Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Nội dung chất vấn “đúng” và “trúng” vấn đề cử tri quan tâm

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn - Ảnh: VGP

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, có 193 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó có 162 lượt đại biểu chất vấn, 31 lượt đại biểu tranh luận; còn 160 đại biểu đã đăng ký nhưng do hết thời gian, chưa được phát biểu. Các vị đại biểu Quốc hội sẽ gửi câu hỏi đến Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành để được trả lời bằng văn bản theo quy định.

Trong đó, hàng trăm đại biểu đăng ký và chất vấn; nhiều đại biểu bấm nút tranh luận, điều này cho thấy tinh thần giám sát đến cùng và lợi ích của người dân, lợi ích của đất nước. Các đại biểu Quốc hội đã nắm bắt trọn vẹn tâm tư, nguyện vọng của cử tri và làm trọn trách nhiệm, vai trò của người đại diện.

Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường đạt được những kết quả tích cực

Phiên chất vấn lĩnh vực tài nguyên và môi trường diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm cao, sát với tình hình thực tiễn, sát với nội dung. Phát biểu kết thúc nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên, liên tục.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh báo cáo một số vấn đề liên quan nội dung chất vấn - Ảnh: VGP

Việc Quốc hội lựa chọn chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên, môi trường đã đáp ứng sự quan tâm của cử tri và Nhân dân cả nước. Phiên chất vấn đã nhận được 49 ý kiến chất vấn, tranh luận và diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm cao, sát với tình hình thực tiễn, sát với nội dung nhóm vấn đề chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường đã đạt được những kết quả tích cực.

Tuy nhiên vẫn còn có những tồn tại, hạn chế. Qua phiên chất vấn, đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra, tập trung một số việc: Bám sát nội dung, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong năm 2025, hoàn thành việc khảo sát, đánh giá tiềm năng năng lượng tái tạo ngoài khơi; tổng kết việc thi hành và đề xuất việc sửa đổi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Đồng thời, tập trung triển khai có hiệu quả Luật Tài nguyên nước năm 2023, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập và ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước.  Chủ động phòng, chống và có giải pháp ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng, trong đó có dự án luật địa chất khoáng sản trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Tổng Kiểm toán nhà nước: Nắm chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, thuyết phục

Tiếp tục nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội đã chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời ngắn gọn, rõ ràng, thuyết phục, đi thẳng vào các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, hoạt động của Kiểm toán nhà nước thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đã cung cấp những thông tin xác thực, chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập, sai phạm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hoạt động quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị, có kiến nghị góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật.

Kết quả thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước tăng liên tục qua từng năm, thu nộp về ngân sách nhà nước với số tiền khá lớn. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Kiểm toán nhà nước triển khai có trọng tâm, trọng điểm. Tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán từng bước được khắc phục.

Bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực kiểm toán vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập, kết quả kiểm toán chưa đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Việc phát hiện hành vi tham nhũng còn khó khăn, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, còn có kiểm toán viên vi phạm quy chế làm việc, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp. Còn một số trường hợp chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, có những giải pháp hiệu quả để khắc phục, tập trung vào các vấn đề trọng tâm như: Kiểm toán nhà nước đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển kiểm toán nhà nước đến năm 2030, tập trung kiểm toán theo kế hoạch đã được phê duyệt, nhất là những vấn đề dư luận xã hội, đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.

Cung cấp kịp thời báo cáo kiểm toán cho cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra. Đẩy mạnh cải cách hành chính đối với phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện.

Từng bước chuyển đổi từ quy trình kiểm toán truyền thống sang quy trình kiểm toán số dựa trên nền tảng dữ liệu lớn với sự hỗ trợ công nghệ, trí tuệ nhân tạo. Có biện pháp xử lý kịp thời, đúng pháp luật các đoàn kiểm toán, kiểm toán viên đưa ra kết luận, kiến nghị thiếu bằng chứng, không đủ căn cứ pháp lý, dẫn đến thiếu khả thi, khó thực hiện.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, đặc biệt là chất lượng kết luận, kiến nghị kiểm toán. Thường xuyên đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, đặc biệt là các kết luận, kiến nghị còn tồn đọng.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn - Ảnh: VGP

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán kết nối liên thông với bộ, ngành, địa phương, đơn vị. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện, thực thi công vụ, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên.

Phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục chủ động phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương để hạn chế trùng lặp, chồng chéo ngay từ khâu xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra, kế hoạch kiểm toán hằng năm.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân và xử lý nghiêm các trường hợp chậm hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Rà soát, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Nghiên cứu cơ chế xử lý chung đối với các kết luận thanh tra, kiến nghị kiểm toán. Thu hồi, hoàn trả, giảm chi ngân sách trong các trường hợp cơ quan, đơn vị phá sản, giải thể hoặc cá nhân đã chết, mất năng lực hành vi nhân sự.

Tiếp tục hoàn thiện pháp luật liên quan đến thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng

Phiên chất vấn thuộc lĩnh vực công thương diễn ra trong không khí sôi nổi, trách nhiệm cao; có 40 lượt đại biểu chất vấn và tranh luận (trong đó có 6 đại biểu tranh luận). Phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực công thương, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, công thương là lĩnh vực quan trọng, có tác động rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân, doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn - Ảnh: VGP

Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trả lời cơ bản đầy đủ các vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu. Tham gia trả lời chất vấn có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã phát biểu, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, thời gian qua, hoạt động công thương có nhiều đổi mới, thương mại điện tử phát triển mạnh, chính sách pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được hoàn thiện, nhất là trong hoạt động thương mại điện tử; việc khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết đã góp phần quan trọng vào kết quả xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng cao…

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động động công thương, hoạt động thương mại điện tử; tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng còn diễn biến phức tạp, kim ngạch xuất khẩu chưa bền vững… 

‎Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương, các Bộ có liên quan thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra, tập trung một số nội dung như: tiếp tục hoàn thiện pháp luật liên quan đến thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa thị trường quốc tế gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm; nghiên cứu, xây dựng luật công nghiệp trọng điểm, chương trình công nghiệp hỗ trợ, tập trung phát triển công nghiệp thông minh…

Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cho ngành văn hoá, thể thao và du lịch

Phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch diễn ra sôi nổi, với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao. Phiên chất vấn có 45 lượt ý kiến phát biểu (trong đó có 37 ý kiến chất vấn, 8 ý kiến tranh luận). Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời thẳng thắn, tâm huyết, cụ thể, đầy đủ các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn - Ảnh: VGP

Phát biểu kết thúc nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tích cực triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Các chính sách bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số đã cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đồng bào. Công tác tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nghệ thuật được quan tâm. Thể thao thành tích cao có nhiều tiến bộ, có thành tích đạt cấp khu vực, châu lục và quốc tế… Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch còn nhiều vấn đề đặt ra cần quan tâm giải quyết.

Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ trưởng liên quan quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp như: Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tuyển chọn, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực trong các lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật chuyên sâu, đặc thù. Khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng với đó là sớm ban hành và triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch. Rà soát, hoàn thiện cơ chế quản lý, vận hành và phát huy vai trò của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Quan tâm tăng cường đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...

Các nội dung chất vấn “đúng”, “trúng”, đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, qua phiên chất vấn tại kỳ họp này cho thấy các nội dung chất vấn đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, "đúng" và "trúng" những vấn đề cử tri, Nhân dân cả nước và các vị đại biểu Quốc hội quan tâm; tiếp tục khẳng định đây là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội.

Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng. Các vị đại biểu Quốc hội qua thực tiễn hoạt động của mình đã nắm chắc tình hình, nghiên cứu kỹ các báo cáo, nêu câu hỏi, cũng như tranh luận ngắn gọn, rõ ràng, thiết thực, đi thẳng vào các vấn đề, hầu hết các đại biểu khi hỏi chỉ nêu 1 vấn đề nên có nhiều đại biểu được chất vấn và cũng thuận lợi trong việc theo dõi, ghi chép và trả lời của Chủ tọa, các Bộ trưởng, Trưởng ngành; nội dung các câu hỏi cơ bản thuộc nội dung, phạm vi chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn - Ảnh: VGP

Qua quá trình chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, phân tích rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp, với mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục có các giải pháp phù hợp, quyết liệt, hiệu quả hơn, vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, đáp ứng niềm tin và sự mong mỏi của cử tri và Nhân dân cả nước.

Các bộ trưởng, trưởng ngành dù "dày dạn" kinh nghiệm trả lời chất vấn hay tham gia trả lời chất vấn lần đầu nhưng đều thể hiện bản lĩnh, tâm huyết, nắm chắc chức năng, nhiệm vụ và thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, trả lời rõ nhiều vấn đề khó, phức tạp; thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm cao; trả lời tập trung, không né tránh những vấn đề được hỏi và giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu; đồng thời thẳng thắn nhìn nhận về những tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực, đề ra nhiều giải pháp khắc phục hạn chế, nhằm tạo chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Các nội dung cụ thể về từng lĩnh vực đã được kết luận tại 4 phiên chất vấn. Trên cơ sở chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội và trả lời của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan chuẩn bị dự thảo nghị quyết, xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội và trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối Kỳ họp này, làm cơ sở cho việc thực hiện và giám sát việc thực hiện theo quy định.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, phát huy những kết quả đạt được, tập trung khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực, tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn, đồng bộ hơn, toàn diện hơn, hiệu quả hơn các nhiệm vụ đã đề ra trong thời gian tới. Đồng thời khẳng định, Phiên chất vấn đã thành công tốt đẹp với tinh thần rõ trách nhiệm, rõ giải pháp và cam kết mạnh mẽ trong chỉ đạo, quản lý, điều hành.

Nguồn: Cổng thông tin Chính phủ