Tập trung mọi biện pháp đấu tranh với 'cát tặc' lợi dụng lòng sông để hoạt động trục lợi

Ngày 13-12, Công an huyện Ba Vì đã tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả công tác phòng ngừa, đấu tranh các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản; vi phạm trong hoạt động tập kết, trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) ven sông trên địa bàn huyện Ba Vì năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023.

Mạnh tay xử lý vi phạm bến bãi và “cát tặc”

Ba Vì là huyện giáp ranh giữa thành phố Hà Nội với 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Hòa Bình, có tuyến đường sông chảy qua địa phận 19/31 xã, thị trấn. Với tuyến đê sông Hồng dài 25,6km, đê sông Đà dài 9,7km, lại giáp danh tuyến đường sông của 3 tỉnh bạn… nên dễ phát sinh các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép và hoạt động của các bãi tập kết, trung chuyển, kinh doanh VLXD trái phép trên các tuyến đê trên.

Theo thống kê của Công an huyện Ba Vì, hiện toàn huyện có 23 bãi tập kết, kinh doanh VLXD, trong đó, 13 điểm đảm bảo các tiêu chí của thành phố Hà Nội tại các xã, thị trấn gồm: Minh Châu, Phú Phương, Chu Minh, Tây Đằng, Minh Quang, Khánh Thượng, Sơn Đà và Tản Hồng.

10 điểm tập kết còn lại không đảm bảo các tiêu chí thuộc địa bàn các xã: Phong Vân, Chu Minh, Thái Hòa, Minh Quang, Phú Cường và Khánh Thượng.

Xác định các bến bãi không đảm bảo yêu cầu, nếu để tình trạng lén lút hoạt động trái phép có thể dẫn tới nguy cơ gây sạt lở, ảnh hưởng đến an toàn đê điều, đặc biệt vào mua mưa lũ. Bên cạnh đó, một số bãi là nơi tập kết của các đối tượng “cát tặc”, kinh doanh không có hóa đơn, không rõ nguồn gốc của VLXD, hoặc gây ô nhiễm môi trường, sử dụng phương tiện chuyên chở quá khổ, quá tải, nguy hiểm cho người tham gia giao thông cũng như ảnh hưởng kết cấu của đường xá.

Tập trung mọi biện pháp đấu tranh với 'cát tặc' lợi dụng lòng sông để hoạt động trục lợi ảnh 1

Bến bãi của Nguyễn Bá Quốc cũng là nơi đối tượng lén lút tập kết cát khai thác trái phép trên sông Đà

Do vậy, theo Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn - Phó trưởng Công an huyện Ba Vì, trong thời gian qua, Công an huyện đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo rà soát, giải tỏa 10 bến bãi không đảm bảo. Trước tình trạng một số bến bãi cố tình hoạt động, ngay trong tháng 11 vừa qua, Công an huyện cũng phối hợp với các phòng ban chức năng của huyện và chính quyền các xã kiểm tra đối với 5 bến bãi tại xã Chu Minh, Minh Châu, Phong Vân, xử phạt số tiền 43.500.000 đồng, đồng thời buộc các chủ bến bãi khôi phục lại tình trạng đất ban đầu của đất nước trước khi vi phạm.

Năm 2022, Công an huyện Ba Vì phát hiện, xử lý 2 vụ khai thác khoáng sản, vi phạm lĩnh vực đường thủy, xử phạt hành chính 12 đối tượng, thu ngân sách với tổng số tiền 319.440.000 đồng; 58 vụ khai thác đất trái phép, xử phạt số tiền 309.200.000 đồng; phối hợp các phòng nghiệp vụ CATP phát hiện, kiểm tra 3 vụ khai thác cát trái phép; phát hiện, xử lý 5 vụ với 5 đối tượng vi phạm hoạt động tập kết bến bãi, kinh doanh VLXD, xử phạt 43.500.000 đồng.

Đối với hoạt động “cát tặc”, theo Công an huyện Ba Vì, do sự vào cuộc chưa đồng bộ, quyết liệt, chưa phân rõ trách nhiệm của các ngành, một số cấp cơ sở; công tác quản lý tại một số xã còn lỏng lẻo, chưa kiên quyết trong chỉ đạo, kiểm tra xử lý dẫn tới tình trạng các đối tượng lén lút hoạt động, lợi dụng các bến bãi để tập kết cát khai thác trái phép, sau đó vận chuyển đi tiêu thụ tại địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Liên quan đến loại tội phạm này, ngày 12-10-2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Ba Vì cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 4 đối tượng, trong đó có An Ngọc Phương, SN 1988, trú tại xã Khánh Thượng, Ba Vì về hành vi Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên.

Đầu tháng 11-2022, Công an huyện Ba Vì cũng phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hà Nội bắt giữ nhóm đối tượng khai thác cát trái phép trên sông Đà, đoạn chảy qua xã Minh Quang do Nguyễn Bá Quốc, SN 1973, trú tại xã Minh Quang cầm đầu.

Ngày 16-11-2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam Nguyễn Bá Quốc và đồng bọn. Trước đó, bãi tập kết VLXD của Nguyễn Bá Quốc đã 3 lần bị Công an huyện Ba Vì xử lý. Đây được đánh giá là chiến công lớn của lực lượng Công an Thủ đô, cho thấy sự quyết liệt trong việc đấu tranh, phòng chống “cát tặc” lợi dụng hoạt động, trục lợi, gây ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên, nguy cơ sạt lở đê điều…

Tăng cường các biện pháp quản lý

Trên cơ sở nắm tình hình, điều tra cơ bản toàn diện đối với các doanh nghiệp hoạt động khai thác cát trên địa bàn bàn và các khu vực giáp ranh, các cá nhân, tổ chức hoạt động bến bãi, tập kết, trung chuyển VLXD, Công an huyện Ba Vì chỉ đạo các đội nghiệp vụ, Công an các xã, thị trấn tăng cường rà soát, kịp thời phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường trong hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện;

Trao đổi, phối hợp với các phòng nghiệp vụ của Công an thành phố Hà Nội, các phòng ban chức năng của UBND huyện và các đơn vị giáp ranh có chung tuyến đường sông trong việc cung cấp thông tin liên quan đến các đối tượng nghi vấn để kiểm tra, bắt giữ, xác định vị trí khai thác làm căn cứ xử lý;

Tập trung mọi biện pháp đấu tranh với 'cát tặc' lợi dụng lòng sông để hoạt động trục lợi ảnh 2

Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn - Phó trưởng Công an huyện Ba Vì khẳng định, đơn vị sẽ quyết liệt tập trung kiểm tra, xử lý các vi phạm bến bãi và đặc biệt là "cát tặc"

Tham mưu cho UBND huyện Ba Vì thành lập đoàn liên ngành tổng kiểm tra các bến bãi tập kết VLXD cát, sỏi ven sông, đồng thời đánh giá lại tình hình, giao cho chính quyền địa phương các xã có tuyến đường sông đi qua chủ động phối hợp với các ban ngành lập biên bản vi phạm, kiên quyết giải tỏa, cưỡng chế đối với các bến bãi không nằm trong quy hoạch…

Ngoài ra, Công an huyện cũng nâng cao phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động người dân tích cực phát hiện, cung cấp thông tin về tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường trong hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên khoáng sản; tổ chức tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm.

Đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm kinh doanh, tập kết bến bãi VLXD trái phép, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành các quy định của pháp luật, nếu tiếp tục cố tình vi phạm, lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm, yêu cầu chấm dứt hoạt động, giải tỏa để trả lại hiện trạng ban đầu.

Tập trung mọi biện pháp đấu tranh với 'cát tặc' lợi dụng lòng sông để hoạt động trục lợi ảnh 3

Các đối tượng "cát tặc" thường lợi dụng địa bàn giáp ranh để hoạt động

Phát biểu tham luận tại hội nghị, Trung tá Nguyễn Đình Trà, Trưởng Công an xã Tản Hồng nêu vấn đề, tình trạng khai thác cát trái phép có dấu hiệu phức tạp. Với vị trí địa lý của xã Tản Hồng giáp ranh với nhiều địa phương trong và ngoài huyện Ba Vì, tiếp giáp với khu vực ngã 3 sông, do vậy, các đối tượng thường lợi dụng giấy phép khai thác cát hợp pháp, giấy phép nạo vét luồng lạch để khai thác vượt phạm vi, sai mục đích, sai địa phận…

Cũng theo Trung tá Nguyễn Đình Trà, “cát tặc” hoạt động rất tinh vi, ngoài việc chọn địa bàn giáp ranh, các đối tượng còn lợi dụng vào những ngày thời tiết xấu, đêm tối để hoạt động lén lút, nhằm qua mặt lực lượng chức năng.

Tập trung mọi biện pháp đấu tranh với 'cát tặc' lợi dụng lòng sông để hoạt động trục lợi ảnh 4

Ông Đỗ Quang Trung - Phó chủ tịch UBND huyện Ba Vì

Phát biểu chỉ đạo, ông Đỗ Quang Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì yêu cầu, chủ tịch UBND các xã chịu trách nhiệm rà soát, kiên quyết không để các bến bãi không đảm bảo tiêu chí của thành phố tiếp tục hoạt động, giải tỏa triệt để, tránh việc các đối tượng lợi dụng bến bãi này hoạt động tập kết VLXD, khai thác tài nguyên, khoảng sản trái phép.

Ông Đỗ Quang Trung cũng nhấn mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ và nhân dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến khai thác, kinh doanh VLXD; thông tin các vụ xử lý "cát tặc" để tạo sự răn đe chung.

"Tôi đề nghị Công an huyện Ba Vì phối hợp với lực lượng Công an 19 xã có tuyến đường sông chảy qua, tăng cường điều tra, rà soát, nắm tình hình hoạt động của các nhóm "cát tặc", các tổ chức, cá nhân lợi dụng khai thác trái phép để trục lợi. Riêng Công an huyện cần tập trung làm tốt công tác điều tra, xác định các vi phạm để tham mưu, đề xuất UBND huyện có biện pháp xử lý triệt để".

Nguồn: Anninhthudo.vn