Gồng mình’ với khoản nợ 28.000 tỷ: Liệu HHV có thoát khỏi vòng xoáy nợ nần?

Đòn bẩy tài chính ở mức cao

Tại thời điểm 30/6/2024, HHV ghi nhận khoản nợ phải trả lên đến 28.000 tỷ đồng (chiếm 74% tổng tài sản), trong đó, nợ vay dài hạn chiếm phần lớn (25.000 tỷ đồng). Như vậy ước tính cổ đông đang gánh nợ khoảng 65.000 đồng trên mỗi cổ phiếu sở hữu.

Điểm tích cực là khoản nợ vay này đã giảm 3,2% so với thời điểm đầu năm, quy mô nợ vay tài chính Q2/2024 giảm, đạt 19.970 tỷ; tỷ lệ nợ vay/VCSH của HHV cũng giảm dần, đạt 2,01 lần. Các khoản nợ vay chủ yếu dùng để tài trợ cho dự án PPP mới tại trục cao tốc Bắc Nam. Song, dữ liệu về hàng tồn kho, khoản phải thu, hay nợ chiếm dụng tăng cho thấy HHV đang đạt hiệu suất công việc cao; cùng với dòng tiền ổn định từ trạm BOT thì áp lực tài chính hiện tại không quá áp lực.

Tuy nhiên, đòn bẩy tài chính vẫn ở mức cao trong ngành khiến cho việc mở rộng dự án đầu tư gặp khó khăn. Đơn cử, Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có tổng vốn đầu tư 12.188 tỷ đồng do Đèo Cả, Lizen (HSX: LCG), Công ty TNHH Hoà Hiệp và Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà liên danh là nhà đầu tư đang gặp phải nhiều vướng mắc và đối mặt với nguy cơ vỡ phương án tài chính.

Gồng mình’ với khoản nợ 28.000 tỷ: Liệu HHV có thoát khỏi vòng xoáy nợ nần?
HHV đang gánh khoản vay nợ khổng lồ

Theo tìm hiểu, tại Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư đã được đóng đủ, nhưng vốn vay từ Ngân hàng Vietinbank (HSX: CTG) chỉ giải ngân được 9.229 tỷ đồng trong tổng số 10.169 tỷ đồng cho tới cuối năm 2023. Vì vậy các nhà đầu tư đã đề nghị tiến hành thủ tục giải thể Công ty do mất khả năng thanh toán.

VietinBank cũng đã tạm dừng việc giải ngân vốn vay vì dự án không đáp ứng được kế hoạch tài chính ban đầu. Doanh thu từ việc thu phí dự án chỉ đạt 30 tỷ đồng mỗi tháng, tương đương khoảng 32% so với dự kiến tài chính ban đầu, dẫn đến thâm hụt dòng tiền trả nợ và không đủ để thanh toán cả gốc lẫn lãi vay ngân hàng.

Quay trở lại với các khoản nợ lớn của Đèo Cả, khoản mục phải trả người bán chiếm khoảng 4,6% cơ cấu nợ phải trả, với các khách hàng là công ty liên quan, bên thứ 3 như: Công ty CP Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, Công ty CP Lizen, Công ty TNHH Hòa Hiệp,….

HHV cũng ghi nhận một lượng backlog lớn khi nhận tiền tạm ứng lên tới 210 tỷ đồng, đến từ Ban quản lý dự án 2, thi công dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn thuộc dự án xây dựng Công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Và khoản tiền tạm ứng của Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Thành phố Đà Nẵng thi công dự án đường ven biển nối cảng Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

Chi phí phải trả ngắn hạn lên tới hơn 463 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay phải trả và trích trước chi phí trùng tu, đại tu hầm. Trong khi đó, chi phí phải trả dài hạn tương đối lớn (khoảng 5.274 tỷ đồng) với chi phí lãi vay phải trả gần 5.000 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo của doanh nghiệp, đa phần các khoản nợ vay đều đến từ khoản vay tại các ngân hàng quốc doanh như VietinBank, BIDV. Ngoài ra, Đèo Cả cũng gia tăng vay nợ tại các ngân hàng tư nhân như TP Bank, Việt Á Bank.

Được biết, Đèo Cả hiện đang có khoảng 113 tỷ đồng là tiền gửi ngắn hạn và dài hạn tại Vietinbank cũng như nắm giữ trái phiếu do nhà băng này phát hành.

Gồng mình’ với khoản nợ 28.000 tỷ: Liệu HHV có thoát khỏi vòng xoáy nợ nần?
Hơn 920 tỷ đồng vay ngắn hạn của HHV tại các ngân hàng

Về vay và nợ thuê tài chính dài hạn, HHV dư nợ vay khoảng 19.000 tỷ đồng, chủ yếu đến từ Vietinbank, hơn 18.000 tỷ đồng (khoản nợ này trên 5 năm) và các ngân hàng khác như TPB, BIDV.

HHV cho biết dư nợ vay dài hạn phần lớn là các khoản đầu tư cho 3 dự án BOT là chuỗi hầm Đèo Cả - Cù Mông - Cổ Mã - Hải Vân; Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia. Được biết, các dự án này với tỷ suất lợi nhuận các khoản đầu tư được Nhà nước đảm bảo ở mức 11-11,5%/năm. Trước khi các nhà băng quyết định cấp tín dụng đều được thẩm định về pháp lý, tính khả thi, khả năng trả nợ và hiệu quả dự án. Tài sản đảm bảo cho các khoản vay là quyền thu phí.

Gồng mình’ với khoản nợ 28.000 tỷ: Liệu HHV có thoát khỏi vòng xoáy nợ nần?
Khoản vay 18.000 tỷ đến từ CTG

Mỗi ngày chi trả 2 tỷ đồng lãi vay

Sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, chi phí lãi vay của Đèo Cả cũng luôn neo ở mức cao. 6 tháng đầu năm 2024, HHV ghi nhận chi phí lãi vay khủng hơn 403 tỷ đồng, trung bình mỗi ngày trong năm 2024, Đèo Cả phải bỏ ra tới hơn 2 tỷ đồng để trả chi phí lãi vay. Đây cũng là nguyên nhân chính bào mòn lợi nhuận của HHV.

Nợ vay của HHV chủ yếu là nợ dài hạn và các khoản vay này được dùng để đầu tư cho các dự án BOT. Và mặc dù tỷ lệ nợ vay lớn nhưng chủ yếu các khoản này đều được đầu tư vào các dự án BOT và trở thành tài sản cố định của doanh nghiệp, đây là đặc thù của các doanh nghiệp kinh doanh thu phí BOT. Bên cạnh đó nhiều dự án của HHV đã được cam kết đảm bảo tỷ suất lợi nhuận đầu ra cho nhà đầu tư các dự án BOT.

Ở chiều ngược lại, HHV đang còn một số khoản phải thu tương đối lớn. Tuy nhiên DN đã quản lý khá tốt các công nợ này khi dự phòng nợ xấu chỉ khoảng tầm 13 tỷ đồng. Cụ thể, các khoản phải thu ngắn hạn của HHV lên tới 400 tỷ đồng và chủ yếu là từ các bên liên quan như: Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, Công ty CP Xây dựng Đèo Cả, Công ty CP Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Ban Quản lý dự án 2.

Ngoài ra, HHV còn có khoản phải thu khác dài hạn liên quan đến Công ty CP Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo lên tới 473 tỷ đồng, đây là khoản phải thu tạm ứng cổ tức của công ty con Công ty CP BOT Phước Tượng - Phú Gia.

Theo kế hoạch của doanh nghiệp, một số các dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn 2024-2026 gồm: Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (tổng mức đầu tư 11.179 tỷ đồng, dự kiến khởi công quý II/2024), cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc (tổng mức đầu tư 18.120 tỷ đồng, dự án đang được thẩm định), cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (tổng mức đầu tư 8.776 tỷ đồng, dự án đang được thẩm định), cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương (tổng mức đầu tư 19.521 tỷ đồng, dự án đang được thẩm định), Vành đai 4 Bình Dương đoạn từ cầu Thủ Biên- Sông Sài Gòn giai đoạn 1 (tổng mức đầu tư 18.200 tỷ đồng, dự kiến khởi công năm 2024), cao tốc TP.HCM- Chơn Thành (tổng mức đầu tư 17.408 tỷ đồng, đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi).

Nguồn: Kinh tế chứng khoán