Gần 20 triệu người Việt "xem lậu" giải bóng đá ngoại hạng Anh 2021-2022

Sáng 24/10 tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo chuyên đề về "Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam", do Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam phối hợp cùng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức.

Tại đây, các chuyên gia và nhà thực hành văn hóa đã tập trung đánh giá thực trạng nhận thức, khuôn khổ pháp lý hiện hành về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam. Đồng thời chỉ ra các cơ hội và thách thức của việc bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh phát triển các nền tảng công nghệ số (blockchain, metaverse, NFT...) như hiện nay; gợi mở các giải pháp để thúc đẩy việc bảo vệ và thực thi có hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam, hướng tới việc khai thác giá trị các sở hữu trí tuệ cho phát triển các ngành công nghiệp văn hoá và sáng tạo ở Việt Nam.

Gần 20 triệu người Việt "xem lậu" giải bóng đá ngoại hạng Anh 2021-2022 ảnh 1

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam phát biểu tại hội thảo

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam khẳng định, vi phạm bản quyền khiến người nghệ sĩ, người làm sáng tạo, các nhà sản xuất và kinh doanh hàng hóa và dịch vụ sáng tạo giảm cơ hội thu được lợi ích và lợi nhuận từ việc sản xuất và phân phối các sản phẩm đó, phá hỏng các mô hình kinh doanh và gây khó khăn cho sự phát triển các doanh nghiệp ở nhiều ngành đặc biệt như ngành thiết kế, âm nhạc, mỹ thuật, thời trang, thủ công mỹ nghệ...

"Bối cảnh ở nước ta trong nhiều năm qua đã và đang khiến cho nhiều doanh nghiệp thiếu tự tin trong việc phát triển các mô hình doanh nghiệp hoặc khởi nghiệp sáng tạo. Vi phạm bản quyền, không nhìn nhận được đúng giá tri của sở hữu trí tuệ là nguy cơ có thể dẫn tới sự thất bại của thị trường các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở nước ta nếu không sớm đưa ra những giải pháp khắc phục kịp thời", PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nói.

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu "Thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam" được công bố tại hội thảo cho thấy, các sản phẩm sáng tạo được xem bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhiều nhất có thể kể đến như âm nhạc, bản ghi âm, ghi hình (76,9%), điện ảnh (71,6%), bởi lẽ đây là 3 loại hình sản phẩm mà tất cả cộng đồng đều có thể tiếp cận và sử dụng phục vụ cho nhu cầu giải trí hàng ngày. Đồng thời đây cũng là 3 loại hình bị xâm phạm nhiều quyền liên quan như quyền công bố tác phẩm, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, quyền sao chép tác phẩm...

Hơn thế, cũng theo báo cáo này, xét trên bình diện chính sách, hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung và đối với pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng của Việt Nam là tương đối đầy đủ, không ngừng hoàn thiện và tiệm cận với các quy định của pháp luật quốc tế trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, giữa luật pháp và thực tiễn hoạt động trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có một khoảng cách khá lớn. Trong đó, vấn đề nhận thức, mức độ am hiểu về quyền sở hữu trí tuệ của cả 2 chủ thể là chủ sở hữu sản phẩm văn hóa, sáng tạo và người thụ hưởng các sản phẩm văn hóa, sáng tạo mới chỉ ở mức trung bình. Và hệ quả của vấn đề này là việc các chủ sở hữu các sản phẩm chưa có những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ và khai thác các tài sản trí tuệ của mình. Trong khi đó, những chủ thể hưởng thụ vì chưa am hiểu về pháp luật về sở hữu trí tuệ hoặc do cố ý hoặc do vô ý đã xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm văn góa, sáng tạo.

Kết quả khảo sát cho thấy, có đến 82% đối tượng thụ hưởng cho rằng, họ chưa có thói quen trả phí sử dụng khi sử dụng các sản phẩm văn hóa, sáng tạo.

Là một người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, luật sư Phan Vũ Tuấn cho biết, các kiểu vi phạm bản quyền, đặc biệt trong môi trường số ở Việt Nam muôn màu, muôn vẻ và có thể lấy làm "quy chuẩn vi phạm" cho thế giới với mức độ tinh vi cùng sự tham gia của nhiều tài năng vào quá trình "gỡ rào". Nếu như nhà sản xuất đưa ra một biện pháp ngăn chặn việc "xem chùa" như in logo trên màn hình hay sử dụng công nghệ hiện đại để hạn chế tối đa việc "dùng lậu", thì lập tức, những người sử dụng lại nghĩ ra các cách hóa giải. Cuối cùng, họ vẫn ngang nhiên dùng "miễn phí" sản phẩm sáng tạo.

Gần 20 triệu người Việt "xem lậu" giải bóng đá ngoại hạng Anh 2021-2022 ảnh 2

Luật sư Phan Vũ Tuấn trình bày bài tham luận

Do vậy, luật sư Phan Vũ Tuấn cho rằng, để tránh bị xâm hại bản quyền tác phẩm, các chủ sở hữu phải tự bảo vệ chính mình bằng cách đăng ký quyền sở hữu trí tuệ để có căn cứ pháp lý cho các khiếu kiện sau này. Đồng thời tìm hiểu về các hình thức vi phạm bản quyền hiện nay và lên tiếng trước dư luận khi phát hiện ra sự việc.

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) cho rằng, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ trong thời gian tới tại Việt Nam cần đặt trọng tâm việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức trong thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ với 3 đối tượng là các chủ thể làm việc trong cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực văn hóa, sáng tạo tại trung ương và địa phương; chủ thể sáng tạo, chủ sở hữu các sản phẩm văn hóa sáng tạo; chủ thể hưởng thụ. Thực thi quyền sở hữu trí tuệ hiện nay không còn chỉ là nhiệm vụ của Nhà nước hay của riêng chủ sở hữu tài sản trí tuệ là các sản phẩm văn hóa sáng tạo, mà là của toàn thể cộng đồng với sự tham gia của các chủ thể khác nhau trong xã hội.

Nguồn: Anninhthudo.vn