Cảng Quy Nhơn: Lãi ròng bán niên tăng 47%, ầm ĩ vụ kiện tranh chấp hợp đồng

Theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ mới công bố, 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng hàng hoá thông qua cảng Quy Nhơn đạt hơn 6 triệu tấn, tăng 46,3% so với cùng kỳ. Trong đó hàng container tăng 24,6% so với cùng kỳ, đạt trên 96.000 teus.

Sản lượng tăng kéo doanh thu thuần 6 tháng của QNP tăng vọt lên mức 607,2 tỷ đồng, tăng 46% so với nửa đầu năm 2023. Lãi gộp đạt 145 tỷ đồng, tăng 55 tỷ đồng so với cùng kỳ. Chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng tăng mạnh tuy nhiên QNP vẫn lãi ròng 75,5 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ 2023.

Năm 2024, QNP đạt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 1.247 tỷ đồng, tăng 28% so với thực hiện năm 2023, lợi nhuận trước thuế đi lùi giảm 20%, còn 115 tỷ đồng. Với kết quả này, QNP đã đạt hơn 83% kế hoạch lợi nhuận năm 2024.

Dữ liệu về doanh thu, lợi nhuận của Cảng Quy Nhơn thời gian qua
Doanh thu, lợi nhuận của Cảng Quy Nhơn thời gian qua, nguồn: Dữ liệu kinhtechungkhoan.vn

Dù doanh thu và lợi nhuận mang về kết quả khả quan, gánh nợ của Cảng Quy Nhơn cũng đang phình to. Sau 6 tháng đầu năm 2024, nợ phải trả của QNP tăng thêm 127 tỷ đồng, từ 437 tỷ đồng lên 534 tỷ đồng, tương đương tăng 29%. Trong đó, nợ vay tài chính dài hạn (240 tỷ đồng) và trả người bán ngắn hạn (169 tỷ đồng) chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nợ.

Tại 30/6/2024, tổng tài sản của Cảng Quy Nhơn ở mức 1.392 tỷ đồng, tăng gần 10% so với đầu năm, do tài sản ngắn hạn tăng mạnh. Tiền và tương đương tiền là 173,8 tỷ đồng, giảm 27%; trong khi đó đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 123%, từ mức 138,5 tỷ đồng lên 309 tỷ đồng.

Các khoản phải thu ngắn hạn của QNP cũng sắp chạm mức 230 tỷ đồng, tăng gần 42% chỉ sau 6 tháng. Trong đó khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng chiếm 212 tỷ đồng, cho thấy doanh nghiệp này đang bị khách hàng chiếm dụng vốn khá nhiều.

QNP ‘lắc đầu’ với yêu cầu cung cấp hồ sơ của Tòa án

Cảng Quy Nhơn đang vướng vào vụ án khá ồn ào và dai dẳng với Công ty TNHH Vận tải biển Cửu Long. Vụ án đã qua 2 cấp tòa, và mới đây Viện kiểm sát nhân tối cao đã kháng nghị Giám đốc thẩm theo hướng hủy 2 bản án, giao hồ sơ về TAND tỉnh Bình Định giải quyết lại.

Trước đó, ngày 16/12/2022, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng ban hành Bản án phúc thẩm 31/2022/KDTM-PT, trong đó tuyên Cảng Quy Nhơn trả cho Công ty TNHH Vận tải biển Cửu Long hơn 53,48 tỷ đồng. Bản án cũng tuyên Công ty Cảng Quy Nhơn phải tiếp tục thực hiện hợp đồng kinh tế số 274/CUULONG/2016/01.02 (ngày 12/10/2016) về thuê tàu lai với Công ty Cửu Long.

Ngày 21/4/2023, QNP đã nộp hơn 53,48 tỷ đồng. Ngày 28/4 và 4/5/2023, Cục Thi hành án dân sự Bình Định đã chi trả số tiền này cho Công ty Cửu Long.

Ngày 14/6/2023, Viện KSND Tối cao có Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm 02/QĐKNGĐT-VKS-KDTM đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử Giám đốc thẩm theo hướng hủy 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm và giao hồ sơ về TAND tỉnh Bình Định giải quyết lại; Tạm đình chỉ thi hành án.

Tháng 1/2024, TAND tỉnh Bình Định đã thụ lý vụ án này.

Liên quan vụ án mà Cảng Quy Nhơn là bị đơn, VKSND Tối cao có quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm theo hướng hủy các bản ản sơ thẩm và phúc thẩm, tạm đình chỉ thi hành án, giao hồ sơ về TAND Bình Định giải quyết lại
Liên quan vụ án mà Cảng Quy Nhơn là bị đơn, VKSND Tối cao có quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm theo hướng hủy các bản ản sơ thẩm và phúc thẩm, tạm đình chỉ thi hành án, giao hồ sơ về TAND Bình Định giải quyết lại

Trong quá trình giải quyết vụ án Công ty Cảng Quy Nhơn đã viện dẫn Tờ trình ngày 24/7/2017 (bút lục số 849) để lập luận cho rằng hai bên đã thống nhất, đối chiếu, thanh toán xong cước phí lai dắt từ ngày 1/7/2017 đến 5/12/2018, với số tiền hơn 24,43 tỷ đồng. Đây được coi là chứng cứ quan trọng, xuyên suốt quá trình giải quyết vụ án nhưng phía Cảng Quy Nhơn chỉ cung cấp được photocopy tự sao mà không có bản gốc.

Sau khi thụ lý lại vụ án, mới đây TAND tỉnh Bình Định có Quyết định số 1047/2024/QĐ-CCTLCC yêu cầu Cảng Quy Nhơn cung cấp cho Tòa án bản gốc tờ trình ngày 24/7/2017 về việc đề xuất đơn giá thanh toán tàu lai thuê ngoài từ ngày 1/7/2017 của Cảng Quy Nhơn.

Ngày 9/4/2024 đại diện ủy quyền của Cảng Quy Nhơn có văn bản trả lời TAND tỉnh Bình Định là sẽ không cung cấp bản gốc của Tờ trình ngày 24/7/2017.

Đại diện Cảng Quy Nhơn từ chối cung cấp tài liệu, đề nghị TAND Bình Định xem xét kỹ vấn đề để đưa ra yêu cầu phù hợp
Đại diện Cảng Quy Nhơn từ chối cung cấp tài liệu, đề nghị TAND Bình Định xem xét kỹ vấn đề để đưa ra yêu cầu phù hợp

Phía Cảng Quy Nhơn cho rằng, tờ trình đó “là tài liệu nội bộ, phục vụ công tác quản trị nội bộ của Cảng Quy Nhơn, không có giá trị bên ngoài Cảng Quy Nhơn. Do đó, Cảng Quy Nhơn nhận thấy không liên quan đến tranh chấp giữa hai bên, không cần thiết phải cung cấp”.

Điều đáng chú ý, tại Tờ trình ngày 24/7/2017 mà Cảng Quy Nhơn cung cấp lại thể hiện chữ ký photocopy của bà Nguyễn Thị Nghiệp – Giám đốc Công ty Cửu Long tại mục Ủy viên thường trực HĐQT Công ty Cảng Quy Nhơn.

Cảng Quy Nhơn là đơn vị thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP, với 75% cổ phần thuộc sử hữu Nhà nước. Để phục vụ công tác đầu tư, sản xuất kinh doanh, QNP thường xuyên tổ chức đấu thầu nhiều dự án, gói thầu.

Mới đây, Cảng Quy Nhơn đã có quyết định công bố Công ty TNHH Xây dựng thương mại An Doanh Phát trúng thầu gói thầu số 2: Thi công xây dựng, lắp đặt hệ thống chiếu sáng cầu tàu 2,3 và 4 - Cảng Quy Nhơn.

Dữ liệu cho thấy, Công ty An Doanh Phát thành lập 2011 nhưng có 'thành tích' đấu thầu khá khiêm tốn. Doanh nghiệp này mới chỉ trúng thầu 4 gói, tất cả đều tại Cảng Quy Nhơn.

Kinh tế Chứng khoán Việt Nam sẽ trở lại với hoạt động đấu thầu tại Cảng Quy Nhơn trong bài viết sau.

Nguồn: Kinh tế chứng khoán