Thấy gì qua việc trúng thầu của Công ty TNHH Phát triển hạ tầng công nghệ BSI tại Vietinbank?

Những dự án lớn

Tìm hiểu của PV về hoạt động đấu thầu của Công ty BSI tại Vietinbank cho thấy, giá trị những gói thầu mà BSI trúng tại chủ đầu tư này không nhỏ.

Đơn cử, tháng 5/2021, dự án Mua bản quyền phần mềm DB Oracle có giá trên 32 tỷ đồng. Sau đó 1 tháng, BSI tiếp tục trúng gói thầu Cung cấp triển khai 35 máy rút nhận tiền tự động Recycle ATM và 35 bộ hộp tiền dự phòng cho máy Recyde ATM. Gói thầu này có giá trên 38 tỷ đồng.

Mở rộng tìm hiểu, vào tháng 2/2023, BSI tiếp tục trúng gói thầu Cung cấp và triển khai 40 máy rút nhận tiền tự động Recyde ATM và 40 bộ hộp tiền dự phòng cho máy Recyde ATM. Giá trị gói thầu này là trên 43 tỷ đồng.

Gần đây nhất, vào tháng 6/2024, kết thúc quá trình lựa chọn nhà thầu, Vietinbank ra quyết định phê duyệt liên danh BSI và Công ty TNHH Phát triển công nghệ Ánh Vi thắng thầu ở dự án Mua sắm 3200 POS với giá 31 tỷ đồng.

Từ tháng 5/2021 đên tháng 6/2024, tổng giá trị hợp đồng từ các gói thầu mà nhà thầu BSI trong tư cách độc lập và liên danh đã trúng tại chủ đầu tư Vietinbank là trên 200 tỷ đồng.

Thấy gì qua việc trúng thầu của Công ty TNHH phát triển hạ tầng công nghệ BSI tại Vietinbak
Ông Nguyễn Thành Xuân, Giám đốc Khối MS&QLTS thuộc Ngân hàng Vietinbank ký phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho BSI trúng thầu

Mức giảm giá thấp

Bản chất của hoạt động đấu thầu là lựa chọn ra những nhà thầu có đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu của chủ đầu tư, trong đó có việc tiết kiệm nguồn kinh phí, nhất là các chủ đầu tư có liên quan đến nguồn kinh phí của Nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối. Đối với các công ty cổ phần là việc tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi ích cho các cổ đông. Bên cạnh đó là đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch.

Quan sát hoạt động đấu thầu của BSI tại những dự án của Vietinbank trong những năm qua, các doanh nghiệp cùng lĩnh vực, giới đầu tư cũng như dư luận băn khoăn khi không ít dự án mà giá trúng thầu chênh lệch không lớn với giá mời thầu, thậm chí con số tiết kiệm chỉ khoảng vài chục triệu đồng. Có thể đơn cử một số dự án do Vietinbank mời thầu.

Tháng 6/2021, kết thúc quá trình lựa chọn nhà thầu, Vietinbank ra Quyết định số 758/QĐ-TGĐ-NHCT23 phê duyệt nhà thầu BSI là đơn vị trúng gói thầu Cung cấp triển khai 35 máy rút nhận tiền tự động Recyde ATM và 35 bộ hộp tiền dự phòng cho máy Recycle ATM.

Tìm hiểu cho thấy, giá mời thầu của chủ đầu tư Vietinbak là 38.057.250.000 đồng. Giá trúng thầu của BSI là 38.033.765.000 đồng. Một gói thầu có mức giá trên 38 tỷ đồng, nhưng kết thúc quá trình đấu thầu rộng rãi, giá trị tiết kiệm chỉ đạt trên 20 triệu đồng.

Tương tự như trên, việc chênh lệch thấp giữa giá mời thầu và giá trúng được lặp lại ở gói thầu Mua sắm 3200 POS. Gói thầu này thuộc dự án cùng tên. Theo đó, liên danh Công ty TNHH Phát triển công nghệ Ánh Vi và Công ty BSI trúng thầu với giá 31.070.688.000 đồng. Đối chiếu với giá mời thầu là 31.081.600.000 đồng thì mức giảm giá chỉ đạt khoảng 11 triệu đồng.

BSI tiếp tục trúng thầu ở mức giảm giá thấp tại chủ đầu tư Vietinbank. Theo đó, tại Quyết định số 677/QĐ-TGĐ-NHCT-MSTS1, Vietinbank phê duyệt cho Công ty BSI trúng thầu với giá 13.778.899.200 đồng tại gói thầu Mua sắm dịch vụ bảo trì 55 máy ATM tronng 36 tháng. Được biết, giá mời thầu tại gói thầu này là 13.794.000.000 đồng.

BSI hoạt động ra sao?

Trong vài năm trở lại đây, BSI chiếm lĩnh thị phần không nhỏ các gói thầu công nghệ của các ngân hàng, định chế tài chính tại Việt Nam mặc dù là nhà thầu khá kín tiếng trên thị trường.

Mảng kinh doanh máy rút tiền ATM của công ty nhanh chóng đạt được thành công rực rỡ. Nếu như trong năm 2008 công ty mới chỉ cung cấp được hơn 170 máy ATM/CDM/CRM cho 2 ngân hàng đầu tiên là Techcombank và Maritime Bank thì đến hết năm 2020 công ty BSI đã ký hợp đồng cung cấp trên 2000 máy ATM/CDM/CRM với nhiều ngân hàng như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank), Ngân hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex (PG Bank), Ngân hàng TMCP Bảo Việt (Bao Viet Bank)...

Cùng với sự lớn mạnh trong hoạt động kinh doanh, Công ty BSI có sự tăng trưởng về vốn điều lệ và sự biến động trong cơ cấu cổ đông.

Cụ thể, tại lần đăng ký thay đổi đăng ký kinh doanh lần thứ 16 ngày 30/5/2023, Công ty có vốn điều lệ 55 tỷ đồng. Theo đó, thành viên góp vốn chiếm tỷ lệ lớn nhất là ông Nguyễn Trần Tuấn Anh chiếm tỷ lệ 55% với số vốn góp là 30,250 tỷ đồng. Thành viên góp vốn lớn thứ 2 là Bùi Thị Hương chiếm tỷ lệ 40% với số vốn góp là 22 tỷ đồng. Thành viên góp vốn tiếp theo là Cao Bá Thu với tỷ lệ sở hữu 3%, số vốn góp là 1,650 tỷ đồng. Cuối cùng là Lê Thị Phương Thanh chiếm 2% với số vốn góp là 1,1 tỷ đồng.

Theo thông tin cập nhật vào tháng 1/2024, Công ty BSI đã tăng vốn mạnh mẽ từ 55 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng. Thành viên góp vốn gồm: ông Nguyễn Trần Tuấn Anh chiếm 50%, góp 50 tỷ đồng, Bùi Thị Hương chiếm 40% góp 40 tỷ đồng, cổ đông Quế Phương Mai chiếm 10% góp 10 tỷ đồng. Hai thành viên Cao Bá Thu và Lê Thị Phương Thanh không còn hiện diện sở hữu tại Công ty.

Với số vốn góp áp đảo, ông Nguyễn Trần Tuấn Anh giữ vai trò chủ tịch công ty và người đại diện theo pháp luật.

Công ty TNHH Phát triển Hạ tầng Công nghệ BSI được thành lập năm 2007. Công ty đặt trụ sở tại Tầng 6, Tòa nhà C'Land, 156 ngõ Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội.

Nguồn: Kinh tế chứng khoán