Đề nghị kiểm soát giá hàng hoá, hạn chế "ăn theo" giá xăng dầu để trục lợi

Ngày 14/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện tháng 2 năm 2022 của Quốc hội. Ông Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện cho biết: Cử tri và nhân dân đánh giá cao hành động tích cực, kịp thời của Đảng, Nhà nước trong việc bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine, đã hỗ trợ đồng bào người Việt di chuyển an toàn ra khỏi vùng chiến sự và tổ chức đưa về nước những người có nhu cầu; sự vào cuộc kịp thời của Quốc hội trước tình hình xăng dầu liên tục tăng giá, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.

 Giá xăng, dầu tăng khiến giá của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ, chi phí khác tăng theo. Ảnh: TL

Tuy nhiên, cũng theo ông Dương Thanh Bình: Cử tri và nhân dân kiến nghị về tình trạng giá xăng, dầu tăng kéo theo giá của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ, chi phí khác tăng khiến đời sống, sản xuất người dân gặp khó khăn hơn; về vụ việc tai nạn thương tâm chìm ca nô chở khách du lịch khiến nhiều người tử vong tại Cửa Đại, tỉnh Quảng Nam; tình hình tội phạm lợi dụng không gian mạng để lừa đảo; về tình trạng “loạn giá” kit xét nghiệm nhanh COVID-19; việc rao bán các mặt hàng thuốc điều trị virus “xách tay” từ Nga, Trung Quốc trên các trang mạng xã hội; về việc mua thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19 cho người điều trị tại nhà còn gặp nhiều khó khăn, nhiều người phải mua thuốc ngoài “chợ đen” với giá cao hơn nhiều lần giá nhà nước quy định; việc khai báo, cấp giấy chứng nhận khỏi bệnh gặp nhiều khó khăn do trạm y tế cơ sở quá tải; tình trạng thiếu lao động, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các cơ quan nhà nước, cơ sở sản xuất kinh doanh do bị cách ly; tình trạng lây nhiễm COVID-19 trong học sinh, giáo viên tại trường học sau khi tổ chức học trực tiếp.

Bên cạnh đó, Báo cáo của Ban Dân nguyện cũng cho thấy, theo báo cáo của các cơ quan chức năng, trong tháng số lượt công dân và đoàn đông người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, vẫn có một số vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài công dân mang theo băng rôn, khẩu hiệu, có biểu hiện kích động, vi phạm pháp luật, gây phức tạp về an ninh trật tự vẫn còn diễn ra ở một số địa phương; một số cá nhân, đoàn đông người kéo về Trung ương khiếu nại, tố cáo.

Đơn cử, tại Trụ sở tiếp công dân trung ương đã tiếp 115 lượt với 214 công dân đến trình bày 115 vụ việc, trong đó khiếu nại 68 việc, tố cáo 8 việc, kiến nghị, phản ánh 39 việc; có 11 lượt đoàn đông người đến trình bày 11 vụ việc (giảm  41 lượt với 103 người, giảm 40 vụ việc, giảm 5 đoàn đông người so với tháng trước).

Qua theo dõi tình hình khiếu nại, tố cáo, trong phạm vi cả nước có nổi lên một số nhóm vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự liên quan đến ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp chủ yếu liên quan đến hoạt động chế biến, sản xuất, kinh doanh của các công ty, doanh nghiệp xả chất thải, khí thải gây ô nhiễm môi trường, hoạt động của khu xử lý rác thải tập trung ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sinh hoạt của người dân, dẫn đến bức xúc, tiềm ẩn những phức tạp về an ninh, trật tự ở một số địa phương; tình trạng sai phạm tại nhiều dự án chung cư, chủ đầu tư xây dựng công trình khi chưa có giấy phép, người dân nhận nhà đã nhiều năm nhưng chưa nhận được giấy chứng nhận; việc lấn chiếm đất công để xây dựng các công trình trái phép tại quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Cùng với đó, hiện tượng thu gom đất nông nghiệp của dân, sử dụng “chiêu trò” hiến đất làm đường để chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở, xây dựng công trình trái phép không đúng với quy hoạch xây dựng nông thôn mới và quy hoạch khu dân cư ở tỉnh Lâm Đồng; một số vụ việc công nhân, người lao động tại một số khu công nghiệp đình công, yêu cầu tăng lương, phụ cấp và các phúc lợi khác, gây phức tạp về an ninh, trật tự. Hiện các vụ việc trên đã và đang được cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Từ đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan có giải pháp quản lý, kiểm soát hiệu quả giá cả hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu hạn chế tình trạng “ăn theo” giá xăng dầu như hiện nay để trục lợi; quan tâm, có biện pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.

Tiếp tục chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông và các bộ, ngành hữu quan có biện pháp quản lý, triệt phá, xử lý nghiêm loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet, mạng viễn thông lợi dụng sự hoang mang, thiếu hiểu biết của người dân trong thời điểm diễn ra dịch bệnh COVID-19 và tâm lý cả tin, hám lợi của nạn nhân để phạm tội.

Đồng thời, kiến nghị chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có biện pháp quyết liệt, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, nâng giá kit xét nghiệm nhanh COVID 19, nhập lậu thuốc điều trị COVID-19, tăng cường kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng tăng giá bán bất hợp lý…

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ cho biết, trong tháng 2, Bộ Công an đang điều tra làm rõ những vụ việc nổi cộm trong thời gian qua như: vụ nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; sử dụng mạng xã hội rao bán các loại bằng giả. Đối với vấn đề cử tri quan tâm phản ánh, Bộ đã nhận được 39 kiến nghị của cử tri. Trong đó Ban Dân nguyện chuyển 22 kiến nghị, Văn phòng Chính phủ chuyển 17 kiến nghị.

Ông Trần Quốc Tỏ cho hay, các kiến nghị trên phản ảnh về hành vi vi phạm liên quan đến tín dụng đen, sử dụng tài khoản mạng xã hội rao bán bằng cấp; các dạng ma túy mới dưới dạng bột pha với nước trái cây; tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tham nhũng, trục lợi; sử dụng mạng xã hội để công kích người khác. Những vấn đề trên hiện đang được Bộ đã chỉ đạo công an các địa phương điều tra làm rõ.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng vấn đề bức xúc hiện nay chưa giải quyết được là nhiều người lao động mắc COVID-19 tự điều trị tại nhà đang gặp rất nhiều khó khăn khi xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ hưởng chế độ ốm đau vì thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian. Bộ Y tế đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết công nhận 7 loại giấy tờ nêu trên có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, để bảo hiểm xã hội làm hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động mắc COVID-19 nhưng hiện chưa có quyết định cuối cùng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng dẫn chứng thuốc kháng virus muốn sử dụng phải được kê đơn, song thực tế người dân khó tiếp cận, do đó cần có hướng dẫn phù hợp.

Cho ý kiến vào báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, các cơ quan hữu quan cần tập trung xử lý kiến nghị của cử tri gửi đến các kỳ họp của Quốc hội bởi tỷ lệ giải quyết kiến nghị còn thấp; đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp thu các kiến nghị để sớm ban hành Chương trình tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2022-2023 song song với thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Link gốc: https://dangcongsan.vn/phap-luat/de-nghi-kiem-soat-gia-hang-hoa-han-che-an-theo-gia-xang-dau-de-truc-loi-605880.html

Nguồn: Phapluatplus.vn