NĂM 2022 - NHÀ ĐẦU TƯ SẼ TRƯỞNG THÀNH HƠN

 

Trong bối cảnh làn sóng COVID-19 lần thứ tư đã mang đến những ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, đặc biệt trong quý III/2021. Nhưng nhờ vào việc triển khai nhanh chóng chương trình tiêm chủng vaccine đã thúc đẩy việc mở cửa kinh tế và các hoạt động kinh doanh trở lại vào quý IV/2021, đưa tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của Việt Nam năm 2021 ước tăng 2,58%.

Sự kết hợp giữa tiến độ tiêm chủng vaccine, lĩnh vực sản xuất phục hồi, chi tiêu tiêu dùng tăng trở lại và chính sách tiếp tục hỗ trợ có thể giúp nền kinh tế tăng trưởng khoảng 6,8% vào năm 2022, cao hơn mục tiêu của Chính phủ là 6 - 6,5%. Theo chúng tôi, lạm phát Việt Nam hiện nay đang trong tầm kiểm soát, lãi suất tiền gửi khó tăng nhanh trong nửa đầu năm nay. Vòng xoáy lạm phát đang tăng nhanh chóng ở hầu hết quốc gia phát triển, đặc biệt ở Mỹ. Chính sách tiền tệ do đó đang có sự phân rẽ nhất định tại các quốc gia này với xu hướng chung là mặt bằng lãi suất cao hơn. VDSC kỳ vọng lạm phát trung bình của Việt Nam vào khoảng 3,8% trong năm 2022, do tác động tăng giá của nhóm thực phẩm và xây dựng/nhà ở. Lãi suất tiền gửi có thể nhích nhẹ, song chúng tôi cho rằng mức tăng là không đáng kể và chỉ diễn ra trong giai đoạn cuối năm.

Với việc TTCK Việt Nam đã tăng trưởng đầy ấn tượng trong năm 2021 thể hiện qua các con số như: chỉ số VN Index với mức tăng gần 36% của năm 2021 so với năm 2020; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu cũng tăng mạnh, đạt 7.774 nghìn tỷ đồng, tăng 46,8% so với cuối năm 2020 (tương đương 123,5% GDP năm 2020 và 92,6% GDP năm 2021); thanh khoản trên thị trường cổ phiếu tiếp tục bùng nổ đạt giá trị giao dịch bình quân trên 26.603 tỷ đồng/phiên, tăng 259% so với bình quân năm 2020… Chúng tôi đưa ra dự báo chỉ số VN Index sẽ dao động trong khoảng 1.340 - 1.730 điểm, dựa trên kịch bản tăng trưởng EPS (thu nhập trên  mỗi cổ phiếu) 17% năm 2022 của danh mục cổ phiếu Rồng Việt đang nắm giữ (đại diện 41% vốn hóa thị trường) và mức P/E (giá cổ phiếu trên EPS) dự phòng năm 2022 là 16,4 lần.

 Mức sinh lời cao của kênh đầu tư chứng khoán trong năm 2020 - 2021 đã thu hút sự quan tâm của một bộ phận lớn nhà đầu tư cá nhân Việt Nam (năm 2021 nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán bằng 4 năm trước đó cộng lại). Theo chúng tôi, điều này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2022, với ước tính bình quân mỗi tháng có thêm khoảng 150.000 tài khoản mở mới. Thanh khoản khớp lệnh bình quân toàn thị trường dự báo dao động trong khoảng 30.000 - 35.000 tỷ đồng/phiên. 

Tuy nhiên, TTCK năm 2022 có thể sẽ “nhạy cảm” hơn và biến động mạnh trước thông tin tiêu cực, đặc biệt khi mà định giá cổ phiếu đã lên mặt bằng cao hơn rất nhiều so với giai đoạn trước khi xuất hiện COVID-19 lần đầu tiên (tháng 3/2020). Đó là rủi ro về lạm phát, dù báo lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát thì rủi ro về lạm phát vẫn là yếu tố cần theo dõi; Xác suất lây nhiễm đối với các chủng virus kháng vaccine sẽ góp phần gia tăng tính bất định của quá trình phục hồi kinh tế; Các biến động về địa chính trị toàn cầu, xu hướng thu hẹp chính sách nới lỏng tiền tệ gây ra biến động tiêu cực trên TTCK quốc tế.

Về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trên TTCK, chúng tôi cho rằng, tốc độ phục hồi sẽ khác nhau giữa các lĩnh vực, và thậm chí có sự phân hóa giữa các doanh nghiệp trong ngành. Dòng tiền đầu tư sẽ có sự luân chuyển và phân hóa giữa các ngành/cổ phiếu. Do đó, khả năng xác định thời điểm giải ngân và lựa chọn đúng cổ phiếu (stock-picking) có thể sẽ mang lại hiệu suất đầu tư tốt hơn. Những doanh nghiệp có thể hồi phục nhanh nhờ các gói hỗ trợ kinh tế và cầu tiêu dùng, cũng như bắt nhịp được sự thay đổi hành vi khách hàng sau đại dịch là những doanh nghiệp được khuyến nghị.

Yếu tố đầu cơ đã chi phối TTCK trong những tuần cuối quý IV/2021. Sau đợt giãn cách quý III/2021, thị trường đi vào vùng trống thông tin hỗ trợ khiến nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt hầu như không tăng trưởng về giá. Ở chiều ngược lại, với sự hưng phấn sẵn có của lớp nhà đầu tư cá nhân mới (F0) đã thúc đẩy mức tăng giá nhanh chóng của nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, đưa thị giá của rất nhiều cổ phiếu vượt xa giá trị thực của doanh nghiệp. Sự phi lý trí có thể sẽ tiếp diễn, ít nhất đến mùa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2021, thời điểm mà điểm mạnh - yếu của các doanh nghiệp được thể hiện rõ nét.

Mặc dù vậy, chúng tôi tin rằng sau một thời gian trải nghiệm và trưởng thành cùng TTCK, nhà đầu tư cá nhân mới sẽ có kinh nghiệm hơn trong việc sàng lọc cổ phiếu đầu tư, để không trở thành ''người cuối cùng rời khỏi con tàu đầu cơ''.

Nguồn: Tapchichungkhoanvietnam.vn