10 năm phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp: Thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, đóng góp vào phát triển bền vững Kỳ 3: Đưa quan hệ đối tác phát triển thực chất, đi vào chiều sâu
(PLVN) - Để phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế, trong thời gian tới, công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp và các bên liên quan cần phải được tiến hành cho phù hợp với yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu.
Góp phần nâng cao năng lực quản lý và thực thi pháp luật
Cùng với định hướng chung nêu trên, công tác này cũng phải phấn đấu để đạt được các mục tiêu liên quan đã được đề ra trong Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 (ban hành tại Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ) như: “Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan. Quản lý thu thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu hiệu quả. Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”; “Phát triển quan hệ hợp tác, đối tác giữa Hải quan với các bên liên quan tạo nền tảng và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về Hải quan”.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện để cộng đồng DN và các bên liên quan nắm bắt được đầy đủ, kịp thời các chính sách, quy định pháp luật về hải quan, về thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Giải quyết kịp thời và hiệu quả các khó khăn, vướng mắc nhằm chia sẻ, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình làm thủ tục hải quan cho cộng đồng DN; qua đó góp phần nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng ngày càng lành mạnh, thuận lợi, minh bạch và hiệu quả.
Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng DN và các bên liên quan tham gia hoàn thiện chính sách, pháp luật về hải quan, phương thức quản lý, chất lượng phục vụ của cơ quan hải quan các cấp; tham gia thực hiện các chương trình, đề án về cải cách, hiện đại hóa hải quan, kế hoạch cải cách hành chính và chuyển đổi số của ngành Hải quan liên quan đến người dân, DN. Qua đó để cộng đồng DN tích cực ủng hộ và tham gia vào tiến trình cải cách, hiện đại hóa hải quan; góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về hải quan và thực thi công vụ trong ngành Hải quan.
Tăng cường hợp tác Hải quan - DN để góp phần nâng cao năng lực quản lý và thực thi pháp luật của mỗi bên. Lấy sự hài lòng của DN là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu để đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan Hải quan.
Thúc đẩy trao đổi và hiểu biết giữa hai bên
Nhằm triển khai các định hướng trên, ngành Hải quan xác định tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp đã được nêu ra tại Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 như đẩy mạnh quan hệ hợp tác, phối hợp đi vào chiều sâu giữa cơ quan hải quan với các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương, các tổ chức, trong thực hiện quản lý nhà nước về Hải quan bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; xây dựng quan hệ đối tác giữa cơ quan hải quan với DN tin cậy để hình thành chuỗi cung ứng tin cậy trên cơ sở nghiên cứu, xây dựng và triển khai chương trình đối tác tin cậy với sự tham gia của các DN xuất khẩu, nhập khẩu và các đối tác thương mại của DN trong chuỗi cung ứng. Khuyến khích cộng đồng DN tham gia phản biện hoàn thiện chính sách pháp luật hải quan; tham gia giám sát thực thi pháp luật hải quan. Tăng cường hợp tác, đối thoại giữa cơ quan hải quan và DN nhằm tăng cường thông tin, thúc đẩy trao đổi và hiểu biết giữa hai bên.
Ngoài ra, sắp xếp, kiện toàn bộ máy tổ chức làm công tác phát triển quan hệ đối tác theo hướng hợp lý, tinh gọn, có một đầu mối chủ trì thực hiện công tác này tại từng cấp Hải quan; tránh chồng chéo, trùng lắp giữa các đơn vị. Tiếp tục duy trì và đẩy mạnh việc thông tin các quy định pháp luật, quy trình thủ tục hải quan, thủ tục thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu mới được ban hành và các chương trình, đề án cải cách hiện đại hóa trọng điểm của ngành Hải quan; các điều ước, cam kết quốc tế trong lĩnh vực hải quan và tạo thuận lợi thương mại mà Việt Nam tham gia tới cộng đồng DN. Đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền bảo đảm phù hợp với đặc điểm loại hình DN và đặc thù địa bàn quản lý.
Cơ quan hải quan các cấp cần chủ động nghiên cứu, đổi mới đưa ra các giải pháp, sáng kiến, công cụ nhằm hỗ trợ DN thực hiện thủ tục hải quan phù hợp với đặc điểm địa bàn, tính chất hoạt động của DN. Chủ động dự báo các vướng mắc, khó khăn của DN trong áp dụng chính sách pháp luật mới giúp DN chủ động, xử lý nhanh các tình huống nghiệp vụ phát sinh. Nghiên cứu thành lập diễn đàn tham vấn Hải quan - DN. Tăng cường hoạt động tham vấn trước và sau khi ban hành chính sách pháp luật hải quan nhằm bảo đảm tính thực tế của văn bản pháp luật khi ban hành.
Thông tin, phản hồi kết quả hợp tác với cộng đồng DN để xây dựng niềm tin của cộng đồng DN khi hợp tác với cơ quan hải quan. Tăng cường công tác giám sát thực thi pháp luật của DN với cơ quan hải quan và cộng đồng DN. Đẩy mạnh việc xây dựng và quản trị công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan - DN và các bên liên quan như xây dựng bộ chỉ số theo dõi, đánh giá hoạt động phát triển quan hệ đối tác, thiết lập cơ sở dữ liệu chung về hoạt động phát triển quan hệ đối tác trên Cổng thông tin điện tử Hải quan; tăng cường trao đổi, đánh giá, đôn đốc thực hiện công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan - DN…
Theo https://baophapluat.vn/10-nam-phat-trien-quan-he-doi-tac-hai-quan-doanh-nghiep-thuc-day-hoat-dong-xuat-nhap-khau-dong-gop-vao-phat-trien-ben-vung-ky-3-dua-quan-he-doi-tac-phat-trien-thuc-chat-di-vao-chieu-sau-post533292.html