Ông lớn săm lốp Đà Nẵng chia cổ tức, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thu về hàng chục tỷ đồng

Công ty CP Cao su Đà Nẵng vừa có nghị quyết phê duyệt phương án chi trả cổ tức bằng tiền phần còn lại từ lợi nhuận Công ty. Theo đó, tỷ lệ thực hiện cho đợt thanh toán này là 7% (mỗi cổ phiếu nhận 700 đồng). Với hơn 118,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành, DRC sẽ chi hơn 83 tỷ đồng để thanh toán hết cho cổ đông hiện hữu.

Là cổ đông lớn nhất, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam hiện nắm giữ xấp xỉ 60 triệu cổ phiếu DRC, tương đương 50,51% cổ phần ‘ông lớn’ săm lốp Đà Nẵng. Như vậy, VINACHEM sẽ nhận về khoảng 42 tỷ đồng từ đợt chia cổ tức này.

Trước đó, DRC từng một lần trả cổ tức 2023 bằng tiền với tỷ lệ 5%. Như vậy sau 2 đợt, Công ty chi hơn 142,5 tỷ đồng thanh toán cổ tức năm 2023 cho cổ đông. Trong đó, khoảng 72 tỷ đồng chảy về túi VINACHEM.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhận về 72 tỷ đồng cổ tức 2023 từ Cao su Đà Nẵng
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhận về 72 tỷ đồng cổ tức 2023 từ Cao su Đà Nẵng

Tính tổng cộng cả 2 đợt, mức chia cổ tức năm 2023 vẫn kém xa so với các năm trước đó (năm 2022 DRC chia cổ tức tỷ lệ 18%; năm 2021 tỷ lệ 17%). Tại ĐHCĐ thường niên 2024 mới đây, DRC thống nhất ủy quyền HĐQT quyết định mức tạm ứng cổ tức 2024, thực hiện chi trả cho cổ đông phù hợp với kết quản sản xuất kinh doanh, chứ không nêu tỷ lệ thực hiện cụ thể.

Về tình hình kinh doanh, DRC vừa ghi nhận sụt giảm khoảng 150 tỷ đồng doanh thu trong quý 1/2024 (so với cùng kỳ). Dù vậy, lãi gộp lại tăng 40% so với quý 1/2023 nhờ tiết giảm giá vốn. 3 tháng đầu năm 2024, DRC lãi 49,2 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ.

‘Đại dự án’ gần 1.000 tỷ đồng hiện ra sao?

Tại ĐHCĐ thường niên 2024 mới đây, ban lãnh đạo Cao su Đà Nẵng nhận được nhiều ý kiến của cổ đông liên quan ‘đại dự án’ gần 1.000 tỷ đồng đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất lốp xe tải Radial. Được biết, giai đoạn 3 của dự án đang được gấp rút triển khai.

Trả lời quan tâm của cổ đông, lãnh đạo DRC cho biết, đối với giai đoạn 3, các máy móc thiết bị lắp đặt đến đâu sẽ đưa vào sử dụng đến đó. Năm 2024, kế hoạch sản lượng sản xuất và tiêu thụ lốp Radial là 900.000 lốp nhưng khi dự án đi vào hoàn thành thì công suất có thể lên đến 1,2 triệu lốp/năm.

Liên quan tiến độ dự án, lãnh đạo DRC trấn an cổ đông rằng, ngay từ đầu Công ty đã thông tin đến quý 4/2024 dự án mới quyết toán. Tuy nhiên dự án đầu tư đến đâu sản xuất đến đó, hiện nay công suất đã vượt 80.000 lốp/tháng nên việc dự án hoàn thành vào quý 4/2024 là chắc chắn. Đối với công suất nhà máy, lãnh đạo DRC khẳng định công suất có thể nâng lên tới 1,2 triệu lốp/năm là hoàn toàn khả thi. Việc dư ra 200.000 lốp/năm so với công suất thiết kế ban đầu sẽ góp phần nâng hiệu quả dự án.

Nhà máy sản xuất lốp Radial sau khi đầu tư nâng cấp có thể đạt công suất 1,2 triệu lốp/năm, hơn 200.000 lốp/năm so với công suất thiết kế
Nhà máy sản xuất lốp Radial sau khi đầu tư nâng cấp có thể đạt công suất 1,2 triệu lốp/năm, hơn 200.000 lốp/năm so với công suất thiết kế

Cùng với việc dự án đưa vào sử dụng, DRC nhận định GDP năm 2024 được dự báo tốt hơn 2023 nên nhu cầu thị trường sẽ khởi sắc. Bên cạnh đó, năm 2024, Chính phủ rất quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công nên sẽ tác động tích cực đến nhiều ngành, trong đó nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm săm lốp sẽ tăng. Đây sẽ là cơ hội tăng trưởng doanh số tiêu thụ cho DRC.

DRC đang chịu cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm của doanh nghiệp FDI, tuy nhiên gần đây Chính phủ đưa ra nhiều chính sách, giải pháp ưu tiên hàng nội địa. DRC cũng đang là đơn vị cung cấp cho các hãng lắp ráp trong và ngoài nước. Năm 2024 có nhiều tín hiệu khởi sắc về đầu ra của các hãng này, đơn cử như Thaco.

Đối với thị trường xuất khẩu, DRC lạc quan cho rằng nếu đáp ứng được nhu cầu thị trường Mỹ sẽ tăng sản lượng tiêu thu gấp 2-3 lần hiện nay. Tại thị trường Brazil, giá thành sản phẩm nhập vào quốc gia này cao do nước này tăng thuế nhập khẩu đối với sản phẩm săm lốp từ 2023. Mới đây, DRC và Oceanside One Trading (doanh nghiệp khá nổi tiếng về săm lốp tại Brazil) đã ký hợp đồng xuất khẩu lốp DRC vào thị trường Mỹ và Brazil, mục tiêu sản lượng từ 70 – 150 triệu USD/năm.

Nguồn: Kinh tế chứng khoán