Điểm danh những ngành nghề tuyển dụng mạnh sau Tết Nguyên đán

Điểm danh những ngành nghề tuyển dụng mạnh sau Tết Nguyên đán ảnh 1

Nhu cầu tuyển dụng lao động tăng mạnh ở nhóm công nghệ thông tin, tài chính

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, thị trường lao động trong nước đã và đang phục hồi ở mức cơ bản, có những doanh nghiệp phục hồi 100%, có đơn vị 90% nhưng có công ty chỉ 60% nhưng bình quân chung là 85%, đây là mức độ không thiếu lao động trầm trọng.

Mức độ phục hồi của thị trường lao động cũng được thể hiện qua những dự báo lạc quan về những ngành nghề sẽ có nhu cầu tăng mạnh tuyển dụng sau Tết Nguyên đán, nhất là trong quý 1/2022.

Theo khảo sát của một đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự, từ cuối quý 4/2021 bắt đầu xuất hiện các dự án tuyển dụng số lượng lớn cho các vị trí như: công nghệ thông tin trong các công ty tư vấn dịch vụ tài chính và các vị trí bán hàng từ các công ty bảo hiểm và ngân hàng.

Việc tuyển dụng này để phục vụ cho việc mở rộng và phát triển kinh doanh năm 2022, đây cũng là những tín hiệu dự báo trong năm 2022 cho thấy, nhu cầu tuyển dụng quy mô lớn trong mảng tài chính - ngân hàng sẽ tiếp tục tăng cao.

Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành, nhận định những ngành nghề dự kiến sẽ có xu hướng tuyển dụng rõ nét trong thời gian tới là nhóm công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, dự kiến năm 2022 một số ngành nghề sẽ có nhu cầu tuyển dụng lớn như thương mại điện tử, logistic, vận tải, kho bãi, một số nhóm ngành nghề về phân tích dữ liệu nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngày càng phổ biến.

Bên cạnh đó, nhóm ngành về thương mại quốc tế cũng sẽ tăng tuyển dụng qua việc ký kết các hiệp định thương mại tự do, riêng các nhóm ngành nghề truyền thống năm qua có nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh, dự báo vẫn tiếp tục xu hướng này như bán hàng, thương mại, văn phòng, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Nhận định thêm về sự phát triển thị trường lao động và lực lượng lao động thời gian tới, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho hay, Việt Nam hiện có khoảng 70% lao động qua đào tạo nhưng chỉ có 24,5% có bằng cấp, chứng chỉ. Để đảm bảo nguồn nhân lực phát triển đất nước thì đào tạo nghề chất lượng cao phải là một mũi nhọn.

Vì thế, từ năm 2022 trở đi phải tập trung xây dựng nền móng để đào tạo nghề chất lượng cao. Cụ thể, cần phải phải tập trung hình thành một hệ thống cung - cầu lao động và đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nguồn: Anninhthudo.vn