Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nhà ở công nhân: Ưu tiên hàng đầu của Bộ Xây dựng

Nhân dịp đầu Xuân năm mới 2022, phóng viên báo Xây dựng có cuộc trao đổi với Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, lắng nghe định hướng của lãnh đạo Bộ Xây dựng về công tác phát triển nhà ở dành cho công nhân - chủ đề có ý nghĩa lan toả về chính trị, kinh tế, xã hội và nhân văn.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị.

Công tác chăm lo, phát triển nhà ở dành cho công nhân trong thời gian qua đã đạt được kết quả gì nổi bật, thưa Bộ trưởng?

- Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, trong đó, có nhà ở dành cho công nhân, người lao động các khu kinh tế, KCN luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thực hiện các định hướng của Đảng, Chính phủ, trong nhiều năm qua, Bộ Xây dựng đã nỗ lực tham mưu cho Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân và đạt được nhiều kết quả.

Một là, về thể chế chính sách: Bộ đã trực tiếp tham mưu hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ ban hành hệ thống cơ chế, chính sách, chương trình, đề án… tương đối đồng bộ, đầy đủ, cơ bản đảm bảo giải quyết các vấn đề thực tiễn và phát huy hiệu quả cao trong yêu cầu quản lý, phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) nói chung và nhà ở dành cho công nhân, người lao động nói riêng.

Chăm lo phát triển nhà ở cho công nhân đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ ở cả cấp Trung ương và địa phương.

Chăm lo phát triển nhà ở cho công nhân đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ ở cả cấp Trung ương và địa phương.

Luật Nhà ở (2005 và sửa đổi năm 2014) được Quốc hội ban hành, trong đó khẳng định “người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài KCN thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định, Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân như: Nghị định số 188/2013/NĐ-CP năm 2013 về phát triển và quản lý NƠXH (thay thế bằng Nghị định số 100/2015/NĐ-CP năm 2015 và sửa đổi tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP năm 2021); Nghị quyết số 18/NQ-CP năm 2009 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN tập trung, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; các Nghị quyết của Chính phủ về hoàn thiện cơ chế chính sách và bố trí nguồn vốn phát triển NƠXH, trong đó có nhà ở dành cho công nhân KCN: Nghị quyết số 41/NQ-CP năm 2020, Nghị quyết 84/NQ-CP năm 2020 và Nghị quyết số 58/NQ-CP năm 2021. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2127/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong đó nêu rõ quan điểm, định hướng giải quyết nhà ở cho công nhân lao động; Quyết định số 655/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các KCN, khu chế xuất” (sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg năm 2020) để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, người lao động KCN, cùng hàng loạt Chỉ thị: Số 03/CT-TTg năm 2017, số 09/CT-TTg năm 2019 và số 16/CT-TTg  năm 2021 để thúc đẩy phát triển NƠXH, nhà ở dành cho công nhân.

Số lượng lớn các văn bản được ban hành nêu trên đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ, Bộ Xây dựng và các Bộ ngành đối với sự nghiệp phát triển nhà ở cho công nhân; đây là căn cứ cơ bản đầy đủ để đẩy mạnh thu hút đầu tư hơn nữa cho phát triển NƠXH, nhà ở công nhân trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá cao mô hình NƠXH tại Bình Dương. Ảnh: Mai Thanh.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá cao mô hình NƠXH tại Bình Dương. Ảnh: Mai Thanh.

Hai là, thành công của gói hỗ trợ tín dụng 30 nghìn tỷ đồng cho phát triển NƠXH, trong đó có nhà ở cho công nhân. Phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân tăng tốc chủ yếu trong giai đoạn 2013 - 2016 nhờ sự thành công của gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ thực hiện chính sách NƠXH theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu, trong đó, các chính sách hỗ trợ phát triển NƠXH, nhà ở dành cho công nhân có sự tham mưu trực tiếp của Bộ Xây dựng. Chỉ trong 4 năm triển khai, tính đến thời điểm kết thúc giải ngân tái cấp vốn cho Chương trình (ngày 31/12/2016), đã giải ngân được 98,9%, cho vay đối với cá nhân khoảng 24.300 tỷ đồng với gần 52.800 khách hàng; cho vay tổ chức khoảng 5.400 tỷ đồng với 106 DN. Từ chỗ gần như không có NƠXH, nhà ở cho công nhân trên thị trường, đã hình thành và đưa vào sử dụng hơn 100 dự án ngay sau gói hỗ trợ tín dụng kết thúc giải ngân; góp phần quan trọng điều chỉnh cơ cấu sản phẩm của thị trường BĐS; tạo sức lan tỏa giúp cho thị trường “tan băng”, phục hồi trở lại nhanh chóng.

Đến thời điểm hiện tại, cả nước đã hoàn thành 266 dự án NƠXH (gồm cả nhà thu nhập thấp và nhà công nhân), quy mô xây dựng hơn 142 nghìn căn, với tổng diện tích hơn 7,1 triệu m2 (đạt khoảng 56,8% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020: Đến năm 2020 cần 12,5 triệu m2 sàn NƠXH). Riêng nhà ở công nhân, đã hoàn thành đầu tư xây dựng 121 dự án, quy mô khoảng 54 nghìn căn hộ, tổng diện tích 2,7 triệu m2; đang tiếp tục triển khai 100 dự án nhà ở dành cho công nhân với quy mô xây dựng khoảng 134 /163,5 nghìn căn theo dự báo nhu cầu (tương đương 82% so với nhu cầu dự báo), tổng diện tích 6,7 triệu m2. Nhiều mô hình nhà ở điển hình dành cho công nhân đã được quan tâm, quy hoạch và đầu tư đồng bộ, đảm bảo hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, có các tiện ích thiết yếu như khuôn viên, nhà trẻ, các cửa hàng, chỗ để xe, điểm thu gom rác, bảo đảm an toàn, vệ sinh... được công nhân đón nhận.

Ba là, động lực mới từ Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023, trong đó, có gói hỗ trợ tín dụng 15 nghìn tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng để mua, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội và gói hỗ trợ tín dụng 40 nghìn tỷ hỗ trợ lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại cấp bù lãi suất cho chủ đầu tư phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân, chủ đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. Đây là gói hỗ trợ được Chính phủ và Quốc hội đánh giá cao về tính khả thi, tính hiệu quả tiếp nối gói hỗ trợ tín dụng 30 nghìn tỷ đồng từ giai đoạn trước.

Nhà lưu trú công nhân cần áp dụng công nghệ vật liệu mới phù hợp, giảm chi phí đầu tư.

Nhà lưu trú công nhân cần áp dụng công nghệ vật liệu mới phù hợp, giảm chi phí đầu tư.

Thưa Bộ trưởng, trong quá trình thực hiện công tác quản lý, phát triển NƠXH cho người lao động, đâu là vấn đề Bộ trưởng trăn trở nhất?

- Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng hiện nay, NƠXH và nhà ở dành cho công nhân mới đáp ứng khoảng 56,8% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong khi đó, vẫn còn tồn tại, hạn chế, vướng mắc cả trong quy định pháp luật, cơ chế, chính sách cũng như trong tổ chức thực hiện ở cấp Trung ương và địa phương.

Về vấn đề thể chế: Vẫn còn quy định bất cập liên quan đến quy hoạch, bố trí quỹ đất dự án xây dựng nhà ở cho công nhân đang có sự khác nhau giữa các Luật; chưa có chính sách riêng về nhà ở cho công nhân  KCN (đang được lồng ghép vào chính sách NƠXH). Trong khi các chính sách hiện hành còn nhiều điểm thiếu khả thi như: Ưu đãi cho chủ đầu tư về miễn tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế không thực chất vì không được tính vào giá NƠXH (chủ đầu tư không được hưởng); chưa có quy định bán NƠXH cho tổ chức để tự lo cho công nhân; quy định về diện tích tối thiểu 20% cho thuê, thuê mua nhưng nhiều dự án không cho thuê được, trong khi phải bỏ thêm phí quản lý…

Về tổ chức thực hiện: Các cơ quan Trung ương chưa có sự kết hợp chặt chẽ trong việc xây dựng kế hoạch bố trí vốn hỗ trợ nhà ở từ ngân sách Nhà nước, cũng như chưa thực hiện tốt việc thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện chính sách NƠXH. Chính quyền địa phương chưa bố trí đủ quỹ đất để xây dựng NƠXH, nhà ở cho công nhân; chưa quan tâm tới việc hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào dự án NƠXH, nhà ở cho công nhân từ nguồn ngân sách địa phương theo quy định, cũng như chưa thực sự quyết liệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân tham gia đầu tư xây dựng NƠXH, nhà ở cho công nhân.

Gần đây nhất, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra tình hình phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân tại một số địa phương, Bộ Xây dựng nhận thấy, có những địa phương làm rất tốt, tuy nhiên cũng có địa phương phát triển mạnh về công nghiệp, dịch vụ nhưng gần như không phát triển được dự án NƠXH nào, hoặc có nhưng không đáng kể. Như vậy, vấn đề ở đây ngoài vướng mắc về thể chế, chính sách còn là vấn đề quan tâm tích cực đến yêu cầu về phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân của các địa phương.

Bộ Xây dựng đã nỗ lực tham mưu cho Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân.

Bộ Xây dựng đã nỗ lực tham mưu cho Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân.

Xin Bộ trưởng chia sẻ những định hướng lớn cho phát triển nhà ở công nhân, trong ngắn hạn và dài hạn?

- Chăm lo, phát triển nhà ở cho công nhân đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ ở cả cấp Trung ương và địa phương; thực hiện các giải pháp toàn diện về hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện. Đây sẽ là một trong ưu tiên hàng đầu của Bộ Xây dựng trong những năm tới, nhằm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải pháp quyết liệt, hiệu quả trong ngắn hạn và dài hạn.

Về ngắn hạn, Bộ Xây dựng sẽ tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát quy hoạch quỹ đất làm nhà ở cho công nhân trong thời gian tới. Yêu cầu các DN kinh doanh hạ tầng KCN dành một phần quỹ đất dịch vụ trong KCN làm nhà lưu trú cho công nhân; nếu chưa sử dụng hết diện tích đất trong KCN thì kiến nghị điều chỉnh quy hoạch để đầu tư nhà lưu trú cho công nhân. Giao DN đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN đầu tư nhà lưu trú công nhân. Cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục, khuyến khích DN phát triển nhà ở cho công nhân.

Bộ sẽ nghiên cứu, ban hành các thiết kế mẫu, thiết kế điển hình nhà lưu trú công nhân, áp dụng công nghệ, vật liệu mới, phù hợp, nhằm tối ưu hóa thiết kế, giảm thời gian và chi phí đầu tư. Đơn giản hóa quy trình phê duyệt các dự án NƠXH, nhà ở cho công nhân. Thành lập Ban chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện gói hỗ trợ tín dụng về NƠXH, nhà ở cho công nhân theo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023,

Về dài hạn: Bộ Xây dựng sẽ tham mưu để cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương trong quá trình lập, phê duyệt quy hoạch KCN, khu kinh tế phải bố trí diện tích đất phù hợp để làm nhà lưu trú cho công nhân; bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà ở công nhân, các thiết chế công đoàn, nhằm đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Ban hành các cơ chế, giải pháp, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính để hỗ trợ, khuyến khích các DN tham gia phát triển NƠXH, đặc biệt là nhà ở công nhân cho thuê, thuê mua, mua.

 

Lực lượng công nhân cần được quan tâm phát triển toàn diện cả về số lượng và chất lượng.

Lực lượng công nhân cần được quan tâm phát triển toàn diện cả về số lượng và chất lượng.

Bộ cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở 2014 và các quy định có liên quan để khắc phục hạn chế, bất cập về thể chế trong phát triển nhà ở công nhân; xây dựng chính sách phát triển nhà ở công nhân cụ thể, khả thi để khuyến khích phát triển nhà ở công nhân trong thời gian tới, cũng như xây dựng tiêu chuẩn thiết kế phù hợp, đảm bảo chất lượng NƠXH, nhà ở công nhân, đồng bộ hạ tầng, hài hòa kiến trúc, cảnh quan, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn về  quy hoạch, xây dựng nhà ở, phòng cháy, chữa cháy…

Trân trọng cảm ơn  Bộ trưởng!

Nguồn: Phapluatplus.vn