Hành trình góp phần hoàn thiện trái tim của “chính phủ số”

hanh-trinh-gop-phan-hoan-thien-trai-tim-cua-chinh-phu-so-1-1726817774.jpg
hanh-trinh-gop-phan-hoan-thien-trai-tim-cua-chinh-phu-so-2-1726817773.jpg
hanh-trinh-gop-phan-hoan-thien-trai-tim-cua-chinh-phu-so-3-1726817773.jpg
hanh-trinh-gop-phan-hoan-thien-trai-tim-cua-chinh-phu-so-4-1726817774.jpg
Các cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố Kon Tum thực hiện công tác vận động, tuyên truyền và cấp thẻ căn cước công dân cho người dân. (Ảnh: Công an thành phố Kon Tum)

Ngày 06/01/2022 là một cột mốc lịch sử của đất nước khi Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06). Đây là Đề án quan trọng đóng vai trò cơ sở để chuyển đổi số trong cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Việc khai thác, ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia, mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2022 - 2030.

Mục tiêu tổng quát của Đề án 06/CP là để phục vụ 5 nhóm tiện ích như sau: (1) Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; (2) Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; (3) Phục vụ công dân số; (4) Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; (5) Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. 

hanh-trinh-gop-phan-hoan-thien-trai-tim-cua-chinh-phu-so-5-1726817773.jpg
5 nhóm tiện ích của Đề án 06. (Ảnh: Công an thành phố)

Đây là đề án tầm cỡ quốc gia, chưa từng có tiền lệ với nhiều hạng mục công việc lớn, đòi hỏi đầu tư nhiều công sức, trí tuệ, nguồn lực của các đơn vị, địa phương. Dự án được thực hiện trên phạm vi rộng từ các cơ quan trung ương đến 63 tỉnh, thành phố; hơn 700 quận, huyện, thị xã, thành phố và gần 11.000 xã, phường, thị trấn trong toàn quốc. Cùng với cả nước, tỉnh Kon Tum nói chung và thành phố Kon Tum nói riêng đã và đang nỗ lực với tinh thần quyết tâm cao nhất để thực hiện Đề án 06 của Chính phủ với tinh thần quyết tâm chính trị cao nhất. 

Ngay sau khi Đề án 06/CP được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngày 18-02-2022, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Kon Tum đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, để tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số và việc thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các huyện ủy, thành ủy, Ban Thường vụ Tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quán triệt các chỉ đạo của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tăng cường triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng, dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân bằng hình thức phù hợp, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với đời sống và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và Đảng ủy Công an tỉnh, công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết số số 09-NQ/TU, được Đảng ủy Công an thành phố Kon Tum tiến hành thường xuyên, nghiêm túc. Đảng uỷ Công an thành phố cũng nhấn mạnh: lực lượng Công an là lực lượng tiên phong gương mẫu đi đầu, dẫn dắt trong triển khai Đề án 06, chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn. Trên cơ sở mục tiêu, yêu cầu của Đề án 06 cũng như những nhiệm vụ do Bộ Công an giao phó, Công an thành phố Kon Tum xác định những nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện như: tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu dân cư và duy trì bổ sung, cập nhật dữ liệu; thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước công dân gắn chip (nay là thẻ căn cước), thông báo mã định danh cá nhân, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân. Đồng thời Đảng uỷ chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, gắn trách nhiệm của các cấp Công an và triển khai các giải pháp bảo đảm dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” bền vững, lâu dài; gắn với nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú, quản lý địa bàn, quản lý đối tượng phục vụ phòng, chống tội phạm; kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác và phục vụ đắc lực cho công tác cải cách thủ tục hành chính.

Đồng chí Lê Phước Hoà – Trưởng Công an thành phố, Bí thư Đảng uỷ Công an thành phố Kon Tum nhấn mạnh: “Việc thực hiện hiệu quả đề án 06 là trách nhiệm chính trị, là vinh dự thể hiện sự cống hiến của lực lượng CAND đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Do đó, cần tập trung sức mạnh tổng hợp của Đảng bộ Công an thành phố để thực hiện. Các cán bộ chiến sỹ phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa, xứng đáng là “thanh bảo kiếm” sắc bén, “lá chắn thép” vững chắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân - nhiệm vụ nào cũng hoàn thành khó khăn nào cũng vượt qua”.

hanh-trinh-gop-phan-hoan-thien-trai-tim-cua-chinh-phu-so-6-1726817774.jpg
Đồng chí Thượng tá Lê Phước Hòa – Bí thư Đảng ủy, Trưởng Công an thành phố Kon Tum chỉ đạo việc thực hiện Đề án 06. (Ảnh: Công an thành phố Kon Tum)

Trên cơ sở những chỉ đạo của Đảng uỷ cũng như các cấp lãnh đạo, Các cán bộ chiến sĩ đã lên kế hoạch, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 với tinh thần hăng say, quyết tâm cao nhất để hoàn thành mục tiêu lớn lao của đất nước trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, hành trình đó gặp không ít những khó khăn, thách thức và điểm nghẽn cần phải vượt qua.

“Điểm nghẽn”

Vị trí địa lý

Kon Tum là một tỉnh miền núi, biên giới, ở phía Bắc Tây Nguyên với Thành phố Kon Tum là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội và khoa học kỹ thuật. Đây còn là vùng đất có lịch sử lâu đời với truyền thống cách mạng hào hùng, ghi dấu ấn thành những di tích lịch sử được xếp hạng cấp Quốc gia. Thành phố Kon Tum còn lưu giữ, bảo tồn nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên, tạo nên bức tranh sinh hoạt cộng đồng đa dạng, phong phú với nhiều phong tục, tập quán, tín ngưỡng đặc sắc… 

hanh-trinh-gop-phan-hoan-thien-trai-tim-cua-chinh-phu-so-7-1726817774.jpg
Thành phố Kon Tum nhìn từ trên cao. (Ảnh: Báo Kon Tum)

Thành phố Kon Tum có địa bàn rộng (diện tích tự nhiên là 43.601ha) với dân số trên 200.000 người. Tuy nhiên, dân cư phân bố không đồng đều, trình độ dân trí tại một số thôn, làng còn hạn chế, tỷ lệ công dân làm ăn xa, vắng mặt tại địa phương khá cao; một số dữ liệu thông tin về công dân vẫn còn sai sót, còn những “vùng trắng” dữ liệu công dân… Những vấn đề đó đặt ra nhiều thách thức cho lực lượng chức năng trong việc thu nhận hồ sơ, cấp căn cước công dân cho công dân gắn chip, nhất là phải làm sạch dữ liệu, bổ sung vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm dữ liệu gốc và làm cơ sở để cấp căn cước công dân.

Đặc thù miền núi ngoài những khó khăn trong công tác tuyên truyền vì một bộ phận không nhỏ người dân còn chưa thạo tiếng phổ thông. Bên cạnh đó việc tiếp nhận công nghệ thông tin của người dân còn rất nhiều hạn chế. Lực lượng Công an thành phố Kon Tum cũng đang gặp phải những khó khăn khác trong công tác thực hiện đề án 06 do nhiều vấn đề lịch sử để lại.

Nhân lực

Một vấn đề hóc búa khác là việc sắp xếp, giải quyết khối lượng công việc khổng lồ của đề án với thời gian ngắn trong khi số lượng cán bộ, chiến sĩ còn hạn chế, các đơn vị trực tiếp thực hiện cũng không thể kịp thời bổ sung quân số để thực hiện đề án. Đặc biệt là tại Công an các xã, phường, cán bộ, chiến sỹ tại cơ sở phải căng mình thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa đảm bảo an ninh, trật tự, vừa tham gia chiến dịch với cường độ cao nhất để đảm bảo tiến độ.

Cơ sở hạ tầng

Đề án được thực hiện trong bối cảnh dữ liệu chuyên ngành của các sở, ban, ngành và địa phương chưa đảm bảo “đúng, đủ, sạch” theo quy định, khó khăn cho việc triển khai kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phải mất nhiều thời gian rà soát, làm sạch. Dữ liệu hội, đoàn chưa được số hóa kịp thời để quản lý; dữ liệu bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội chưa đảm bảo chính xác… 

Công an thành phố đề nghị các sở, ngành và địa phương rà soát, chuẩn hóa, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”; phối hợp với Sở thông tin và truyền thông khắc phục sơ hở thiếu sót đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật thông tin kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm giàu dữ liệu, phục vụ khai thác, sử dụng và hoạch định chính sách để phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Những điểm nghẽn trên tưởng chừng không thể vượt qua nhưng với sự vào cuộc, chung tay của cả hệ thống chính trị, nhân dân và sự chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Đảng ủy Công an tỉnh và Đảng uỷ Công an thành phố. Các cán bộ chiến sỹ mang trong mình khát khao, hoài bão để vượt khó khăn, thách thức bước vào “chiến dịch lịch sử”: Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Nguồn:Nguonluc.com.vn