Phát huy vai trò của quần chúng trong bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở

Phát huy vai trò của quần chúng trong bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở ảnh 1
Các đại biểu tham dự hội thảo

Hội thảo có sự tham gia của các GS-TS, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp và hoạt động thực tiễn trong, ngoài lực lượng CAND đã đưa ra nhiều luận cứ có chiều sâu, xác đáng.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đều cho rằng nhân dân chính là nòng cốt, vai trò của quần chúng nhân dân là yếu tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ ANTT. Dân chủ như tư liệu sản xuất, dân chủ là tài sản chính trị vô giá. Có dân thì có tất cả, mất dân thì mất hết. Phải giữ được niềm tin của dân thì mới giữ được tài sản vô giá.

Không chỉ lực lượng CAND, trong quá trình bảo vệ ANTT, quần chúng nhân dân luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, giữ gìn bí mật Nhà nước, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền; chủ động phát hiện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, lôi kéo, kích động, gây chia rẽ của các thế lực thù địch, phản động; đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.

Trên cả nước, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được triển khai đồng bộ, sáng tạo, với nhiều mô hình, điển hình tiên tiến, tiêu biểu như: “Tổ Liên gia”, “Tổ tự quản”, “ Dòng họ an toàn”, mô hình “02 không, 01 có”, “3 tăng, 3 giảm”, “ Xứ, họ đạo tiên tiến”, “Gia đình công giáo gương mẫu”, mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, đi cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng trở về địa phương”… góp phần phát huy vai trò của nhân dân và trách nhiệm của cộng đồng, xã hội trong bảo vệ ANTT.

Phát huy vai trò của quần chúng trong bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở ảnh 2
Trung tướng Trần Vi Dân phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, Trung tướng Trần Vi Dân - Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân phát biểu: “Nhắc đến Nhà nước pháp quyền là nhắc tới việc quản lý, điều hành các ứng xử liên quan đến xã hội bằng pháp luật, bảo vệ ANTT là một trong những quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của quần chúng. Muốn phát huy được thì bên cạnh các yếu tố văn hóa, phát triển kinh tế, nêu gương, vấn đề khác thì hoàn thiện khung pháp lý, tổ chức động viên quần chúng bằng đạo luật để thống nhất, nâng cao vai trò của quần chúng. Không có đạo luật như vậy thì không thể làm được. Khi có đạo luật cơ bản như thế thì chúng ta sẽ có cơ sở huy động, tổ chức được quần chúng. Nhân dân biết mình được làm gì, không được làm gì, cần làm gì. Vì cuối cùng là phục vụ nhân dân chứ không phục vụ ai khác”.

Tham luận tại Hội thảo GS.TS Hoàng Chí Bảo nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng: “Đạo luật này rất cần thiết trong thời điểm hiện nay, nó không chỉ là sự phát triển của Đảng cầm quyền mà còn đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của xã hội. Luật này nếu được xây dựng thì chính là thể chế hóa”.

Xây dựng đạo luật này vẫn cần bàn luận, lấy thêm ý kiến, cần thêm nhiều hội thảo, trong đó cần lắng nghe thêm những ý kiến của chính quyền, cấp ủy các xã, phường… để dự án luật được hoàn thiện hơn.

Nguồn: Anninhthudo.vn