Lộc Trời: Khó khăn chồng chất, liệu có vượt khủng hoảng?

Khó khăn tài chính ngày càng gia tăng

Năm 2024 đã mang đến nhiều biến động cho Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, khi doanh nghiệp này phải đối mặt với những khó khăn tài chính nghiêm trọng và sự thay đổi nhân sự quan trọng.

Tính đến cuối quý 1/2024, tổng nợ phải trả của Lộc Trời đã lên đến 8.939 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ vay ngân hàng (hơn 6.300 tỷ đồng) và khoản phải trả người bán ngắn hạn (hơn 2.000 tỷ đồng). Trong khi đó, vốn chủ sở hữu chỉ đạt 2.973 tỷ đồng, chiếm khoảng 33% tổng nguồn vốn, cho thấy nợ vay đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài chính. Tình hình này đặt ra áp lực nặng nề về lãi vay và tăng rủi ro thanh khoản.

Lộc Trời: Khó khăn chồng chất, liệu có vượt  khủng hoảng?

Kết quả kinh doanh đầu năm không mấy khả quan. Trong 3 tháng đầu năm 2024, Lộc Trời ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.874 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước, với mảng lúa gạo chiếm tỷ trọng lớn. Tuy nhiên, lợi nhuận của công ty lại âm 96 tỷ đồng, tăng so với mức lỗ 81 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc giá vốn hàng bán tăng 65%, cùng với chi phí lãi vay và lỗ tỷ giá.

Lộc Trời: Khó khăn chồng chất, liệu có vượt  khủng hoảng?

Ngoài ra, tình trạng nợ tiền nông dân trong vụ lúa Đông Xuân cũng phản ánh kết quả kinh doanh không khả quan. Đến cuối tháng 5, công ty đã thanh toán đầy đủ cho nông dân, nhưng vụ việc này vẫn ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của doanh nghiệp.

Hoãn công bố báo cáo tài chính quý 2/2024

Lộc Trời đã xin hoãn công bố báo cáo tài chính quý 2/2024 đến ngày 30/8 với lý do bất khả kháng, cần thêm thời gian để giải quyết các vấn đề tài chính. Hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý 2, nhưng báo cáo của Lộc Trời vẫn chưa được công bố, khiến nhà đầu tư lo ngại cổ phiếu của công ty có thể rơi vào diện cảnh báo.

Biến động nhân sự cấp cao

Bên cạnh khó khăn tài chính, nội bộ Lộc Trời cũng trải qua nhiều biến động về nhân sự. Vào tháng 7, Hội đồng quản trị đã miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc của ông Nguyễn Duy Thuận, và Chủ tịch HĐQT tạm thời nắm quyền điều hành doanh nghiệp trong thời gian chờ bổ nhiệm CEO mới. Trong giai đoạn này, bà Nguyễn Thị Thúy đã từ chức thành viên Ban kiểm soát, trong khi ông Nguyễn Mỹ được bầu giữ chức Phó Tổng giám đốc.

Đáng chú ý, vào ngày 23/8/2024, sau hai tháng đảm nhận vị trí, ông Johan Boden đã từ nhiệm khỏi HĐQT vì lý do cá nhân. Gần đây, vào ngày 9/9, ông Tiêu Phước Thạnh – thành viên Ban kiểm soát – cũng đã nộp đơn từ chức.

Những biến động nhân sự cùng tình hình tài chính không ổn định đang đặt ra nhiều thách thức cho Lộc Trời, khi công ty phải đối mặt với áp lực duy trì hoạt động và phục hồi danh tiếng trên thị trường.

Lộc Trời: Khó khăn chồng chất, liệu có vượt  khủng hoảng?

Hiện tại, kết phiên giao dịch ngày 23/9/2024, cổ phiếu LTG đang giao dịch quanh mức 13.900 đồng/cổ phiếu, đánh dấu mức giá thấp nhất từ đầu năm 2024 đến nay. So với đầu năm, giá cổ phiếu đã giảm hơn 40%, phản ánh những khó khăn tài chính và sự bất ổn nội bộ mà Lộc Trời đang phải đối mặt. Bên cạnh đó, khối ngoại cũng có xu hướng bán ròng mạnh.

Nguồn: Kinh tế chứng khoán