Vì một cái Tết an toàn không tiếng pháo nổ ở Thị xã Buôn Hồ

Tin nên đọc

Chiều ngày 31/1, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Trung tá Nguyễn Danh Bằng - Trưởng Công an thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk về việc đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn thị xã trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc, góp phần ổn định, an toàn cho nhân dân trên địa bàn có một cái Tết vui tươi, an toàn.

Theo Trung tá Bằng, “24h đêm nay 31/1, tức khuya ngày 29 Âm lịch, cùng với cả dân tộc chúng ta đón giao thừa để bước vào một năm mới với nhiều niềm hi vọng về một cuộc sống an vui, thịnh vượng. Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, hoà chung không khí đón Tết của cả nước, thì tình trạng sử dụng pháo trái phép có nguy cơ diễn biến phức tạp và  gia tăng, trở thành mối nguy hiểm đe doạ an ninh trật tự đối với người dân và xã hội". 

IMG_20220131_164924

Chiều 31/1 (ngày 29/12 Âm lịch) Công an thị xã Buôn Hồ chuẩn bị ra quân tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh, trật tự cho nhân dân thị xã vui Xuân, đón Tết.

Ngày 9/2/2021, Bộ trưởng Bộ Công an có Công điện gửi Công an các tỉnh về việc triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn việc sử dụng pháo trái phép trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Theo số liệu của Bộ Công an, riêng trong đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 từ ngày 15/12/2020 đến nay đã phát hiện, bắt giữ 1.799 vụ, 2.284 đối tượng, thu giữ trên 21,7 tấn pháo; đã khởi tố 567 vụ (chiếm 31,5%), 769 đối tượng (chiếm 33,6%) về các tội danh liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 

Qua công tác đấu tranh cho thấy nguồn gốc pháo chủ yếu từ nước ngoài, lợi dụng sơ hở thiếu sót trong công tác quản lý của các cửa khẩu, đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới để vận chuyển vào trong nước tiêu thụ; lượng pháo tàng trữ trái phép ngoài xã hội còn nhiều…Do đó, dự báo việc sử dụng pháo trái phép trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sẽ diễn ra phức tạp. 

Mặc dù đã có quy định cấm đốt pháo ngày Tết từ lâu nhưng vào mỗi dịp Tết, một bộ phận người dân vẫn “vô tư” mua, đốt pháo nổ, thậm chí trêu đùa ném pháo vào người đi qua đường chỉ để thoả mãn niềm vui cá nhân, giải trí trong dịp Tết mà không hiểu được hết hậu quả khôn lường đối với chính mình và xã hội. 

Hiện tại trên mạng xã hội Facebook, Zalo, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên thấy có rất nhiều tài khoản rao bán các loại pháo nổ công khai trên các nhóm, hội với hàng trăm, ngàn thành viên. Chỉ cần một cái kích chuột, sẽ có hàng loạt hội nhóm lớn, nhỏ hiện ra rao bán đầy đủ các loại pháo với lời chào mời vô cùng hấp dẫn kèm theo hình ảnh, video hướng dẫn.

Trong khi đó, một bộ phận người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ được các quy định của Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo, dẫn đến tình trạng “hiểu nhầm” hoặc cố tình hiểu sai về việc được phép sử dụng pháo hoa. Có hiệu lực từ ngày 11.1.2021, tại điều 17 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân khi sử dụng chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất kinh doanh pháo hoa. 

Nghị định tách hẳn khái niệm pháo hoa và pháo hoa nổ để chỉ cho phép người dân sử dụng pháo hoa. Theo đó, người dân chỉ được phép sử dụng pháo hoa là loại pháo không có thuốc pháo nổ, chỉ tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ. Quy định này đã được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua nhưng tình trạng mua bán, sử dụng pháo nổ trái phép vẫn diễn ra khá phổ biến.

20220131_155714

Các quy định về việc xử phạt hành vi buôn bán, sử dụng pháo nổ trái phép được Công an thị xã tuyên truyền đến từng người dân.

Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm là từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng và hình thức xử phạt bổ sung. Hành vi mua bán, kinh doanh và sử dụng các loại pháo nổ là vi phạm pháp luật, tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội buôn lậu (Điều 188 Bộ luật Hình sự) hoặc Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190).

20220131_155813

Hình ản tuyên truyền của Công an thị xã Buôn Hồ.

Có thể thấy, pháp luật đã quy định rất rõ ràng các chế tài mà người sản xuất, sử dụng, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo nổ phải chịu phạt. Việc đốt pháo nổ cần phải tiếp tục được lên án mạnh mẽ hơn nữa và có biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm minh để tránh gây hậu quả cho chính mình và xã hội.

Mỗi người dân chúng ta, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên cần nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật, để đảm bảo đón tết vui tươi, an toàn bên gia đình và người thân, xã hội. Cùng với đó, người đứng đầu chính quyền, đơn vị các cấp… phải nêu cao trách nhiệm không để xảy ra tình trạng đốt pháo tại đơn vị, địa phương mình quản lý, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và an toàn tại địa phương.

Qua đây Trung tá Bằng cũng xin gửi lời chức mừng năm mới đến các đồng chí lãnh đạo Thị ủy, lãnh đạo UBND thị xã Buôn Hồ, các cán bộ, công chức, người dân trên địa bàn thị xã và toàn thể độc giả của Báo Pháp luật Việt Nam đón một Mùa Xuân ấm áp, an khang, thịnh vượng.

Nguồn: Phapluatplus.vn