Doanh thu cao nhất từ trước đến nay, Nagakawa (NAG) vẫn loay hoay với lợi nhuận

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2024, Công ty CP Tập đoàn Nagakawa (HNX: NAG) ghi nhận doanh thu 1.752 tỷ đồng, tăng 47,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này phần lớn nhờ vào mức doanh thu kỷ lục đạt 1.074 tỷ đồng trong quý II/2024, lần đầu tiên trong lịch sử công ty đạt ngưỡng doanh thu nghìn tỷ đồng trong một quý. Với kết quả này, Nagakawa đã hoàn thành hơn 50% kế hoạch doanh thu cho năm 2024.

Doanh thu cao nhất từ trước đến nay, Nagakawa (NAG) vẫn loay hoay với lợi nhuận
Trong nửa đầu năm 2024, Nagakawa đã vay phát sinh thêm 1.383 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chi phí giá vốn hàng bán vẫn ở mức cao, đạt 1.555 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp của Công ty chỉ tăng nhẹ 11 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, lên 189 tỷ đồng. Đồng thời, các khoản chi phí khác cũng ghi nhận mức tăng, bao gồm chi phí tài chính (tăng gần 2 tỷ đồng lên 43,2 tỷ đồng), chi phí bán hàng (tăng hơn 11 tỷ đồng lên 104,4 tỷ đồng), và chi phí quản lý doanh nghiệp (tăng 1 tỷ đồng lên 23,6 tỷ đồng).

Sau khi khấu trừ toàn bộ chi phí, lợi nhuận sau thuế của Nagakawa đạt 24 tỷ đồng, tăng gần 5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Đây là một con số khá khiêm tốn so với quy mô của doanh nghiệp này.

Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Tập đoàn Nagakawa đạt hơn 1.936 tỷ đồng, tăng gần 22% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm phần lớn, lên tới hơn 1.765 tỷ đồng. Công ty hiện có 17,8 tỷ đồng tiền mặt, hơn 23 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng và 60 tỷ đồng các khoản tương đương tiền.

Nagakawa cũng đã đầu tư thêm gần 82 tỷ đồng vào các khoản tài chính ngắn hạn, chủ yếu là các khoản tiền gửi tại các ngân hàng thương mại. Đáng chú ý, các khoản tiền gửi này được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại những ngân hàng này. Khoản phải thu ngắn hạn của công ty chiếm tới hơn 37% tài sản ngắn hạn, tương đương 662 tỷ đồng.

Phía bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của Nagakawa đang ở mức 1.510 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm phần lớn với 1.508 tỷ đồng, chủ yếu do công ty vay vốn và nợ thuê tài chính. Các khoản phải trả người bán ngắn hạn cũng tăng hơn 200 tỷ đồng so với đầu năm, đạt mức 438 tỷ đồng.

Trong nửa đầu năm 2024, Nagakawa đã vay phát sinh thêm 1.383 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng chiếm phần lớn với 1.377 tỷ đồng. Để được các ngân hàng cấp vốn hàng trăm tỷ đồng, công ty đã phải sử dụng nhiều tài sản đảm bảo, bao gồm quyền sử dụng đất thuộc sở hữu của ông Nguyễn Mạnh Cường và bà Nguyễn Thị Huyền Thương (Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Nagakawa), trái phiếu ngân hàng, cổ phiếu Tập đoàn Nagakawa, và hàng hóa luân chuyển của công ty... Đến nay, Nagakawa đã thanh toán gần hết các khoản vay này, với số tiền 1.375 tỷ đồng; số nợ còn lại là hơn 988 tỷ đồng.

Nagakawa thành lập vào ngày 22/08/2002 với tên gọi ban đầu là Công ty Liên danh Nagakawa Việt Nam, đã trở thành một tập đoàn kinh tế đa ngành thuộc Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. Ngày 22/09/2009, công ty chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với mã chứng khoán NAG.

Tháng 7/2024, Nagakawa công bố thay đổi logo và ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới tại Landmark 81, TP. Hồ Chí Minh. Công ty tiếp tục tổ chức chuỗi sự kiện “Raise Up” trong và ngoài nước để giới thiệu logo mới tới khách hàng, đối tác, cổ đông và cán bộ nhân viên. Ngày 22/08/2024, nhân dịp kỷ niệm 22 năm thành lập, Nagakawa tổ chức sự kiện Raise Up tại JW Marriott Hanoi để đón mừng sinh nhật Tập đoàn và ra mắt bộ sản phẩm thế hệ mới của cả 3 ngành hàng chủ lực.

Nhìn chung thị trường điện máy trong thời gian qua ghi nhận kết quả tích cực nhờ nhu cầu tăng mạnh trong mùa hè, đặc biệt là doanh số bán điều hòa không khí trong các dịp lễ. Tuy nhiên, lãnh đạo Nagakawa nhận định rủi ro chính đối với công ty vẫn là sự cạnh tranh gay gắt với nhiều hãng điều hòa trên thị trường. Biên lợi nhuận ròng của Nagakawa luôn ở mức thấp do áp lực giảm giá bán từ các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc. Để duy trì doanh số, công ty đã phải đầu tư mạnh vào các hoạt động tiếp thị, trong khi mạng lưới phân phối vẫn hạn chế, đặc biệt là tại các hệ thống bán lẻ điện máy lớn.

Nguồn: Kinh tế chứng khoán