“Nhảy việc” sau Tết sao cho đúng luật?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước nếu có một trong các lý do được quy định tại khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019.

"2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;

b) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;

c) Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;

d) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

đ) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;

e) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

g) Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động."

Nếu thuộc một trong 07 trường hợp trên, người lao động được nhảy việc tại bất cứ thời điểm nào sau Tết mà không cần báo trước cho công ty biết. Trường hợp này vẫn được tính là chấm dứt hợp đồng đúng luật, người lao động được hưởng đầy đủ quyền lợi liên quan.

Bên cạnh đó, nếu người lao động không thuộc các trường hợp tại khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 mà muốn nhảy việc trước khi hết hạn hợp đồng sẽ phải thực hiện thủ tục báo trước cho người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019.

"Điều 35. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:

a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;

d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ."

Như vậy đối với những ngành, nghề, công việc thông thường, người lao động phải báo trước tối thiểu 45 ngày với hợp đồng lao động không xác định thời hạn; tối thiểu 30 ngày với hợp đồng lao động từ 12 - 36 tháng và tối thiểu 03 ngày làm việc với hợp đồng lao động dưới 12 tháng.

Ngoài ra, với các ngành, nghề, công việc đặc thù (thành viên tổ lái tàu bay; nhân viên bảo dưỡng tàu bay; nhân viên khai thác bay; người quản lý doanh nghiệp; thuyền viên,…), pháp luật Việt Nam cũng đã có quy định về thời hạn báo trước tại Điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó, báo trước tối thiểu 120 ngày đối với hợp đồng lao động từ đủ 12 tháng trở lên và tối thiểu ¼ thời hạn hợp đồng nếu là hợp đồng lao động dưới 12 tháng

Về hình thức báo trước, hiện nay pháp luật không quy định cụ thể về vấn đề này nhưng để có bằng chứng chứng minh đã báo trước theo đúng thời hạn luật định, người lao động nên viết đơn hoặc email hoặc nhắn tin qua điện thoại để thông báo trước về việc nghỉ làm và xin xác nhận của người quản lý hoặc bộ phận phụ trách.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Khi người lao động đã thực hiện đúng, đủ thủ tục báo trước cho người sử dụng lao động thì không cần công ty đồng ý. Đây cũng là một trong các quyền của người lao động được quy định tại Điều 5 Bộ luật Lao động năm 2019 chính là quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Cùng với đó, Điều 34 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng ghi nhận trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại Điều 35 của Bộ luật này là một trong những căn cứ để chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp.

Điều này cho thấy, pháp luật hoàn toàn tôn trọng quyền được đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động nếu người đó thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, người lao động khi nhảy việc chỉ cần chú ý về lý do nghỉ việc để xác định xem mình có cần phải thông báo trước cho công ty biết hay không. Nếu thuộc trường báo trước thì phải thực hiện cho đúng.

Khi đó, dù công ty có đồng ý hay không thì sự kiện người lao động nhảy việc vẫn được xác định là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật và vẫn sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi theo quy định.

Nguồn: Phapluatplus.vn