ĐẨY MẠNH HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ TÀI CHÍNH XANH

 

Thưa ông, ông có thể điểm lại những hoạt động hợp tác quốc tế nổi bật của ngành Chứng khoán trong năm 2021 vừa qua và định hướng cho năm 2022 sắp tới?

Năm 2021, UBCKNN đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương với các đối tác truyền thống, đặc biệt là trong khuôn khổ các chương trình/dự án hỗ trợ song phương như “Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh” hợp tác với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) hay chương trình hợp tác song phương với Cơ quan các Dịch vụ Tài chính Nhật Bản (JFSA) về đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm quản lý. Các hoạt động hợp tác song phương giữa UBCKNN với UBCK Lào (LSCO) cũng được diễn ra sôi nổi với nhiều kết quả tích cực. Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập TTCK Lào (2010 - 2020), tháng 01/2021, UBCK Lào đã trao tặng kỷ niệm chương để ghi nhận những đóng góp của UBCKNN đối với sự phát triển của TTCK Lào giai đoạn vừa qua. Không chỉ tăng cường thắt chặt quan hệ với các đối tác truyền thống, UBCKNN còn mở rộng các quan hệ đối tác mới như ký Biên bản ghi nhớ với Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Quốc gia Ucraina.

Cuối năm 2021, dự án VIE032 “Nâng cao năng lực trong lĩnh vực tài chính” do Chính phủ Luxembourg tài trợ đã được hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra. Dự án này đã góp phần tích cực trong việc hỗ trợ UBCKNN củng cố và xây dựng khung pháp lý, tăng cường năng lực chuyên môn và đổi mới nội dung hình thức đào tạo cho giảng viên, người hành nghề và nhà đầu tư, hỗ trợ các công cụ và ứng dụng công nghệ thông tin trong công bố thông tin và giám sát thị trường, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ngành Tài chính cũng như nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường. Bên cạnh đó, hàng loạt các chương trình đào tạo trực tuyến trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng lực về cải thiện tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng đã được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ UBCKNN và hai Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) trong quá trình giám sát, quản lý và vận hành thị trường.

Các hoạt động trong mảng hợp tác đa phương với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), TAIEX DEVCO của Ủy ban Châu Âu cũng đạt được các kết quả tích cực, đặc biệt là trong các nội dung về nâng hạng TTCK; phát triển bền vững (PTBV) TTCK, và các công nghệ, xu hướng tài chính mới. Cụ thể, trong khuôn khổ dự án JCAP do WB tài trợ, UBCKNN đã làm việc với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm như FTSE Russell, MSCI, và các chuyên gia của WB để làm rõ các tiêu chí phân loại thị trường, các vấn đề vướng mắc của Việt Nam trong việc nâng hạng và xây dựng giải pháp, đồng thời cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh TTCK mới ban hành để các tổ chức này hiểu rõ hơn về các nỗ lực của Việt Nam để được nâng hạng thị trường.

Trong nỗ lực thúc đẩy phát triển thị trường vốn xanh tại Việt Nam, UBCKNN đã phối hợp với IFC xây dựng và phát hành Sổ tay hướng dẫn phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững và trái phiếu xã hội, đồng thời tổ chức chương trình đào tạo, tuyên truyền về Sổ tay tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. UBCKNN cũng đã tổ chức thành công các chương trình đào tạo trực tuyến về chuyển đổi số, tài chính bền vững do các chuyên gia đầu ngành của châu Âu giảng dạy trong khuôn khổ dự án TAIEX DEVCO của Ủy ban châu Âu tài trợ.

Trong công tác hội nhập kinh tế quốc tế, UBCKNN đã tích cực tham gia vào việc xây dựng các phương án đàm phán trong các Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Canada, ASEAN - Úc - NewZealand. Với những nỗ lực trong quá trình đàm phán, UBCKNN tiếp tục giữ được mức cam kết về dịch vụ chứng khoán trong các Hiệp định về cơ bản đều ở mức tương đương với mức cam kết của Việt Nam trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), không đặt ra yêu cầu mở cửa thêm cho thị trường trong nước. Năm nay cũng là một năm UBCKNN đạt được những dấu ấn đáng kể trong hoạt động hợp tác khu vực ASEAN khi là cơ quan đại diện duy nhất của Việt Nam là thành viên Hội đồng Phân loại cho tài chính bền vững ASEAN (ASEAN Taxonomy Board), tham gia vào quá trình thúc đẩy chương trình nghị sự về tài chính bền vững của khu vực.

Với các kết quả đã đạt được năm 2021, UBCKNN đã xây dựng định hướng cho hoạt động hợp tác quốc tế năm 2022 với các nội dung trọng tâm bao gồm: tăng cường triển khai các hoạt động hợp tác song phương với các đối tác chiến lược; thúc đẩy các hoạt động trong khuôn khổ các chương trình/dự án hợp tác đa phương với WB, IFC, TAIEX DEVCO… nhằm hỗ trợ trực tiếp và hiệu quả công tác phát triển TTCK. Trong công tác hội nhập kinh tế quốc tế, hội nhập khu vực sẽ là nội dung trọng tâm nhằm tăng cường vai trò và tiếng nói của Việt Nam trong Diễn đàn Thị trường Vốn ASEAN (ACMF), với mục tiêu đưa TTCK Việt Nam trở thành một trong bốn thị trường lớn của của khu vực.

 

Trong những năm gần đây, tài chính bền vững là một chủ đề được thảo luận rất nhiều trong các diễn đàn trong và ngoài nước. Lộ trình PTBV thị trường vốn ASEAN được thông qua năm 2020 là một trong những thành tựu nổi bật trong vai trò Chủ tịch ACMF của UBCKNN. Xin ông chia sẻ thêm thông tin về sự tham gia của UBCKNN trong việc triển khai Lộ trình này hoặc các sáng kiến mới để thúc đẩy tài chính bền vững của khu vực?

Thực ra, tài chính bền vững là chủ đề trọng tâm trong chương trình nghị sự của các diễn đàn thế giới và khu vực là một điều tất yếu khi nhu cầu vốn cho các dự án PTBV ngày càng tăng lên trong khi khu vực công hay các kênh cấp vốn truyền thống như ngân hàng không thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu khổng lồ đó.

Nhận thức được tầm quan trọng của thị trường vốn trong việc hỗ trợ các mục tiêu PTBV, ACMF đã nghiên cứu xây dựng và thông qua các Tiêu chuẩn Trái phiếu xanh ASEAN, Tiêu chuẩn Trái phiếu Xã hội ASEAN, và Tiêu chuẩn Trái phiếu PTBV ASEAN từ năm 2017 và 2018, nhằm đưa ra một bộ tiêu chuẩn chung và đầy đủ cho việc huy động vốn qua phát hành trái phiếu cho các dự án xanh, dự án xã hội và dự án PTBV trong khu vực. Tính đến tháng 12/2021, đã có 99 đợt phát hành trái phiếu trong khu vực được dán nhãn Tiêu chuẩn Trái phiếu xanh, xã hội và PTBV của ASEAN, hỗ trợ đáng kể cho nhu cầu tài chính bền vững trong khu vực.

Lộ trình PTBV Thị trường Vốn ASEAN được thông qua năm 2020 đã chính là sự phát triển và hội tụ các sáng kiến của ACMF với mục tiêu bao trùm là PTBV. Với cách tiếp cận tổng thể, Lộ trình đưa ra các định hướng chiến lược cho việc xây dựng lớp tài sản bền vững trong ASEAN để hỗ trợ chương trình nghị sự PTBV của ASEAN trong 05 năm tiếp theo. Lộ trình PTBV Thị trường Vốn ASEAN cũng là nền tảng cơ sở và nguyên liệu chính cho việc xây dựng Kế hoạch Hành động ACMF giai đoạn 2021 - 2025.

Năm 2021 đánh dấu một bước tiến mới đặc biệt quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy tài chính bền vững trong khu vực ASEAN. Đó là sáng kiến xây dựng Bộ phân loại cho tài chính bền vững ASEAN (“ASEAN Taxonomy”) được bốn nhóm công tác ASEAN về ngân hàng, bảo hiểm, và thị trường vốn đồng khởi xướng và phát triển, nhằm đưa ra một bộ phân loại chung và thống nhất cho toàn bộ thị trường tài chính khu vực. ASEAN Taxonomy thể hiện cam kết tập thể của các nước thành viên ASEAN trong việc chuyển đổi hướng tới một khu vực PTBV. ASEAN Taxonomy được thiết kế để trở thành một hệ thống phân loại toàn diện và đáng tin cậy cho các hoạt động bền vững và sẽ là một trong những nền tảng quan trọng trong việc thu hút đầu tư và dòng tài chính vào các dự án bền vững trong khu vực.

Cũng có thể coi đây là một cơ duyên và may mắn khi ngay từ giai đoạn hình thành sáng kiến, UBCKNN là thành viên duy nhất của Việt Nam tham gia Ban chỉ đạo hỗn hợp bốn nhóm công tác ASEAN để định hình sáng kiến và trình lên thông qua tại Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 6 diễn ra vào cuối tháng 3/2021. Được sự ủng hộ của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng ASEAN, Hội đồng ASEAN Taxonomy (ASEAN Taxonomy Board) đã được thành lập để xây dựng, quảng bá và triển khai ASEAN Taxonomy. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhất trí cử UBCKNN là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự Hội đồng vào tháng 7/2021.

Nhờ sự nỗ lực và cường độ làm việc khẩn trương, tích cực, ASEAN Taxonomy phiên bản 01 đã được kịp thời công bố vào ngày 10/11/2021 bên lề Hội nghị cấp cao lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26). Sáng kiến này cũng được nhắc đến trong Tuyên bố chung ASEAN gửi COP26 như nỗ lực của khu vực tài chính trong việc hỗ trợ thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu của ASEAN.

Trong thời gian tới, UBCKNN sẽ tiếp tục phối hợp cùng với các thành viên trong Hội đồng ASEAN Taxonomy để đưa ra một phiên bản Taxonomy hoàn thiện và chi tiết hơn, đồng thời triển khai các hoạt động quảng bá cho việc áp dụng rộng rãi Taxonomy trong khu vực, nhằm hỗ trợ hiệu quả cho quá trình đầu tư và huy động vốn cho các mục tiêu PTBV.

 

Sự tham gia sâu rộng của UBCKNN trong sáng kiến tài chính bền vững của ASEAN mang lại những lợi ích gì trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh trên của TTCK Việt Nam, thưa ông?

Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia dễ bị tổn thương do thiên tai và biến đổi khí hậu, vì lẽ đó, tăng trưởng xanh được xác định là một chiến lược quan trọng để đảm bảo PTBV trong dài hạn. Theo Báo cáo cập nhật lần thứ 2 của Việt Nam gửi UNFCCC (Công ước khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu), tổng nhu cầu tài chính trong nước của Việt Nam để thực hiện cam kết tự nguyện đến năm 2030 giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính là vào khoảng 3,2 tỷ đô la Mỹ. Ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, trong đó nâng mục tiêu giảm phát thải nhà kính đến năm 2030 lên 15%. Theo đó, nhu cầu tài chính để thực hiện mục tiêu này cũng tăng lên đáng kể, và để đáp ứng được nhu cầu tài chính đó, trái phiếu xanh là một trong những công cụ thị trường vốn hữu hiệu để huy động nguồn lực tài chính dồi dào từ khu vực tư nhân cho các dự án xanh và PTBV.

Mặc dù Bộ Tài chính, UBCKNN và các đơn vị liên quan đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao năng lực và nhận thức của thành viên thị trường, nhưng hiện tại thị trường trái phiếu xanh của Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu khởi phát và các thành viên thị trường vẫn chưa sẵn sàng tham gia vào thị trường tiềm năng này. Trong khi đó, thị trường trái phiếu xanh và trái phiếu bền vững trong khu vực lại phát triển tương đối sôi động và mạnh mẽ, đặc biệt là ở các nước Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore, đây cũng là các thành viên hoạt động rất tích cực trong các sáng kiến của ACMF, trong đó có sáng kiến tài chính bền vững. Sự tham gia sâu rộng của UBCKNN không chỉ mang lại lợi ích về mặt đối ngoại như tăng cường vai trò và tiếng nói của Việt Nam trong khu vực, mà còn có những lợi ích thiết thực đối với sự phát triển thị trường vốn xanh của Việt Nam thông qua việc tiếp cận và chia sẻ các nguồn tư liệu và kinh nghiệm hữu ích của các nước trong việc xây dựng khung pháp lý, chính sách hỗ trợ thị trường cũng như các biện pháp khuyến khích sự tham gia của tổ chức phát hành và nhà đầu tư.

Như tôi đã chia sẻ ở phía trên, UBCKNN hiện là thành viên Hội đồng Phân loại cho tài chính bền vững ASEAN (ASEAN Taxonomy Board). Bộ phân loại cho tài chính bền vững ASEAN đưa ra các nguyên tắc và tiêu chí chung cho việc phân loại các hoạt động kinh tế để làm cơ sở cho đầu tư PTBV trong khu vực, trong đó ưu tiên xây dựng các tiêu chí phân loại cho mục tiêu bảo vệ môi trường. Bộ phân loại này được xây dựng trên cơ sở các bộ phân loại được công nhận và phổ biến trên thế giới, cũng như xem xét các yếu tố đặc thù của khu vực. Đây là một nguồn tham khảo cực kỳ hữu ích trong quá trình xây dựng tiêu chí phân loại xanh cho đầu tư PTBV tại Việt Nam.

 

Xin ông chia sẻ thêm về kế hoạch của UBCKNN để thúc đẩy tăng trưởng xanh trên TTCK trong thời gian tới?

Một trong các điểm trọng yếu để thúc đẩy tài chính xanh chính là tính minh bạch của thị trường, thông tin về đóng góp của doanh nghiệp giảm thiểu khí phát thải carbon, thông tin của doanh nghiệp về phát triển xanh, sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, thông tin về trách nhiệm môi trường và xã hội của doanh nghiệp tới các nhà đầu tư, tới các cơ quan hoạch định chính sách. Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 đưa ra một yêu cầu mới đó là công ty phải công bố báo cáo tác động liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong báo cáo thường niên. Cụ thể, điểm 6 trong Phụ lục IV của Thông tư 96 yêu cầu Công ty nêu báo cáo tác động liên quan đến môi trường và xã hội, trong đó cần nêu rõ tổng phát thải khí nhà kính (GHG) trực tiếp và gián tiếp; quản lý nguồn nguyên liệu, trong đó có các nguyên liệu tái chế; tiêu thụ năng lượng hiệu quả; tiêu thụ nước, tuân thủ pháp luật về môi trường; chính sách liên quan đến người lao động và báo cáo liên quan đến trách nhiệm đối với cộng đồng. Đây là các nội dung thể hiện rõ sự đóng góp của các doanh nghiệp đại chúng vào các cam kết chung của Việt Nam về chống biến đổi khí hậu và thích ứng. Quy định trên nhằm mục tiêu thúc đẩy sự minh bạch về các thông tin ESG. Để giúp các doanh nghiệp hiểu về cách xây dựng báo cáo ESG, UBCKNN đã phối hợp với IFC triển khai chương trình đào tạo về nội dung này.

Hiện tại, dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã kèm theo Danh mục dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh (Phụ lục 85 của dự thảo). Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ quy định cụ thể tiêu chí phân loại và các điều kiện dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh quy định tại Danh mục này. Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình kiện toàn khung pháp lý, tạo cơ sở cho quy định của pháp luật về trái phiếu xanh có thể thực thi. Đồng thời, quy định cụ thể về dự án xanh và bộ tiêu chí phân loại xanh sẽ là cơ sở để các tổ chức tín dụng ban hành hướng dẫn nội bộ về đầu tư vào công cụ trái phiếu xanh.

Trong thời gian tới, UBCKNN và các đơn vị liên quan của Bộ Tài chính sẽ phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng Kế hoạch Hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 nhằm đưa ra các giải pháp hoàn thiện khung pháp lý và đưa ra các cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp phát hành công cụ tài chính mới cho các sản phẩm và dịch vụ xanh trên thị trường. Trong đó, một trong các nhiệm vụ ưu tiên của UBCKNN và các cơ quan Bộ, ngành liên quan là xây dựng bộ tiêu chí phân loại xanh và có sự phân công rõ ràng giữa chức năng của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để có chính sách, văn bản hướng dẫn chia tiết cho doanh nghiệp đối với các công cụ huy động vốn như trái phiếu xanh, trái phiếu PTBV.

Theo đó, trong năm 2022, UBCKNN sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế về tài chính xanh, tài chính bền vững, tận dụng tối đa các nguồn lực và kinh nghiệm quý báu từ các đối tác cho công tác hoàn thiện khung khổ pháp lý cũng như nâng cao năng lực trong nước. Tôi tin rằng, với một hệ thống pháp lý đầy đủ và các chính sách hỗ trợ thiết thực, thị trường trái phiếu xanh của Việt Nam sẽ sớm có sự phát triển thăng hoa trong tương lai, góp phần tích cực trong việc hiện thực hóa các mục tiêu trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam.

 

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Nguồn: Tapchichungkhoanvietnam.vn