Tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp ổn định, phát triển

Quốc hội thảo luận toàn thể hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

Tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp

Năm 2023 đạt được nhiều kết quả tích cực về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, lạm phát cơ bản được kiểm soát. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề tiếp tục được quan tâm. Kịp thời thực hiện các chính sách đối với người có công với nước, an sinh xã hội và giảm nghèo. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, kỷ cương, kỷ luật trong cơ quan hành chính nhà nước, cải cách thủ tục hành chính nhà nước được đẩy mạnh. Kết quả 4 tháng đầu năm 2024 cho thấy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công, vốn FDI, đăng ký kim ngạch xuất nhập khẩu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, khách du lịch và thu ngân sách đều tăng cho với cùng kỳ năm 2023. Khu vực công nghiệp, xây dựng dần lấy lại được đà tăng trưởng.

Bên cạnh các kết quả đạt được, các đại biểu Quốc hội cũng hết sức quan tâm đến sức khỏe của doanh nghiệp, đưa ra nhiều ý kiến, đóng góp giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.

Báo cáo thực tế trong 4 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 86.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bình quân có khoảng trên 21.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng. Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng đã nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên trong vòng 5 năm ghi nhận số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 4 tháng đầu năm thấp hơn so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Tuy nhiên, trong báo cáo ngày 27/5 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật số liệu cho thấy, trong tháng 5 này tình hình đăng ký doanh nghiệp có chuyển biến tích cực. Cụ thể, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là gần 20.000 doanh nghiệp, tăng 9,2% so với cùng kỳ, gấp 1,7 lần số rút lui khỏi thị trường là 11.400 doanh nghiệp.

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Hà Sỹ Đồng – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho biết, nếu tính chung cả 5 tháng, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 97.299 doanh nghiệp, tăng 10,5%, còn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. “Đây là vấn đề cần được quan tâm đặc biệt, bởi khi doanh nghiệp phát triển đất nước mới phát triển” - Đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu ý kiến.

Đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng, trong bất kể hoàn cảnh nào, doanh nghiệp vẫn luôn là nền tảng vật chất quan trọng của nền kinh tế, do đó hơn bao giờ hết doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp bé cũng cần phải được quan tâm, được bảo vệ và được trao cơ hội, động lực để yên tâm, vững tin phát triển, trong đó chú trọng các giải pháp.

Đại biểu Đỗ Thị Lan – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh khẳng định doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng, là xương sống của nền kinh tế, chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp ảnh hưởng lớn đến huy động nguồn lực xã hội, tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm và giải quyết an sinh xã hội, song, đã chỉ ra những số liệu cho thấy những khó khăn trong hoạt động của doanh nghiệp.

Trong khi đó, đặc biệt quan tâm đến khó khăn trong thị trường đầu ra của doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Việt Hà – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang chỉ ra, doanh nghiệp hiện nay đang thiếu đơn hàng từ thị trường quốc tế. Đây là khó khăn nổi cộm trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp từ khi diễn ra dịch Covid-19, dù đến nay tình trạng này đã, đang được cải thiện nhưng vẫn là khó khăn lớn của doanh nghiệp.

Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, các yếu tố chính ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 1/2024, có yếu tố về nhu cầu thị trường trong nước thấp, chiếm 5,1%, đặc biệt, yếu tố về nhu cầu thị trường quốc tế thấp, chiếm 34,2%. Tình trạng thiếu đơn hàng kéo dài từ năm 2023 đến nay đã khiến cho doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, thậm chí phải giải thể vì không còn đủ sức chống chịu.

Bên cạnh đó, cầu tiêu dùng trong nước tăng ở mức độ thấp. Tính trung bình 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước tăng khoảng 8,5%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 13,3%.

Thời gian qua, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất và hỗ trợ kích cầu tiêu dùng, lãi suất ngân hàng đã liên tục giảm và duy trì ở mức thấp, các ngân hàng hiện nay vẫn đang tiếp tục cuộc chạy đua giảm lãi suất cho vay và nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút khách hàng nhằm tăng trưởng tín dụng; các chương trình ưu đãi đưa ra cũng được tập trung hướng vào hoạt động sản xuất tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, thực trạng doanh nghiệp do khó khăn, đặc biệt vì thị trường đầu ra nên giảm quy mô sản xuất, thậm chí dừng đầu tư; người dân thì có tâm lý thận trọng, tiết kiệm chi tiêu dẫn đến không có nhu cầu vay vốn. Đây là nguyên nhân trọng yếu khiến cho tín dụng khó tăng trưởng và cũng phản ánh độ hấp thụ vốn của nền kinh tế còn ở mức thấp.

Tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý

Để góp phần tháo gỡ những khó khăn trên, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với những giải pháp Chính phủ đưa ra, đồng thời, nhấn mạnh yêu cầu kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng và minh bạch, nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Có ý kiến đề nghị sớm tháo gỡ vướng mắc, bất cập về chính sách phát triển kinh tế tư nhân.

Tiếp tục rà soát cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, kiên quyết không ban hành thêm các điều kiện không cần thiết, điều kiện kinh doanh mới dưới hình thức các tiêu chuẩn kỹ thuật và làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian, ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.

Một số đại biểu đề nghị quan tâm, chú trọng tạo thị trường xuất khẩu đa dạng, bền vững cho doanh nghiệp. Đồng thời, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu

Tiếp thu các ý kiến, đồng thời giải trình làm rõ những vấn đề các đại biểu quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết trước những khó khăn của doanh nghiệp, Chính phủ đã đề ra các nhóm giải pháp.

Trong đó, tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư phát huy được hiệu quả; khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng truyền thống cũng như động lực tăng trưởng mới tháo gỡ những khó khăn cơ chế, những thủ tục hành chính để thu hút vốn đầu tư công để đầu tư và kích hoạt vốn đầu tư tư trong hình thức đối tác công - tư. Tiếp tục thúc đẩy mở rộng thương mại, tăng cường xuất khẩu, đàm phán cũng như ký kết các hiệp định về FTA cũng như cuộc vận động để kích cầu thị trường trong nước. Tiếp tục đầu tư thúc đẩy tăng trưởng xanh, tăng trưởng số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Nguồn: Cổng thông tin Chính phủ