Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh tháp tùng Thủ tướng Chính phủ làm việc tại Thanh Hóa

Sáng 11/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác của Trung ương đã dâng hương, dâng hoa tại Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thành phố Thanh Hóa.

Sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Nghi Sơn, trong đó có Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Khu kinh tế Nghi Sơn có tổng diện tích 106.000 ha, nằm ở phía Nam tỉnh Thanh Hóa. Khu kinh tế Nghi Sơn được chia thành 55 phân khu, trong đó, có 25 phân khu công nghiệp, diện tích khoảng 9.057,9 ha. Tại Khu kinh tế Nghi Sơn có nhiều dự án đã đi vào hoạt động như: Nhà máy xi măng, nhiệt điện, gang thép, lọc hóa dầu, cảng biển quốc tế…

Năm 2023, Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu tổng giá trị sản xuất của các doanh nghiệp đạt 265 nghìn tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 5.700 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước đạt 26 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm thêm cho khoảng 10 nghìn lao động.

Tái cấu trúc để Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn hoạt động hiệu quả hơn

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lọc hóa dầu Nghi Sơn chính thức đi vào vận hành thương mại từ ngày 14/11/2018. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là một trong bốn thành viên góp vốn vào Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lọc hóa dầu Nghi Sơn với tỷ lệ góp vốn là 25,1%. Ba thành viên góp vốn còn lại gồm Công ty Dầu khí quốc tế Cô-Oét (KPE), Công ty Idemisui Kosan Nhật Bản (IKC) và Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI).

Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác làm việc với Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn 

Với tổng mức vốn đầu tư gần 9,3 tỷ USD, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn là một trong những dự án đầu tư vốn nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam hiện nay. Hiện Nhà máy đang cung cấp cho khoảng 35% thị phần xăng dầu trong nước. Tổng thuế đã nộp ngân sách Nhà nước đến nay là 85.236 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế những năm vừa qua, nhất là năm 2023 có cải thiện nhưng chưa tạo được chuyển biến đáng kể. Đến nay lỗ lũy kế của Công ty vẫn là 4,378 tỷ USD…

Sau khi thăm Nhà máy, làm việc với lãnh đạo Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn và lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh Thanh Hóa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, do tình hình thế giới thời gian qua và thời gian tới có những diễn biến phức tạp, việc thăm, làm việc với Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn nhằm nắm tình hình, có tính toán nhằm chủ động an ninh năng lượng quốc gia; đồng thời chuẩn bị nội dung cho các cuộc gặp giữa lãnh đạo Chính phủ Việt Nam với lãnh đạo Chính phủ các nước Nhật Bản, Cô-Oét tới đây.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác thăm Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Đánh giá cao thiện chí của Chính phủ Nhật Bản và Cô-Oét trong việc ủng hộ, hợp tác xây dựng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thủ tướng Chính phủ cho rằng khi xây dựng, triển khai dự án các bên không dự báo hết những khó khăn có thể xảy ra.

Do đó, đề nghị Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn tái cấu trúc, cơ cấu, sắp xếp lại tổ chức quản trị, trong đó nâng tỷ lệ người Việt Nam trong ban lãnh đạo, điều hành Nhà máy hơn để đảm bảo quản trị, điều hành hợp lý, ổn định, tối ưu về chi phí; Công ty phải phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa trong điều hành, tổ chức sản xuất, kinh doanh; xây dựng quy định, quy trình khoa học, cụ thể; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các khó khăn, hạn chế nảy sinh; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ để người Việt Nam dần làm chủ công nghệ, vận hành nhà máy an toàn, hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ tặng quà cho người lao động tại Khu kinh tế Nghi Sơn và Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tái cấu trúc về sản xuất, trong đó thay đổi việc sử dụng điện chạy dầu vận hành nhà máy như hiện nay bằng sử dụng điện lưới quốc gia nhằm đảm bảo sự ổn định, giảm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, xem xét, đàm phán lại về giá và thỏa thuận chỉ nhập dầu thô của Cô-Oét phục vụ Nhà máy; tổ chức quản lý các chi phí đầu vào khác, tránh tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình triển khai dự án.

Thủ tướng cũng chỉ ra một số điểm cần lưu ý liên quan tới dự án. Trong đó, tổng số vốn giải ngân cho dự án là 8,78 tỷ USD, trong đó vốn góp của các nhà đầu tư là 4,237 tỷ USD; còn vốn vay giải ngân từ ngân hàng là 4,543 tỷ USD, tức là chiếm tỉ lệ lớn với lãi suất cao.

Tính đến hết tháng 9/2023, Công ty đã chế biến khoảng 45,3 triệu tấn dầu thô, sản xuất khoảng 36,82 triệu tấn sản phẩm các loại, trong đó 10 tháng đầu năm 2023, sản xuất được 5,9 triệu tấn sản phẩm các loại (đạt 83% kế hoạch năm). Tổng sản lượng sản phẩm xăng dầu PVN đã bao tiêu khoảng 27,74 triệu tấn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với cán bộ, công nhân Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Theo báo cáo về tình hình tài chính (đã kiểm toán), lợi nhuận trước thuế của những năm vừa qua có cải thiện nhưng chưa tạo được chuyển biến đáng kể.

Thủ tướng cảm ơn, đánh giá cao Chính phủ, nhân dân các nước Nhật Bản và Kuwait trong thiện chí thành lập liên doanh, vận hành nhà máy. Tuy nhiên, khi lập, triển khai và vận hành dự án, các bên đã không dự báo được hết những khó khăn có thể xảy ra, đặc biệt là những biến động gần đây của tình hình thế giới.

Để dự án này hoạt động hiệu quả hơn, Thủ tướng yêu cầu Công ty và các bên góp vốn phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khẩn trương thực hiện công tác tái cấu trúc công tác quản trị, nhân sự (có thêm người Việt Nam tham gia ban lãnh đạo Công ty, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong hoạt động để giải quyết kịp thời các vấn đề đặt ra, xây dựng quy trình vận hành hiệu quả và tăng cường kiểm tra, giám sát). Cùng với đó, các bên liên quan tiến hành tái cấu trúc về tài chính (như giảm lãi suất vốn vay, xóa lãi và sử dụng nguồn vốn hiệu quả).

Thủ tướng Phạm Minh Chính và  đoàn công tác thăm, kiểm tra quy hoạch, tình hình đầu tư các dự án thuộc Cảng biển Nghi Sơn

Đồng thời, tái cấu trúc về sản xuất, kinh doanh, sử dụng điện lưới quốc gia với chi phí thấp hơn thay vì phát điện chạy dầu với chi phí cao (theo tính toán sẽ tiết kiệm được khoảng 70 triệu USD); giảm giá nguyên liệu dầu thô và đa dạng hóa các nguồn dầu thô; vận hành tiết kiệm, hiệu quả và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Thăm nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn. Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần gang thép DST Nghi Sơn. Dự án được chia làm 2 giai đoạn; giai đoạn 1 sẽ đầu tư nhà máy luyện cán thép cuộn cán nóng từ nguyên liệu là thép phế liệu sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu công suất 980.000 tấn/năm.

Giai đoạn 2 của dự án sẽ đầu tư nhà máy kết cấu thép, sản xuất các sản phẩm kết cấu thép dùng trong xây dựng và sản xuất công nghiệp, công suất dự kiến 30.000 tấn sản phẩm/năm, nhà máy cán nguội và sản xuất ống thép định hình dùng trong xây dựng, công suất 300.000 tấn sản phẩm thép ống, hộp, tôn mạ/năm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác thăm Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn

Diện tích đất dự kiến sử dụng cho dự án trên khoảng 51 ha, với vốn đầu tư của dự án là 5.500 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất.

Nêu cao sứ mệnh chăm sóc sức khỏe toàn diện, chất lượng cao cho người dân

Dự án Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực được Tổng công ty cổ phần Hợp Lực quyết định đầu tư năm 2017, tại xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.

Bệnh viện có tổng mức đầu tư xây dựng gần 600 tỷ đồng, quy mô 500 giường bệnh, trong đó giai đoạn 1 hơn 300 tỷ đồng với quy mô 250 giường bệnh đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bệnh viện hiện có 330 cán bộ nhân viên, trong đó có 66 bác sĩ, 128 điều dưỡng, 26 kỹ thuật viên, 16 dược sĩ được đào tạo chuyên sâu.

Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn công tác thăm, tặng quà, động viên các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Hợp Lực

Tới từng phòng bệnh thăm động viên các bệnh nhân, phát biểu với lãnh đạo, y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Đảng, Nhà nước ta lấy con người là trung thâm, chủ thể, nguồn lực, động lực của sự phát triển; không hy sinh công bằng xã hội, môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; đặt sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết, “mỗi người dân khỏe thì cả dân tộc khỏe”.

Theo Thủ tướng, trong những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân được Đảng, Nhà nước chú trọng, đầu tư và đạt nhiều tiến bộ rõ rệt. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa y tế cũng được đẩy mạnh, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó có mô hình bệnh viện tư nhân như Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực.

Thủ tướng yêu cầu các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực, nêu cao sứ mệnh chăm sóc sức khỏe toàn diện, chất lượng cao cho người dân, với tấm lòng nhân ái, tận tình vì người bệnh “thầy thuốc như mẹ hiền”; đáp ứng đúng theo chủ trương xã hội hóa y tế của Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, bệnh viện phải quan tâm xây dựng môi trường trong sạch, ứng xử văn hóa trong bệnh viện.

Thủ tướng mong muốn mô hình Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực được nhân rộng để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của nhân dân về các dịch vụ y tế.

Tập trung nguồn lực cho các dự án trọng điểm, tạo ra không gian phát triển mới

Chiều 11/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đến nay và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu như Bác Hồ hằng mong muốn. Ảnh: Nhật Bắc

Các đại biểu dành nhiều thời gian phân tích về những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đã thông tin về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư và đóng góp cho địa phương của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu. Theo đó, hiện đang có 18 doanh nghiệp cấp 2 đang hoạt động tại Thanh Hóa, sử dụng hơn 4.100 lao động địa phương với mức đóng góp cho ngân sách tỉnh Thanh Hóa khoảng 1.800 tỷ đồng và hàng chục tỷ đồng kinh phí hỗ trợ các hoạt động an sinh xã hội và thiện nguyện mỗi năm.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Nhật Bắc

Hiện các doanh nghiệp cũng đang triển khai một số dự án lớn trên địa bàn Thanh Hóa như: Dự án Mở rộng sân đỗ tàu bay và Dự án Xây dựng nhà ga hàng hóa, kho hàng hóa công suất 20 nghìn tấn hàng hóa/năm tại Cảng hàng không Thọ Xuân, Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất phân lân nung chảy và phân bón NPK Văn Điển tại Bỉm Sơn và đặc biệt là một số dự án, công trình trọng điểm, dự án nhóm B trở lên gồm, Dự án Đường dây 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hoá, Trạm biến áp 500kV Thanh Hoá, Trạm biến áp 220kV Sầm Sơn và đường dây đấu nối 220kV Thanh Hoá – Sầm Sơn, ĐZ 220kV Nhiệt điện Nghi Sơn – rẽ Nông Cống – Quỳnh Lưu (ĐZ 220kV Nghi Sơn - rẽ Nghi Sơn - Vinh), Đường dây 500kV Thanh Hóa - rẽ Nho Quan - Hà Tĩnh, TBA 220kV Khu kinh tế Nghi Sơn và đường dây đấu nối với tổng quy mô đầu tư của các dự án trên là hơn 7.600 tỷ đồng…

Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh đề nghị tỉnh Thanh Hóa tích cực ủng hộ, hỗ trợ các dự án do các doanh nghiệp thuộc Ủy ban triển khai, nhất là với các dự án đường dây truyền tải điện đang rất cần được chính quyền địa phương bàn giao mặt bằng sớm để Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện. Bên cạnh đó, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cũng khẳng định, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ luôn đồng hành, ủng hộ Thanh Hóa phát huy lợi thế và thúc đẩy thu hút đầu tư.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại cuộc làm việc; ghi nhận, biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thanh Hóa, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước. Sau Đại hội XIII của Đảng, tỉnh đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, đáng mừng trên tất cả các lĩnh vực.Định hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ một số quan điểm, định hướng lớn. Theo đó, phải giữ vững, củng cố và phát huy đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng; quán triệt và thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chủ trương của Đảng, Quốc hội; phát huy tối đa những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh; xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ; huy động sức mạnh toàn dân; giữ vững quốc phòng, an ninh không để đột xuất, bất ngờ; đạt mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng lưu ý tỉnh cần tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua tiếp cận đất đai, vốn, giải quyết thủ tục hành chính và tiếp cận thị trường.

Thủ tướng đã cho ý kiến về từng đề xuất, kiến nghị của Thanh Hóa liên quan tới các quy định hiện hành về chuyển mục đích sử dụng rừng, sử dụng đất; hướng dẫn trình tự, thủ tục giao mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho nhà thầu thi công dự án hạ tầng giao thông quan trọng; điều kiện về tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp khi quyết định chủ trương đầu tư dự án hạ tầng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thủ tướng cũng cho ý kiến với một số vấn đề cụ thể, như chính sách tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn theo Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội; giải quyết vướng mắc đối với dự án thủy điện Hồi Xuân, dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí cao cấp Xuân Lai, huyện Như Thanh…

Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý đầu tư dự án nạo vét luồng tàu vào cảng Nghi Sơn, Khu Kinh tế Nghi Sơn.

Nguồn: Cổng thông tin Chính phủ