Gần đến ngày vía Thần tài, giá vàng chạm ngưỡng cao lịch sử

Ý nghĩa ngày vía Thần Tài

Ở nhiều nước châu Á, thì ngày vía Thần Tài là một ngày đặc biệt và nhiều ý nghĩa với người dân vào dịp đầu năm.

Theo những sự tích và lưu truyền lại từ rất lâu về trước, Thần Tài là vị Thần cai quản tiền tài, quan lộc ở trên trời, được coi là một vị Thần có danh tiếng ngút trời.

Trong một lần uống rượu say bị rơi xuống trần gian va đầu vào đá nên vị thần này đã không nhớ mình là ai. Ông không biết làm gì nên đành đi lang thang xin ăn khắp mọi nơi. Nhưng kỳ lạ là ông đi tới nhà nào thì nhà đó bỗng buôn bán phát đạt, khách tới đông nườm nượp.

10-mau-tuong-than-tai-dep-giup-mang-tai-loc-vuong-khi-ve-nha-202010191332523956

Tượng ông Địa và tượng ông Thần Tài. (ảnh Vietnamnet)

Đến một ngày Thần Tài nhớ ra thân phận thực sự của mình và bay về trời. Để tưởng nhớ ngài, mọi người chọn ngày 10 tháng Giêng là ngày vía Thần tài để thờ cúng vật phẩm và mua vàng để cầu tài lộc may mắn, sung túc cho cả năm, đặc biệt là ở những gia đình kinh doanh, buôn bán.

Ở Việt Nam, trong ngày vía Thần tài thì người dân cũng có nhiều hoạt động đặc trưng như Lau dọn bàn thờ, làm lễ cúng hay mua vàng để tích trữ….

Theo đó, vào mùng 10 tháng Giêng hàng năm, người Việt thường đổ xô đi mua vàng với mục đích cầu tài lộc. Người ta mua vàng và tích trữ trong nhà mong muốn có một năm sung túc, dồi dào tiền bạc, vận may.

Tuy nhiên, không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, việc mua vàng đầu năm cũng được coi là một hình thức tiết kiệm truyền thống của người Việt Nam.

Trong tâm lý, thói quen của người dân, vàng vẫn được coi là kênh đầu tư và "giữ tiền" an toàn nhất. Hầu như trong mỗi gia đình được coi là đủ điều kiện thì đều có một vài chỉ vàng "giắt lưng" đề phòng khi cần chi tiêu.

Ngày nay, khi các dịch vụ tiết kiệm của ngân hàng hay các kênh đầu tư mới như chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm nhân thọ, tiền kỹ thuật số… đã trở nên phổ biến hơn thì thói quen bảo toàn tài sản bằng vàng vẫn được người dân lựa chọn.

Bên cạnh đó, với nhiều người mua vàng đầu năm nhằm giúp tiết kiệm tránh lãng phí sau thời điểm ăn Tết chi tiêu nhiều.

Giá vàng chạm ngưỡng cao lịch sử

Những năm gần đây giá vàng liên tục tăng. Ngày Thần Tài năm ngoái giá vàng miếng SJC mới ở mức 56 triệu đồng/lượng thì qua 1 năm giá vàng miếng SJC đã tăng thêm 7 triệu đồng/lượng, lên mức 63 triệu đồng/lượng.

Thời điểm này giá vàng đang trên đỉnh cao lịch sử khi sát ngày vía Thấn tài. Trong nước, sáng 7/2 giá vàng SJC được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji giao dịch ở mức 62,2 triệu đồng/lượng (mua vào) và 63,15 triệu đồng/lượng (bán ra).

Tại Công ty TNHH Bảo tín Minh châu, giá vàng SJC đang được niêm yết ở ngưỡng 62,31 triệu đồng/lượng theo chiều mua vào và 63,14 triệu đồng/lượng theo chiều bán ra.

Giá vàng SJC được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC đang được giao dịch ở mức 62,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 63,22 triệu đồng/lượng (bán ra).

Tại thị trường thế giới, giá vàng đang được giao dịch ở ngưỡng 1.810,2 USD/ounce – theo dữ liệu của Kitco News.

Nhiều sản phầm vàng được các doanh nghiệp tung ra trên thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng

Nhiều sản phầm vàng được các doanh nghiệp tung ra trên thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. (Ảnh: PNJ)

Mức giá này tương được khoảng 49,6 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá của USD/VND. Như vậy, giá vàng trong nước đang cao hơn so với thế giới hơn 13 triệu đồng/lượng – đây là khoảng chênh lệch lớn chưa từng có trong lịch sử.

Hiện nay, các thương hiệu vàng nổi tiếng cũng có rất nhiều sản phẩm đa dạng liên quan đến vàng ngày Vía Thần tài giúp cho người mua có được sự đa dạng khi lựa chọn.

Theo các chuyên gia, đi mua vàng ngày vía Thần Tài phải chú ý chọn cửa hàng có uy tín, đảm bảo chất lượng. Khách hàng thường mua nhẫn tròn trơn 0,5 - 2 chỉ, nên chọn loại ép vỉ. Nếu mua nhẫn tròn trơn không ép vỉ khó xác định được chất lượng.

Còn với vàng miếng nên yêu cầu xuất hóa đơn tài chính, ghi rõ seri miếng vàng loại 0,5 chỉ hoặc 1 lượng.

Nguồn: Phapluatplus.vn