Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Hiroshima dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 và làm việc tại Nhật Bản

Chuyến công tác làm việc tại Nhật của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ góp phần tăng cường hơn nữa sự tin cậy, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản ngày càng phát triển

Trong chương trình công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Phạm Minh Chính sẽ dự 3 phiên thảo luận về các chủ đề "Cùng hợp tác xử lý đa khủng hoảng", "Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững", "Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng"; tham gia hoạt động về Sáng kiến Đối tác cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu của G7; gặp gỡ, tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G7.

Tại các phiên thảo luận, hoạt động tiếp xúc đa phương, song phương, Thủ tướng Chính phủ sẽ tham gia, đóng góp với cộng đồng quốc tế, gắn với các lợi ích của Việt Nam về nhiều vấn đề, nhất là các vấn đề liên quan trực tiếp đến an ninh - phát triển, phát triển bền vững, hợp tác y tế, ứng phó biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng... Thông qua đó, truyền tải thông điệp về Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, hội nhập quôc tế sâu rộng, hiệu quả; đóng góp tích cực, chủ động, có trách nhiệm vào các công việc chung của cộng đồng quốc tế, đồng thời bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích chính đáng của đất nước.

Cũng trong chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio để thảo luận về hợp tác song phương cũng như các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm; dự và phát biểu tại Tọa đàm với lãnh đạo các doanh nghiệp lớn Nhật Bản; tiếp các tổ chức kinh tế, tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản và gặp gỡ đại diện tiểu biểu cộng đồng và trí thức Việt Nam tại Nhật Bản.

Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ tới Nhật Bản có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hai nước Việt Nam - Nhật Bản kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao (1973 - 2023); thể hiện sự coi trọng của cả hai bên đối với quan hệ song phương; khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi trọng quan hệ với Nhật Bản, mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản phát triển hơn nữa, đẩy manh họp tác trong các lĩnh vực hai bên có tiềm năng và thế mạnh.

Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản sẽ góp phần triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030.

Thủ tướng gặp mặt cộng đồng người Việt tại Nhật Bản

Chiều 19/5 (giờ địa phương), ngay sau khi tới Hiroshima, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.

Cùng dự có: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh.

Thủ tướng và Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản

Báo cáo Thủ tướng, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu cho biết cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản có gần 500.000 người, là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 2 tại Nhật Bản và cũng là cộng đồng người Việt lớn thứ 2 trên thế giới. Trong đó, có khoảng 250.000 lao động, tu nghiệp sinh, thực tập sinh, khoảng 50.000 lưu học sinh, 60.000 kỹ sư và khoảng 40.000 người định cư tại Nhật Bản… Người Việt Nam hiện sinh sống, làm việc và học tập trên khắp 47 tỉnh, thành phố của Nhật Bản.

Theo Đại sứ, dự báo thời gian tới, số người Việt Nam tại Nhật sẽ tiếp tục tăng lên do nhu cầu lao động của phía Nhật và Nhật Bản có các chính sách để thu hút hơn nữa lao động Việt Nam. Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đa số là người trẻ, năng động, đội ngũ doanh nhân đang được hình thành, số lượng chuyên gia, trí thức tăng lên.

Bà con luôn có ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc, luôn đoàn kết, hướng về quê hương, đất nước, tích cực ủng hộ các hoạt động khắc phục thiên tai, phòng chống COVID-19… Chính quyền Nhật Bản cũng tạo điều kiện cho người Việt sinh sống, kinh doanh, học tập thuận lợi.

Các ý kiến kiều bào tại cuộc gặp bày tỏ vui mừng trước sự phát triển nhanh chóng và năng động của đất nước thời gian qua; tự hào về chuyến công tác của Thủ tướng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, cho thấy sự coi trọng của cộng đồng quốc tế với vị thế, vai trò của Việt Nam; thông báo các hoạt động cộng đồng để tăng cường đoàn kết cộng đồng và đóng góp vào quan hệ Việt Nam – Nhật Bản nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam  - Nhật Bản; cũng nêu một số đề xuất, kiến nghị về chính sách với kiều bào.

Chia sẻ với bà con, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng trước sự phát triển năng động của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, nhất là trong 10 năm qua. Hiện cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản chiếm khoảng 10% tổng số người Việt Nam ở nước ngoài.

Điểm lại những cột mốc chính trong quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong lịch sử, với những dấu ấn như phố cổ Hội An, phong trào Đông du đầu thế kỷ 20…, Thủ tướng khẳng định quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trải qua nhiều thăng trầm, có nhiều duyên nợ và hiện đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, có sự tin cậy cao. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida Fumio đã có 5 cuộc gặp để thúc đẩy quan hệ hai nước.

Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ 2, nhà đầu tư số 3, đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Hai nước cũng chia sẻ lập trường, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trên các diễn đàn đa phương.

Thông tin với bà con về quá trình bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước, Thủ tướng cho biết, sau hơn 35 năm đổi mới, năm 2022, tăng trưởng GDP đạt hơn 8%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 4.110 USD và GDP đạt 409 tỷ USD. Việt Nam tăng 12 bậc trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2023. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; vị thế và vai trò đất nước trên trường quốc tế không ngừng được nâng lên.

Thủ tướng nêu rõ, Đảng, Nhà nước luôn coi kiều bào là một bộ phận quan trọng không thể tách rời, là một động lực phát triển của đất nước, điều này được thể hiện qua Nghị quyết số 36, Chỉ thị số 45, Kết luận số 12 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, được thể chế hóa bằng các quy định của pháp luật.

Đảng, Nhà nước, Chính phủ có trách nhiệm, tạo thuận lợi nhất, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng có trách nhiệm, luôn hướng về quê hướng, đất nước.

Thủ tướng hoan nghênh và đề nghị bà con phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới sáng tạo; góp ý với Đảng, Nhà nước về các cơ chế, chính sách; mong muốn bà con tiếp tục giữ vững, phát huy lòng tự hào, tự tin dân tộc, tinh thần đoàn kết, "tắt lửa tối đèn có nhau", vượt qua mọi khó khăn, thách thức để vươn lên, khẳng định mình; góp phần củng cố quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản. 

Thủ tướng mong muốn bà con Việt kiều xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mỗi người, mỗi gia đình, góp phần xây dựng cộng đồng và đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. "Ở đâu, làm gì mà đóng góp được cho quê hương, đất nước thì đều đáng quý, đáng trân trọng", Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu các Đại sứ quán, cơ quan đại diện ngoại giao, các cán bộ, nhân viên đại sứ quán phải coi bà con như người ruột thịt trong gia đình để xử lý các công việc liên quan.

Thủ tướng khẳng định, truyền thống của chúng ta là mỗi lúc khó khăn, thử thách lại nỗ lực phấn đấu vươn lên, vượt qua, khẳng định mình, điều này được hun đúc qua các thời kỳ lịch sử, từ lòng yêu nước, thương nòi, từ tinh thần, sức mạnh đoàn kết. "Chúng ta phải luôn luôn nuôi dưỡng lòng yêu nước trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài qua các thế hệ", Thủ tướng nói.

Đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và thiết thực của kiều bào tại cuộc gặp, Thủ tướng giao các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị, đề xuất để cụ thể hóa vào các cơ chế, chính sách.

Thủ tướng dự lễ công bố đường bay thẳng Hà Nội – Hiroshima

Chiều cùng ngày, tại Hiroshima, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ công bố đường bay thẳng đầu tiên giữa thành phố Hà Nội và thành phố Hiroshima và là đường bay thứ 8 kết nối hai nước Việt Nam và Nhật Bản của Hãng hàng không Vietjet.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự lễ công bố đường bay thẳng Hà Nội – Hiroshima

Cùng dự có Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu; Phó Thống đốc tỉnh Hiroshima (Nhật Bản) Masahiko Tanabe; cùng lãnh đạo một số bộ, ngành, doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.

Hiroshima là thành phố nằm ở phía Tây Nam Nhật Bản, có vị trí chiến lược kết nối vùng Kansai và Kyushu của Nhật Bản, với nền kinh tế biển và công nghiệp nặng phát triển, là biểu tượng vươn lên mạnh mẽ sau thế chiến. Hiroshima sở hữu nhiều điểm tham quan được UNESCO ghi danh là Di sản thế giới như đền Itsukushima với cổng Torii nổi trên biển, khu tưởng niệm hoà bình, lâu đài Hiroshima,… cùng ẩm thực địa phương hấp dẫn.

Đường bay Hà Nội – Hiroshima bắt đầu phục vụ hành khách từ ngày 19/7/2023 với 2 chuyến khứ hồi mỗi tuần vào các ngày thứ Tư và Chủ Nhật. Như vậy, hiện nay Vietjet có các đường bay thẳng từ Hà Nội, TP.HCM đến Tokyo, Osaka, Nagoya, Fukuoka và nhiều chuyến bay tới với Niigata, Shizuoka, Fukushima… Theo đó, Vietjet nâng các chuyến bay Việt Nam – Nhật Bản lên 58 chuyến bay khứ hồi/tuần.

Ông Đinh Việt Phương - Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet cho rằng, với vai trò là thành viên của Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản – Keidanren, tổ chức kinh tế toàn diện lớn nhất Nhật Bản, Vietjet cam kết sẽ tiếp tục mở rộng mạng bay đến Nhật Bản, mang đến thêm nhiều cơ hội hợp tác song phương, đa phương, với nhiều lựa chọn bay thuận tiện. Năm 2023, Vietjet có kế hoạch cung ứng hơn 1,5 triệu ghế giữa Việt Nam và Nhật Bản, kết nối toàn diện các trung tâm du lịch và kinh tế của Nhật Bản với các điểm đến hấp dẫn trên khắp Việt Nam và khu vực như Australia, Ấn Độ, Kazakhstan.

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu cho rằng, việc Vietjet mở đường bay trực tiếp đầu tiên từ Việt Nam đến Hiroshima mở thêm cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân giữa Việt Nam – Nhật Bản nói chung và tỉnh Hiroshima nói riêng. Sự kiện đặc biệt có ý nghĩa vào dịp hai nước đang có nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó thống đốc tỉnh Hiroshima, Nhật Bản - ông Masahiko Tanabe cho biết, tỉnh Hiroshima và sân bay quốc tế Hiroshima đang cùng phối hợp để mở rộng mạng bay của tỉnh này; đường bay mới công bố Hà Nội – Hiroshima là đường bay đầu tiên nối khu vực Chugoku và Shikoku với Việt Nam. Với các đường bay thẳng mới của Vietjet, kỳ vọng việc hợp tác giữa Hiroshima và Việt Nam sẽ tích cực hơn trên nhiều lĩnh vực, bao gồm kinh doanh, thương mại và du lịch.

Nguồn: Cổng thông tin Chính phủ