UBND TP Sầm Sơn cần giải quyết dứt điểm kiến nghị của người dân xung quanh vụ cưỡng chế, thu hồi đất

Những văn bản chỉ có giá trị …trên giấy?.

Người dân Làng Chài Sầm Sơn sống chủ yếu bằng nghề đi biển và nấu nước mắm, họ luôn tuân thủ chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, ngày cận tết nguyên đán, chính quyền thành phố Sầm Sơn đã tiến hành cưỡng chế nhà cửa khiến nhiều người dân điêu đứng.

Mặc dù Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có Nghị quyết số 279/NQ-HĐND ngày 16/6/2020 về việc chấp thuận bổ sung danh mục các công trình, dự án phải thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đợt 1, năm 2020.

Cụ thể, Nghị Quyết nêu: “…Đối với khu đô thị Quảng trường biển Sầm Sơn, tại phường Trung Sơn và phường Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn, diện tích 65,63ha (trong đó, diện tích đất trồng lúa là 15,70ha, diện tích đất rừng phòng hộ 0,63ha, 49,30ha là diện tích các loại đất khác..)”.

Tuy nhiên, khi thực hiện thu hồi đất thì UBND thành phố đã tiến hành cưỡng chế, thu hồi đất thổ cư của  nhiều người dân thuộc phường Trung Sơn.

Điều đáng nói là có người nhận được quyết định cưỡng chế, có người không nhận được quyết định, đến khi bị cưỡng chế khiến người dân không kịp trở tay. Vì sao lại như vậy?.

Trình bày với phóng viên, ông Cao Sỹ Ngơi cho biết: “Khi ông Lương Tất Thắng làm Chủ tịch thành phố, triển khai kế hoạch 532 về giải phóng mặt bằng đã quán triệt: “Phải giữ nguyên hiện trạng mặt bằng, phải công khai minh bạch, nghiêm cấm mua bán trong giai đoạn giải phóng mặt bằng. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ không được lợi dụng mua bán đất đai trong khu vực dự án.

Nhưng thực tế, trong 2 năm triển khai dự án tại phường Trung Sơn lại không hoàn toàn như vậy. Cụ thể, việc công bố rõ địa điểm, địa giới, diện tích dự án không được công bố. Việc thông báo tái định cư cho những gia đình bị thu hồi cũng không được thông báo…”- ông Ngơi bức xúc.

Không chỉ ông Cao Sỹ Ngơi mà nhiều người dân ở phường Trung Sơn gửi đơn kêu cứu tới Tòa soạn Pháp luật Plus về việc, ngày 31/12/2021 UBND thành phố Sầm Sơn ra quyết định cưỡng chế, tới ngày 14/01/2022 chính quyền địa phương tiến hành cưỡng chế khiến nhiều người dân đang phải chịu cảnh không nhà, phải đi ở nhờ.

272699762_5637218349658984_3563396094354342096_n (1)

Căn nhà của bà Cao Thị Đợi, phường Trung Sơn trước cưỡng chế. (Ảnh người dân cung cấp).

s.son2.jpg

Nhà bà  Cao Thị Đợi sau cưỡng chế. (Ảnh người dân cung cấp).

Nghị quyết ghi một đằng, người thực thi có thực hiện một nẻo?

Theo bà Nguyễn Thị Tiến, khu phố Trung Kỳ, phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn cho biết: "Sau khi đuổi hết người dân ra khỏi nhà và dùng phương tiện máy móc đập nát nhà của cả ba gia đình, trong đó tài sản của nhiều gia đình bị chính quyền địa phương mang đi đâu không ai biết.

Người dân chúng tôi lên trụ sở UBND phường Trung Sơn để xin tá túc nhờ thì bị cán bộ phường không cho và đóng cửa lại, đặt biển "cấm" và đề “nơi tập trung phòng chống dịch, không phận sự miễn vào”.

Rõ ràng là Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh một đằng, người thực thi thực hiện một nẻo, chưa bố trí tái định cư, chưa có cơ sở hạ tầng đã tiến hành cưỡng chế nhà dân, đẩy người dân chúng tôi vào cảnh không nhà, không cửa”- bà Tiến bức xúc.

Điều phi lý hơn cả là việc chính quyền thu hồi đất của người này lại cấp cho người khác khi mà chưa có quyết định thu hồi đất (chưa thu hồi sổ đỏ, vì người dân đã có Giấy chứng nhận QSDĐ của cơ quan có thẩm quyền)

Theo bà Nguyễn Thị Tiến, bản thân bà và nhiều người dân khác đã gửi các đơn khiếu nại, tố cáo, kêu cứu tới các cấp ban ngành của TP Sầm Sơn và tỉnh Thanh Hoá nhưng chưa có câu trả lời. Tất cả chỉ là sự chuyển đơn và im lặng.

Theo ông Hoàng Văn Giáp, Chủ tịch UBND Phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn trả lời với phóng viên rằng, việc cưỡng chế là của cấp Thành phố thực hiện, và đề nghị phóng viên liên hệ tới cấp Thành phố.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lương Tất Thắng, Bí thư TP Sầm Sơn, ông Thắng cho biết: "Chúng tôi đã nhận được đơn thư của người dân phản ánh và đã chuyển sang UBND TP Sầm Sơn để trả lời công dân".

Tuy nhiên, phóng viên liên hệ với ông Lê Văn Tú, Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn về những phản ánh, kêu cứu của người dân Làng Chài thì ông Tú báo bận họp và hẹn trả lời sau.

Pháp luật Plus chuyển toàn bộ nội dung sự việc của người dân phường Trung Sơn tới người đứng đầu tỉnh Thanh Hóa để có hướng giải quyết hợp lòng dân, đúng pháp luật và kịp thời, để người dân ổn định cuộc sống.

Điều 22 Hiến pháp Việt Nam 2013

1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.

2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.

3. Việc khám xét chỗ ở do luật định.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Nguồn: Phapluatplus.vn