FLC triệu tập ĐHĐCĐ bất thường lần 2: Biến động lớn về nhân sự "thượng tầng"?

Công ty CP Tập đoàn FLC (UPCoM: FLC) vừa thông báo gửi cổ đông về việc triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường lần 2 năm 2024, theo nghị quyết của HĐQT ban hành ngày 20/8. Ngày đăng ký cuối cùng để tham dự cuộc họp là 10/9, thời gian và địa điểm cụ thể của cuộc họp sẽ được thông báo sau.

Tập đoàn FLC CBTT Nghị quyết số 23/2024/NQ-HĐQT-FLC ngày 20/8/2024 về việc triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 năm 2024
Nghị quyết số 23/2024/NQ-HĐQT-FLC ngày 20/8/2024 của Tập đoàn FLC về việc triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 năm 2024

Phiên họp sẽ tập trung xem xét miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên HĐQT cũng như Ban Kiểm soát. Đồng thời, ĐHĐCĐ sẽ thảo luận và thông qua các sửa đổi đối với quy chế hoạt động của HĐQT và Ban Kiểm soát, bên cạnh đó còn bàn về các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Đại hội.

Hiện FLC chưa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, tại cuộc họp bất thường lần 1 sau nhiều lần triệu tập, có sự tham dự của 103 cổ đông, chiếm hơn 33,7% số cổ phần có quyền biểu quyết được tổ chức vào hồi tháng 2, cũng bàn về vấn đề nhân sự cao cấp.

Trong báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm, FLC tiếp tục tập trung vào việc cơ cấu lại nhân sự cấp cao. ĐHĐCĐ đã thông qua việc miễn nhiệm 4 thành viên, bao gồm ông Doãn Hữu Đoàn và ông Lê Thái Sâm khỏi HĐQT, ông Nguyễn Tri Thống và ông Nguyễn Quang Thái khỏi chức vụ thành viên Ban Kiểm soát đều từ 20/2. Đồng thời, cổ đông thống nhất bầu bổ sung ông Lê Tiến Dũng và ông Ngô Đặng Hoàng Anh vào HĐQT, bầu bổ sung bà Nguyễn Thị Vân Anh và bà Nguyễn Thu Hiền vào chức vụ thành viên Ban Kiểm soát cho nhiệm kỳ năm 2021-2026.

Như vậy, HĐQT của FLC hiện có 5 thành viên bao gồm: ông Lê Bá Nguyên - Chủ tịch HĐQT, bà Vũ Đặng Hải Yến - Phó Chủ tịch thường trực, bà Trần Thị Hương, ông Lê Tiến Dũng và ông Ngô Đặng Hoàng Anh.

Trong 6 tháng đầu năm, HĐQT đã ban hành 16 nghị quyết với một số nội dung như chấp thuận đề nghị thôi chức Phó Tổng Giám đốc của ông Trần Thế Anh, đề cử ứng viên bầu bổ sung thành viên HĐQT, thay đổi người đại diện tại một số công ty FLC góp vốn…

Theo báo cáo tại kỳ họp hồi tháng 2, tổng giá trị tài sản của FLC ước tính đạt hơn 21.000 tỷ đồng, giảm khoảng 42% so với mức 36.216 tỷ đồng vào cuối quý 2/2022. Bên cạnh đó, FLC đã thực hiện điều chỉnh giảm 60% nhân sự sau quá trình tái cơ cấu, sáp nhập 50% các phòng ban và thành lập mới ban kinh doanh và chiến lược cũng như phòng công nghệ thông tin. Hiện, hệ thống công ty của FLC bao gồm 14 công ty con và một công ty liên kết. Ngoài ra, FLC thống nhất chuyển trụ sở chính sang địa chỉ Tầng 5, Tòa nhà FLC Landmark Tower, đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Về tình hình kinh doanh, FLC cho biết tổng giá trị tài sản hiện hữu ước tính đạt hơn 21.000 tỷ đồng, đã thực hiện nộp ngân sách nhà nước khoảng 800 tỷ đồng, thực hiện nghĩa vụ nợ vay khoảng 4.400 tỷ đồng. Nhân sự của FLC giảm 60% xuống hơn 3.500 cán bộ nhân viên, sáp nhập 50% phòng ban. Hệ thống công ty gồm 14 công ty con (do FLC sở hữu từ trên 50% đến 100% vốn điều lệ) và 1 Công ty liên kết.

FLC đặt mục tiêu mảng bất động sản năm 2024 đạt doanh số 1.187 tỷ; doanh thu cho mảng du lịch nghỉ dưỡng 1.213 tỷ đồng, lợi nhuận đủ để duy trì bộ máy cũng như thực hiện các cam kết với các bên liên quan.

Mới đây, ngày 5/8, liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại FLC và các công ty liên quan. Theo đó, ông Trịnh Văn Quyết (sinh năm 1975, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, Chủ tịch Công ty CP Hàng không Tre Việt) bị Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội tuyên 18 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 3 năm tù về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, tổng hợp hình phạt chung đối với cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết là 21 năm tù.

Nguồn: Kinh tế chứng khoán