Cổ phiếu dầu khí giao dịch tích cực khi thông tin về gói thầu Dự án Khí lô B được tiết lộ

Theo các chuyên gia trong ngành, Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc – PQPOC (công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - nhà điều hành phân khúc thượng nguồn của dự án Lô B) đã tổ chức lễ cắt thép cho phần thượng tầng của giàn HUB/giàn đầu giếng (WHP) và phần chân đế của giàn HUB/WHP vào ngày 18 và 19/9 để đánh dấu các cột mốc quan trọng trong dự án EPCI#2.

Diễn biến này tương ứng việc PQPOC đã trao toàn diện hợp đồng EPCI#2 cho Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC - PTSC M&C (công ty con do PVS sở hữu 100%). Điều này tiếp nối Trao thầu hạn chế (LLOA) đã ký vào tháng 11/2023.

Cổ phiếu dầu khí giao dịch tích cực khi thông tin về gói thầu Dự án Khí lô B được tiết lộ
PQPOC đã tổ chức lễ cắt thép cho phần thượng tầng của giàn HUB/giàn đầu giếng (WHP) và phần chân đế của giàn HUB/WHP vào ngày 18 và 19/9 để đánh dấu các cột mốc quan trọng trong dự án EPCI#2.

Như vậy, Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, HNX: PVS) là đơn vị trúng gói thầu từ Dự án khí Lô B, với đơn vị vận hành PTSC M&C

Theo PVS, giá trị hợp đồng của công ty trong EPCI #2 là 400 triệu USD. EPCI#2 là gói thầu quan trọng trong phần thượng nguồn, có vai trò định hình các mốc quan trọng của Dự án khí Lô B, trong đó có mốc đón dòng khí đầu tiên (First Gas). Gói thầu bao gồm các cấu kiện chính: 04 giàn thu gom/ giàn đầu giếng (Hub platforms/ Wellhead Platforms) có tổng khối lượng gần 15,000 tấn; 3 đường ống nội mỏ 20 inch, 1 đường ống 8 inch với tổng chiều dài gần 50 km.

Trước đó, liên danh McDermott và PVS đã trúng gói thầu EPCI#1 về thiết kế, xây dựng, lắp đặt cụm giàn công nghệ trung tâm và giàn nhà ở cho Dự án phát triển mỏ Lô B, với trị giá xấp xỉ 1.1 tỷ USD. Gói thầu EPCI#1 bao gồm 1 giàn CPP, giàn nhà ở và tháp đuốc, cũng do PTSC M&C làm nhà thầu thi công chính.

Theo chứng khoán Vietcap, tiến độ này diễn ra sau khi hợp đồng EPCI#1 (trị giá 1,1 tỷ USD) được trao cho các nhà thầu PVS và McDermott có trụ sở tại Mỹ vào ngày 3/9. Việc trao toàn diện hợp đồng EPCI#1 và EPCI#2 đồng nghĩa với việc dự án Lô B - Ô Môn chính thức khởi động vào tháng 9/2024 và ngụ ý một Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) toàn diện, sớm hơn hơn một chút so với dự kiến của nhóm chuyên gia vào cuối năm 2024

Diễn biến này sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực cho PVS, PVD và GAS. Các doanh nghiệp khác có thể được hưởng lợi từ sự phục hồi của ngành thăm dò và khai thác dầu khí Việt Nam là PVB và PVC.

Cụ thể, đối với mã cổ phiếu PVS, VCI Research nhận định các hợp đồng trung nguồn của Lô B sẽ bắt đầu được triển khai trong quý 3/2024 sau khi được Công ty Điều hành đường ống Tây Nam (SWPOC) phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Các gói thầu sẽ được thực hiện bao gồm: (1) hợp đồng đường ống dẫn khí trên bờ mà liên danh PVS-Lilama 18 đã bắt đầu thực hiện sau khi nhận được Thư thỏa thuận giới hạn (LLOA) vào cuối năm 2023; và (2) đường ống dẫn khí ngoài khơi hiện đang trong quá trình tập trung lựa chọn nhà thầu.

Theo PVS, hợp đồng đường ống dẫn khí trên bờ có giá trị hợp đồng đạt 257 triệu USD đối với công ty. Đối với đường ống dẫn khí ngoài khơi, nhóm phân tích dự báo giá trị hợp đồng xuống còn 310 triệu USD cho PVS (trước đây là 400 triệu USD), theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu của SWPOC.

Ngoài ra, PVS cũng sẽ được hưởng lợi từ việc cho các dự án Lạc Đà Vàng và Lô B thuê FSO. PVS đã đặt kế hoạch đầu tư trị giá 400 triệu USD cho các dự án này, thể hiện niềm tin vào khả năng thắng thầu, kỳ vọng các FSO này sẽ đóng góp từ năm 2027 trở đi, ở mức khoảng 8% vào LNST hàng năm của PVS.

Về triển vọng của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD), VCI Research cho biết giá thuê ngày giàn JU tại thị trường Đông Nam Á tiếp tục tăng, khi thị trường vẫn thắt chặt trong giai đoạn 2024-2026. Trong nửa đầu năm 2024, giá thuê ngày giàn JU của PVD tăng 30% svck lên 93.925 USD, sau khi giá thuê ngày giàn JU tại Đông Nam Á tăng 21% svck lên 141.800 USD. Hiệu suất hoạt động trung bình của giàn khoan tại Đông Nam Á cũng tăng lên 95,9%, phản ánh nhu cầu trên thị trường là khá lớn trong bối cảnh nguồn cung hạn chế.

Theo báo cáo vào tháng 6/2024 của S&P Global, dự kiến tình trạng thiếu giàn khoan tại Đông Nam Á sẽ diễn ra cho đến ít nhất là năm 2026 (mặc dù Saudi Aramco đã tạm dừng cho thuê giàn khoan), với khả năng thiếu hụt 1 giàn khoan vào giữa năm 2025, đẩy hiệu suất hoạt động lên khoảng 100%. Trong nửa đầu năm 2024, vốn XDCB của Aramco đạt 23 tỷ USD, với chi tiêu thượng nguồn là 19 tỷ USD ( tăng 24% svck), phản ánh tác động tiêu cực đáng kể đến triển vọng E&P toàn cầu và thị trường giàn JU tại Đông Nam Á với các gói thầu trị giá 10 tỷ USD của Saudi Aramco bị hủy bỏ vào đầu năm 2024.

Hiện, PVD đang chuẩn bị đấu thầu hợp đồng dịch vụ khoan cho dự án Lô B và có kế hoạch mua một giàn JU đã qua sử dụng với giá 90 triệu USD. Mặc dù có chậm trễ nhẹ so với kỳ vọng ban đầu, PVD vẫn đặt mục tiêu đảm bảo sở hữu giàn khoan vào cuối năm nay.

Cổ phiếu dầu khí giao dịch tích cực khi thông tin về gói thầu Dự án Khí lô B được tiết lộ
Mã cổ phiếu PVS đang có phiên phản ứng tích cực với thông tin trên

Phản ứng với thông tin tích cực, các cổ phiếu thuộc nhóm dầu khí nói chung tiêu biểu là PVS, PVD, PVB,… đang cho thấy nhịp bật khá tốt ngay từ phiên sáng ngày 20/9/2024.

Đóng cửa phiên sáng, PVD khớp lệnh hơn 4,1 triệu CP với giá 26.500 đồng tăng 750 đồng tương ứng gần 3%. Trong khi đó DN đầu ngành là PVS tăng 1.100 đồng lên mức 41.500 đồng/CP, tăng 2,7% với hơn 3,7 triệu CP được trao tay.

Nguồn: Kinh tế chứng khoán