Thêm chính sách đãi ngộ đối với nhân viên y tế

Tại buổi tọa đàm có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Ths.BS Đỗ Doãn Bách, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai.

IMG_1389-1645431264775

Tọa đàm "Đại dịch COVID-19 và chính sách đối với nhân viên y tế". Ảnh VGP

Ở  đâu có dịch bệnh ở đó có các chiến sĩ áo trắng

Trong thời gian bùng phát dịch bệnh tại Bắc Giang hay Tp. HCM, nhiều bác sĩ và tình nguyện viên gần như không nghỉ, như bác sĩ Trần Công Minh của Bệnh viện Chợ Rẫy, khi vừa kết thúc hỗ trợ phòng chống dịch ở Bắc Giang lại bắt tay ngay vào công tác khám chưa bệnh tại bệnh viện hồi sức cấp cứu ở Tp. HCM hay bác sĩ Minh Hoàng ở Bệnh viện Hùng Vương, Phú Thọ lùi thời gian kết hôn; hay vợ chồng bác sĩ Nguyễn Thị Giang, Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng, gửi lại con thơ để xung phong lên đường phòng, chống dịch; những ban thờ vái vọng người thân qua đời mà những nhân viên y tế không về được - Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhắc tới.

Chia sẻ về khó khăn lớn nhất đối với nhân viên y tế trong công tác phòng chống dịch, PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, đó không phải là sự mệt mỏi, vất vả do công việc, mà đó là khi người bác sĩ chữa bệnh không giữ lại được tính mạng người bệnh.

Hiện nay khi dịch đã chuyển sang giai đoạn mới thì chúng ta không thể Zezo Covid -19 mà phải sống chung với dịch bệnh. Trong giai đoạn này, khó khăn lớn nhất là chúng ta phải chống dịch lâu dài, nhưng tinh thần của các cán bộ, nhân viên y tế đã được đào tạo, rèn luyện nên không ai bỏ cuộc - PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.

Chính sách đãi ngộ đối với các chiến sĩ ''áo trắng''

Thông tin về việc hơn 62% cán bộ y tế chưa nhận được bất kỳ một khoản phụ cấp nào, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, đây là khảo sát từ tháng 9-11/2021 và thời điểm đó đang là giai đoạn dịch diễn biến phức tạp, cả hệ thống chính trị tập trung cho công tác phòng chống dịch nên việc chi trả còn chưa kịp thời. Khi đó, tất cả nhân viên y tế lên đường không đòi hỏi gì về chế độ, sẵn sàng làm nhiệm vụ. Ở đâu bệnh nhân cần thì nhân viên y tế có mặt ở đó.

Khi dịch cơ bản được kiểm soát như hiện nay, hầu như các đơn vị, địa phương đã chi trả phụ cấp cho nhân viên y tế. Bộ Y tế đã có các công văn gửi y tế các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố khẩn trương chi trả phụ cấp ngành cho nhân viên y tế.

Để đẩy mạnh hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch, mới đây nhất, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành và báo cáo Chính phủ ban hành Nghị quyết số 145/NQ-CP ngày 19-11-2021 về điều chỉnh, sửa đổi một số chính sách phòng, chống dịch, trong đó nâng phụ cấp phòng, chống dịch lên 1,5 lần đối với người lao động, bao gồm cả người tình nguyện, sinh viên, học sinh và người có chuyên môn không hưởng lương ngân sách nhà nước làm việc tại cơ sở thu dung, điều trị tại Tp. HCM, các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương trong thời gian từ ngày 1-8 đến 31-10-2021.

ttxvnhanoitangcuongtramlaymauxetnghiemnhanhcovid-191637202534563214

Ảnh minh họa, nguồn TTXVN.

Qua đó Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, "Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại các chế độ, chính sách để tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những chính sách kịp thời cho những người tham gia phòng chống dịch, điều chỉnh bổ sung mức phụ cấp để bù đắp phần nào sự hy sinh, những tổn thất đối với nhân viên y tế - lực lượng tuyến đầu chống dịch”.

Quan điểm về vấn đề này, ông Bùi Sĩ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng cơ chế chính sách của ngành y tế có 3 nút thắt lớn về thể chế cần phải tập trung tháo gỡ để cán bộ ngành y tế được hưởng thù lao thoả đáng.

Thứ nhất là ngành y đào tạo dài hơn các ngành khác nên cần thiết phải thiết kế bảng lương phù hợp với quá trình đào tạo. Đào tạo càng dài thì bảng lương, hệ số lương phải khác với ngành nghề đào tạo ngắn hơn.

Thứ hai, ngành y tế là ngành chăm lo cho sức khoẻ của người dân, bảo vệ tính mạng con người như lực lượng vũ trang bảo vệ nhân dân. “Tại sao ngành y tế không cho áp dụng phụ cấp 1,8 như lực lượng vũ trang?”, ông Bùi Sĩ Lợi đặt câu hỏi. Đối với ngành y tế, vấn đề tự chủ và tự chịu trách nhiệm ở những bệnh viện lớn được chuyển giao công nghệ thì được nhưng huyện, xã không có điều kiện thì làm sao tự chủ được, kể cả không có bệnh nhân.

Thứ ba, khi dịch bệnh phải đương đầu chống dịch nên cần có phụ cấp đặc biệt để khi biến cố xảy ra, chúng ta áp dụng ngay chứ không phải ra nghị quyết rồi xin ý kiến.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, cần có Nghị định hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021… phải có chính sách chi trả cho nhân viên y tế sau chi lương hợp đồng và phụ cấp để bảo đảm điều trị Covid -19 lâu dài; có chính sách miễn thuế đối với những đơn vị huy động các nguồn lực tiền, tài sản; có hướng dẫn cụ thể về vấn đề con người làm cơ sở pháp lý để tuyển dụng, huy động nguồn nhân lực cơ sở y tế công, y tế tư tham gia phòng chống Covid-19…

Nguồn: Phapluatplus.vn