10 sự kiện pháp luật năm 2024
(PLVN) - Nhằm ghi lại những sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng, nổi bật của năm 2024, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức bình chọn và công bố các sự kiện pháp luật nổi bật của năm. Việc bình chọn các sự kiện này nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong cán bộ và Nhân dân.
Hội đồng bình chọn gồm có: ông Vũ Hoài Nam, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng bình chọn; bà Vũ Hồng Thúy, Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bình chọn; ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp); ông Đỗ Đức Hiển, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XV; ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; ông Trần Hữu Huỳnh, nguyên Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; ông Chu Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Luật Hà Nội; ông Vũ Văn Tiến, Trưởng Ban Tuyên giáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và bà Phan Minh Thủy, Trưởng phòng xây dựng pháp luật (VCCI).
Dưới đây là 10 sự kiện pháp luật nổi bật năm 2024 do Hội đồng bình chọn của Báo Pháp luật Việt Nam lựa chọn:
1. Đồng chí Tô Lâm được bầu giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước tặng hoa chúc mừng đồng chí Tô Lâm được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. (Ảnh: TTXVN) |
Sáng 03/8/2024, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. Phát biểu ngay sau khi được bầu làm Tổng Bí thư, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định tiếp tục kế thừa và phát huy những thành quả cách mạng mà đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các thế hệ lãnh đạo đi trước đã gây dựng; duy trì sự đoàn kết, thống nhất và cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, tổ chức thành công Đại hội XIV, đưa đất nước vững bước phát triển trong giai đoạn mới.
2. Tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và cuộc “Cách mạng” về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những “điểm nghẽn”, “nút thắt” về thể chế. (Ảnh: TTXVN) |
Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội đã khẩn trương tiến hành tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Dự kiến bộ máy Chính phủ còn 13 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ, giảm 5 Bộ và 3 cơ quan trực thuộc Chính phủ. Các tổ chức sau khi sắp xếp, hợp nhất giảm từ 35 - 40% đầu mối, các tổ chức còn lại sắp xếp bên trong thì giảm tối thiểu 15%. Cơ bản bỏ các tổng cục và các tổ chức tương đương, bước đầu dự kiến giảm 500 cục thuộc Bộ, các tổng cục. Đối với Quốc hội, sau khi sáp nhập, tinh gọn, dự kiến số đầu mối các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giảm gần 36%; các vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội sẽ giảm trên 40%. Tại các địa phương, việc tiến hành sắp xếp, tinh gọn bộ máy cũng đang được tiến hành rất khẩn trương theo kế hoạch.
3. Quốc hội thông qua số lượng luật, nghị quyết nhiều nhất từ trước đến nay tại một kỳ họp
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua 18 Luật, 21 Nghị quyết, trong đó có 04 Nghị quyết quy phạm pháp luật trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ về tư duy trong công tác lập pháp theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.
Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua nhiều Luật quan trọng theo phương thức một luật sửa nhiều luật, được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những “nút thắt” cho những vấn đề lớn, mang tính cấp bách, “điểm nghẽn” của nền kinh tế.
Trước đó, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội khóa XV diễn ra ngày 18/01/2024, Luật Đất đai (sửa đổi) đã được đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua. Luật Đất đai là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực sớm hơn 5 tháng so với thời hạn đề ra, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật để thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững, nguồn lực đất đai được quản lý, sử dụng hiệu quả.
4. Thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với tỷ lệ tán thành cao. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam với tổng mức đầu tư 1.713.548 tỷ đồng. Việc đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông của đất nước, qua đó góp phần tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
5. Vai trò, vị trí của Bộ Tư pháp được khẳng định và nâng cao
Ngày 7/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp. Ảnh: Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh tặng hoa Tổng Bí thư Tô Lâm. (Ảnh: P.M) |
Ngày 07/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp nhằm đánh giá toàn diện công tác tư pháp và định hướng nhiệm vụ trong thời gian tới. Đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư có buổi làm việc trực tiếp với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp. Trước những cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tổng Bí thư khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của Bộ, ngành Tư pháp. Cũng tại buổi làm việc, đồng chí Tổng Bí thư đã đề ra một số nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể mà Bộ, ngành Tư pháp phải tập trung thực hiện trong thời gian tới nhằm xây dựng hệ thống pháp luật vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” trong xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển, góp phần đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
6. Công bố “Bộ pháp điển Việt Nam”
Phó Thủ tướng Lê Thành Long và các đại biểu thực hiện nghi thức công bố “Bộ pháp điển Việt Nam”. (Ảnh: VGP/Đức Tuân) |
Ngày 05/11/2024 tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã Công bố “Bộ pháp điển Việt Nam”. Bộ pháp điển được xây dựng, hình thành từ gần 9 nghìn văn bản quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của cấp Trung ương và được sắp xếp, cấu trúc vào 45 chủ đề, trong mỗi chủ đề có một hoặc nhiều đề mục (có 271 đề mục thuộc 45 chủ đề). Bộ pháp điển được các Bộ, ngành tổ chức xây dựng một cách nghiêm túc, trách nhiệm theo một quy trình chặt chẽ, góp phần bảo đảm tính đồng bộ, đầy đủ, chính xác, kịp thời các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực có trong Bộ pháp điển. Các quy phạm pháp luật được sắp xếp theo một trật tự, logic, khoa học, có hệ thống giúp cho việc tra cứu, tìm kiếm các quy định pháp luật được dễ dàng, thuận tiện. Qua đó, Bộ pháp điển góp phần bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật cũng như góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật của nước ta.
7. Triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID trong toàn quốc
Đoàn viên, thanh niên Sở Tư pháp Hà Nội hướng dẫn công dân thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID. (Ảnh: Hanoimoi.vn) |
Từ ngày 01/10/2024, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan có liên quan triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến trên ứng dụng VNeID trên phạm vi toàn quốc. Việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID đã tạo ra nhiều tiện ích, thuận lợi cho cả người dân và cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp. Theo đó, quy trình thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp hoàn toàn trên môi trường điện tử, người dân có thể đề nghị cấp Phiếu lý lịch tư pháp mọi lúc, mọi nơi thông qua các thiết bị thông minh (điện thoại di động, máy tính bảng…). Thời gian thực hiện thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp chỉ trong vòng khoảng 5 phút. Thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp cũng được rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 03 ngày làm việc, góp phần tiết kiệm thời gian, nhân lực và chi phí cho xã hội.
8. Liên hợp quốc thông qua “Công ước Hà Nội” về tội phạm trên không gian mạng
Đại diện Phái đoàn Việt Nam phát biểu tại sự kiện thông qua “Công ước Hà Nội”, chiều 24/12/2024 (giờ New York). (Ảnh: TTXVN) |
Chiều 24/12/2024 (giờ New York), Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua bằng đồng thuận Công ước LHQ về tội phạm mạng. Văn kiện này sẽ được mở ký tại Thủ đô Hà Nội trong năm 2025 và theo đó có tên gọi là “Công ước Hà Nội”. “Công ước Hà Nội” góp phần tạo khuôn khổ pháp lý bao trùm, đáp ứng nhu cầu cấp bách về hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy pháp quyền trong không gian mạng. Đây sẽ là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai lễ ký một Công ước đặc biệt quan trọng của LHQ, đánh dấu một mốc mới trong công tác hội nhập pháp lý quốc tế nói riêng và đối ngoại đa phương của Việt Nam nói chung.
9. Tổ chức thành công Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật năm 2024”
Toàn cảnh Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật năm 2024”. (Ảnh: quochoi.vn) |
Với tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp; nhằm đổi mới hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, Bộ Tư pháp đã chủ động tham mưu, đề xuất Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương tổ chức Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật năm 2024” với chủ đề “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”. Diễn đàn được tổ chức vào ngày 09/10/2024 với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương. Tại Diễn đàn, Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã lắng nghe các ý kiến phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia nhằm nắm bắt, nhận diện những vướng mắc pháp lý, khó khăn, cản trở từ quá trình tổ chức thực hiện; đồng thời giải đáp, trả lời và đề xuất các giải pháp tháo gỡ, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
10. Lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai hoạt động “giám sát lại”
Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: quochoi.vn) |
Trong khuôn khổ Phiên họp thứ 36 (tháng 8/2024), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023.
Nhấn mạnh đây lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai hoạt động “giám sát lại”. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định hoạt động thể hiện trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giám sát đến cùng việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua đó, đánh giá một cách toàn diện, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, từ đó có giải pháp để tháo gỡ kịp thời, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát. Đồng thời, giám sát lại thể hiện sự đồng hành của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ trong việc thực hiện, triển khai các yêu cầu đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra trong các nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Theo https://baophapluat.vn/10-su-kien-phap-luat-nam-2024-post536407.html