Công ty Sông Hồng làm ăn ra sao dưới thời Chủ tịch Trần Huyền Linh?

Tổng Công ty CP Sông Hồng (Songhong Corp, UPCoM: SHG) vừa thông báo về việc Chủ tịch HĐQT Trần Huyền Linh (nhiệm kỳ 2020 – 2025) đã nộp đơn từ nhiệm từ ngày 28/6. Nguyên nhân từ nhiệm được ông đưa ra là vì lý do cá nhân. Việc từ nhiệm sẽ có hiệu lực sau khi được ĐHĐCĐ thông qua.

Sông Hồng làm ăn ra sao dưới thời Chủ tịch Trần Huyền Linh chèo lái?
Tổng CTCP Sông Hồng (Songhong Corp, UPCoM: SHG).

Ông Trần Huyền Linh sinh năm 1976, có trình độ chuyên môn là Cử nhân Ngoại ngữ và Cử nhân Kinh tế. Ông gia nhập Công ty Sông Hồng từ năm 2016 và giữ chức Chủ tịch HĐQT từ đó đến nay. Đáng chú ý, ông Linh không sở hữu bất kỳ cổ phiếu SHG nào tại thời điểm thông báo từ nhiệm.

Gần đây, Công ty Sông Hồng đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm cả những lùm xùm và biến động trong bộ máy lãnh đạo. Đầu năm nay, Sông Hồng đã gây xôn xao dư luận khi Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố bắt tạm giam ông Lã Tuấn Hưng - Thành viên HĐQT, nguyên Tổng Giám đốc Sông Hồng, vì vi phạm quy định về đấu thầu liên quan đến Công ty AIC và Ban Quản lý dự án Công trình xây dựng Y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh.

Ngay sau đó, Sông Hồng phát đi thông cáo khẳng định hành vi vi phạm pháp luật của ông Lã Tuấn Hưng là vi phạm cá nhân, không liên quan đến vai trò là Tổng Giám đốc Công ty. Đến tháng 2/2024, ông Phan Việt Anh được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc thay thế.

Tiếp theo, ngày 8/8, HĐQT đã quyết định chấm dứt hợp đồng và miễn nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc với ông Nguyễn Đức Toàn, người đã gia nhập ban điều hành từ năm 2011. Hiện tại, ban điều hành của Sông Hồng chỉ còn lại 5 người.

Sông Hồng làm ăn ra sao dưới thời Chủ tịch Trần Huyền Linh?

Ông Trần Huyền Linh gia nhập Công ty Sông Hồng và giữ chức Chủ tịch HĐQT từ năm 2016. Như vậy, tính đến nay, vị lãnh đạo này đã gắn bó khoảng 8 năm tại Công ty Sông Hồng. Dù vậy, trong suốt thời gian ông đương nhiệm, ngoại trừ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 chưa được công bố, còn lại trong suốt giai đoạn 2016 – 2023 doanh nghiệp này liên tục kinh doanh thua lỗ, đỉnh điểm trong năm 2018 sông Hồng lỗ tới 383 tỷ đồng.

Ước tính, trong thời gian ông Trần Huyền Linh “chèo lái” Công ty Sông Hồng, doanh nghiệp này đã lỗ lũy kế lên đến 1048 tỷ đồng.

Công ty Sông Hồng làm ăn ra sao dưới thời Chủ tịch Trần Huyền Linh?
Nguồn: Đình Tư tổng hợp.

Gần đây nhất, trong năm 2023, công ty tiếp tục ghi nhận lỗ ròng hơn 70 tỷ đồng, nâng mức lỗ lũy kế lên hơn 1.336 tỷ đồng tính đến 31/12/2023.

Trong bối cảnh khó khăn, Công ty Sông Hồng đang thực hiện kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp giai đoạn 2024-2025. Công ty dự kiến thoái vốn tại một loạt công ty thành viên, bao gồm 100.000 cổ phiếu NSH của Công ty CP Tập đoàn Nhôm Sông Hồng và 91 cổ phần ICG của Công ty CP Xây dựng Sông Hồng thông qua giao dịch khớp lệnh trên sàn.

Ngoài ra, công ty còn lên kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ 834.093 cổ phần của Công ty CP Xây dựng Dân dụng và Hạ tầng Sông Hồng, 147.232 cổ phần của Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Đô thị Sông Hồng, và 220.000 cổ phần của Công ty CP Bất động sản Hà Nội Sông Hồng. Việc thoái vốn sẽ diễn ra từ tháng 8 đến hết tháng 10/2024.

Tổng Công ty CP Sông Hồng tiền thân là Công ty Kiến trúc Việt Trì, được thành lập năm 1958 trực thuộc Bộ Xây dựng. Công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng, hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan. Đầu năm nay, Bộ Xây dựng đã hoàn tất thoái vốn khỏi Công ty Sông Hồng, cổ đông mới là Công ty CP Đầu tư Địa ốc Sông Hồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SHG đang thuộc diện hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần) do không tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2 năm tài chính gần nhất và âm vốn chủ sở hữu. Hiện tại, thị giá SHG còn chưa bằng cốc trà đá, giao dịch ở mức 2.200 đồng/cp (trong phiên sáng ngày 28/8).

Nguồn: Kinh tế chứng khoán