Việt Nam sớm mở cửa kinh tế. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; đồng thời Chính phủ chuyển chiến lược chống dịch từ “zero COVID” sang sống chung và thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh. Theo tôi, sự thay đổi này có tính bước ngoặt và tạo ra sự phục hồi dần dần của nền kinh tế vào quý IV. Trên cơ sở đó, chúng ta mới bắt đầu thực hiện các giải pháp khác như là thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp. Và như vậy, việc hỗ trợ doanh nghiệp lúc này mới có hiệu nghiệm. Giả sử nếu lúc đó chúng ta “lock down” thì rõ ràng việc hỗ trợ doanh nghiệp không có nhiều ý nghĩa.

Tôi cho rằng, với hàng loạt các giải pháp nêu trên, cùng với đó là một điểm sáng đáng ghi nhận là Việt Nam đã giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô và giữ được an toàn của hệ thống tài chính, tạo nên bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế, từ đó tạo dựng được niềm tin cao của người dân đối với sự phục hồi kinh tế trong thời gian sắp tới.

 

Theo ông, đâu là điểm nghẽn trong quá trình phục hồi kinh tế năm 2021 mà trong năm 2022 chúng ta cần khắc phục để kinh tế được tăng trưởng tốt hơn?

Trong bối cảnh khó khăn do tác động của dịch COVID-19, Việt Nam đạt được tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 ở mức 2,58% là một nỗ lực lớn của toàn xã hội, nhưng đây lại là một con số tăng trưởng thấp nhất trong 30 năm trở lại đây và thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu kế hoạch đề ra. Và đằng sau con số tăng trưởng kinh tế thấp đó là hàng trăm nghìn doanh nghiệp giảm việc làm, tạm ngừng hoạt động, thậm chí là giải thể. Ở một số khu vực có hơn 90% doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động trong một thời gian vài ba tháng. Điều đó đồng nghĩa với hàng chục triệu người lao động bị mất việc làm hoặc phải tạm nghỉ làm, mất/giảm thu nhập với một thời hạn tương đối dài… đời sống của người dân lao động trở nên khó khăn hơn.

Với hệ quả như vậy thì sức cầu của nền kinh tế giảm sút nghiêm trọng cả về tiêu dùng và đầu tư, mà đây lại là hai động lực quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, ngoài xuất khẩu và nhập khẩu. Đó là điều mà chúng ta phải lưu ý rằng đây là nguyên nhân trực tiếp làm cho tăng trưởng kinh tế suy giảm.

Vấn đề thứ hai nữa trong quá trình thực hiện chống dịch, một mặt chúng ta đã không tiếp tục được đà cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng thay vào đó chúng ta lại áp đặt rất nhiều giải pháp hành chính, điều này đã tạo nên sự đứt gãy của chuỗi cung ứng ở trong nước. Những hạn chế rõ nét trong bối cảnh dịch bệnh đó là khả năng thực thi chính sách đều chậm so với yêu cầu. Trong khi chủ trương, chính sách thì rất kịp thời, rất trúng, phản ứng chính sách nhanh. Cụ thể như năm qua, khi chúng ta nhìn lại việc thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, có nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong thực hiện, triển khai thiếu đồng bộ giữa các ngành, các địa phương. Và thực tế chúng ta đã nhìn thấy các tình huống quy định cụ thể của các địa phương lại trở thành rào cản mới cho tăng trưởng kinh tế. Sự áp đặt hành chính quá mức cần thiết trong thời gian qua đã làm cho doanh nghiệp hoạt động vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Điều này đã tạo ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng rất khó khôi phục trong nhiều tháng và cho đến nay, chúng ta cũng nhìn thấy rằng sự áp đặt biện pháp hành chính đó vẫn còn. Sự không thống nhất giữa trung ương và địa phương; và giữa các địa phương với nhau và thậm chí ngay trong một địa phương vẫn còn nhiều bất cập. Tôi cho rằng đây là những điều chúng ta cần phải khắc phục ngay. Theo đó, chúng ta cần phải cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời phải dựa trên những thành quả của kiểm soát dịch bệnh như là vắc-xin, thuốc điều trị COVID, kinh nghiệm chống dịch… để sớm mở lại nền kinh tế. Những biện pháp hành chính áp đặt trong phòng chống dịch bệnh như trong thời gian qua, theo tôi, cần phải bãi bỏ một cách triệt để.

 

Dựa trên tình hình thực tế hiện nay, theo ông, triển vọng và khả năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 sẽ như thế nào? Chúng ta cần có giải pháp gì để đạt được mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ đã đặt ra?

Theo Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 08/1/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2022 với mức tăng trưởng từ 6 - 6,5%, tuy nhiên cá nhân tôi lại có mong muốn mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam phải được đặt cao hơn vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhiệm kỳ 2021 - 2025 của chúng ta là rất lớn. Nếu như năm 2022, chúng ta chỉ đạt tăng trưởng ở mức 6 - 6,5% thì rõ ràng các năm tiếp theo, để đạt được mục tiêu nhiệm kỳ là một thách thức rất lớn. 

Hiện nay, điều kiện về bên ngoài đối với tăng trưởng kinh tế thế giới tuy vẫn còn gặp khó khăn nhưng phục hồi vẫn tiếp diễn và đây là yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế trong nước. Bên cạnh đó, lạm phát toàn cầu đã ở mức cao, đòi hỏi các nước cần thay đổi chính sách để kiểm soát. Đây là điều mà chúng ta có thể chờ đợi rằng lạm phát sẽ không tác động tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế ở trong nước.

Như vậy, tăng trưởng kinh tế trong nước hiện nay (năm 2022), theo tôi, chủ yếu phụ thuộc vào nội lực và chính sách cả trung và dài hạn. Trong đó, triển vọng phục hồi và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn phụ thuộc chủ yếu vào việc kiểm soát dịch bệnh. Nếu kiểm soát được thì quá trình phục hồi mới bền vững, không trồi sụt.

“Điểm sáng” của kinh tế Việt Nam là Chính phủ đã thay đổi cách nhìn về phương án chống dịch. Thay vì chống dịch cực đoan như trước, Việt Nam đã bắt đầu “sống chung với đại dịch”, các địa phương chưa thể mở cửa như trước, nhưng bắt đầu mở cửa một phần, “cởi trói” cho doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Chính vì vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 6 - 6,5% và thậm chí cao hơn thì yếu tố đầu tiên đó là điều kiện về y tế và phải mở cửa nền kinh tế một cách nhất quán, có hệ thống, tiên liệu trước được những ngành, nghề và loại dịch vụ nào mà chúng ta chưa mở cửa như là du lịch, hàng không, quốc tế… thì cần phải mở cửa càng sớm càng tốt.

Thứ hai, như tôi đã trao đổi ở trên, chúng ta phải cần mở cửa một cách mạnh mẽ, nhất quán và khoa học, cần bãi bỏ một cách triệt để những biện pháp hành chính không cần thiết.

Thứ ba, chúng ta phải thực hiện một cách mạnh mẽ, nhất quán ngay kế hoạch phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong nước mà trong đó tôi đặc biệt nhấn mạnh về giải ngân đầu tư công. Vì trong số các gói hỗ trợ kinh tế thì giải ngân đầu tư công là giải pháp dễ thực hiện nhất, có thể tác động nhanh nhất và nhiều nhất để kích cầu nền kinh tế trong giai đoạn trước mắt và nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế trong tương lai.

Việc tập trung vào những công trình trọng điểm, công trình lớn, có sự lan tỏa, công trình cơ sở hạ tầng ở những vùng kinh tế trọng điểm, sẽ tạo đà cho tăng trưởng kinh tế năm 2022. Với Việt Nam, mục tiêu tăng trưởng cực kỳ quan trọng, vì sẽ là cơ sở thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ khác. Tất nhiên, chúng ta không đánh đổi chất để lấy lượng, vẫn tiếp tục xác định ổn định kinh tế vĩ mô là một nhiệm vụ, nhưng sẽ phải vừa tăng trưởng, vừa điều chỉnh các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn để đạt chất lượng.

Tiếp đó, những hỗ trợ đối với doanh nghiệp phải thực hiện ngay, có tác dụng ngay, hy vọng khi chúng ta mở cửa nền kinh tế cùng với gói hỗ trợ về tài khóa và với các yếu tố tác động từ bên ngoài đang được hỗ trợ bởi những thông tin tốt thì lúc đó doanh nghiệp sẽ phục hồi, qua đó tín dụng mới được khơi thông và từ đó các gói giảm lãi suất, trợ cấp lãi suất mới có ý nghĩa. Và lúc đó, dòng chảy của tín dụng được mới thực sự vào khu vực sản xuất, nếu không nó sẽ tràn ra các khu vực khác. Đồng thời chúng ta vẫn phải tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

Cũng cần phải nhấn mạnh đến việc quay trở lại các chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh đã thực hiện từ trước, đó là bãi bỏ tất cả các giải pháp hành chính áp đặt trong thời kỳ chống dịch. Những vấn đề nào còn sót lại thì cần phải loại bỏ, tránh những rào cản như trước đây, kèm theo đó là phải hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bởi vì tại thời điểm hiện nay, doanh nghiệp rất cần môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng và thuận lợi để quay trở lại phục hồi và phát triển. Có như vậy thì khi doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, những hỗ trợ của Chính phủ mới có ý nghĩa.

Nếu trong quá trình phục hồi kinh tế, chúng ta thực hiện theo trình tự như tôi vừa trao đổi thì kỳ vọng rằng chúng ta sẽ đạt được kết quả cao hơn, kinh tế sẽ phục hồi một cách nhanh chóng, thậm chí có thể vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6 - 6,5% mà Chính phủ đã đặt ra.

 

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Nguồn: Tapchichungkhoanvietnam.vn