Huyền bí thần hổ

Từ việc tôn sùng hổ, một số dân tộc đã coi hổ là vị thần may mắn, là phúc thần, đem lại bình an cho cuộc sống và thần thánh hóa vai trò của hổ để tạo biểu tượng sức mạnh cho cộng đồng.

Hổ trong tín ngưỡng các dân tộc Việt Nam

“Hổ” (唬) trong tiếng Hán bao gồm bộ khẩu đứng trước chữ “Hổ”. Bộ khẩu này làm ta liên tưởng tới tiếng gầm của hổ. Tiếng gầm khiến con người, muông thú nghe thấy phải bạt vía kinh hồn. Hoa văn trên trán hổ có hình chữ Vương (王) là vua, ngụ ý biểu tượng hổ sinh ra đã có sứ mạng là chúa tể của muông thú (thú rừng). Là con vật thượng thủ đối với muông thú trên cạn, hổ là con vật có thực được sánh với rồng, một sinh vật truyền thuyết ở thủy giới, có vị trí tối cao.

 

Một số dân tộc coi hổ là phúc thần, đem lại may mắn.

Một số dân tộc coi hổ là phúc thần, đem lại may mắn.

Trong các loài thú dữ, hổ là loài thú được con người vừa tôn sùng vừa sợ hãi kỵ húy nhiều nhất. Chính vì vậy nên nhiều người không dám gọi thẳng tên mà phải gọi chệch đi vì sợ thần Hổ giận và tìm cách xử phạt. Từ đó hổ có nhiều tên gọi khác nhau, mỗi tên gọi có ý nghĩa nhất định về mặt văn hóa, tâm linh. Bên cạnh cách gọi chính thống, ở nước ta, hổ còn có rất nhiều danh xưng như: cọp, hùm, kễnh, khái, mãnh chúa rừng xanh, ông Cả Cọp, ông Ba Mươi, ông Ba Bị, ông Kẹ…

Bên cạnh đó, hổ còn là vật tổ của một số dân tộc như: Khơ Mú (ở Tây Bắc, miền tây Nghệ An). Người Khơ Mú ở đây cho rằng tộc người của mình thuộc họ Rvai, tức là họ Hổ; Tà Ôi (ở vùng núi phía tây miền Trung thờ Giàng Avó, tức là Giàng Hổ); Cor (huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi)… Tên gọi của tộc người La Hủ cũng gắn với con hổ. Theo đó “La” là con hổ, “Hủ” là con sóc, “La Hủ” có nghĩa là mạnh như con hổ, khéo léo và nhanh như con sóc.

Theo các truyền thuyết thì tục thờ hổ có từ thời vua Hùng. Sự tích thờ thần hổ lưu truyền nhiều ở vùng Thanh Nghệ Tĩnh kể rằng, vào thời An Dương Vương, người Việt còn đóng khố, cởi trần, định cư ở vùng đồng bằng và trung du, làm nghề nông và săn bắn. Ở làng nọ có một ông lão nhà nghèo, dựng lều ở trên sông Lam, ngày ngày tảo tần đơm đó và đưa đò để kiếm sống. Dù con hổ xám ăn thịt nhiều người, ăn thịt cả cha mình và nhảy xuống bè nứa vồ trượt mình và bị bè nứa của ông kẹp trúng chân, không thoát ra được nhưng ông lão vẫn cứu hổ. Ông lão bảo: “Nhà ngươi dòng dõi ở trên thượng giới, xuống hạ giới sinh sống, sao lại bắt con người để ăn thịt? Ta đã già yếu, xin hiến thân cho ông và xin từ nay trở đi ông đừng giết hại con người nữa”.

Con hổ cảm kích quỳ xuống lạy tạ ông rồi bỏ đi. Nhưng rồi hổ vẫn là hổ nên nó tiếp tục ăn thịt người và nhầm lẫn giết chết ân nhân. Cái chết của ông lão chở đò đã thức tỉnh con hổ. Đêm đêm, con hổ xám về chầu trước mộ ông, kêu khóc thảm thiết và cuối cùng gục chết, hóa thành hòn đá bên mộ.

Trong những di tích ở Việt Nam, người ta tìm thấy con hổ đá sớm nhất từ thời Trần là con hổ được thể hiện trên nhang án tại chùa Xuân Lũng (Phú Thọ). Đến thời hậu Lê con hổ xuất hiện ở lăng mộ Lê Lợi (tại Lam Kinh), làm nhiệm vụ canh gác và giữ của cho người chết. Khi Nho giáo phát triển, hổ được chạm khắc trên các công trình kiến trúc và thể hiện cho những người thi cử đỗ đạt với cụm từ thường gọi “Bảng hổ danh đề”.

Những huyền tích về hổ cứ dày thêm. Người Việt đã thần thánh hóa vai trò của hổ để tạo biểu tượng sức mạnh cho cộng đồng. Theo quan niệm dân gian Á Đông, đặc biệt là Việt Nam và Trung Quốc, hổ tượng trưng sức mạnh, là vị thần bảo vệ, trấn giữ các phương chống lại tà ma. Có hình hổ trấn giữ ở cửa thì tà ma không dám thâm nhập.

Từ việc tôn sùng hổ, coi hổ là vị thần may mắn, đem lại bình an cho cuộc sống, trong tín ngưỡng tâm linh, người ta còn cầu cho vạn vật sinh sôi nảy nở theo quy luật trời đất bởi từ xưa dân ta đã cho rằng thần Hổ trấn bốn phương, bốn cõi, có uy quyền trong tay, vạn vật có sinh tồn được hay không là do ngài phán quyết. Việc thờ thần Hổ còn ngụ ý mong cho gia đình sung túc, mạnh khỏe, hưng thịnh.

Cho tới thời nay, nhiều gia đình Việt vẫn treo tranh thờ ngũ hổ như một lá bùa trấn trạch, xua đuổi tà ma. Người Khơ Mú thuộc họ Rvai (hổ) có nghi lễ cúng ma nhà (hrôigang). Họ diễn lại các động tác của vật tổ vào dịp tết Nguyên đán, hội hè..., kiêng động tay vào hổ, không săn bắt, giết, ăn thịt hổ. Khi gặp hổ chết, người Khơ mú khóc than thật sự như tổ tiên mình qua đời. Đặc biệt, người ta đặt bên cạnh người chết một chiếc chăn giống màu lông hổ, để hồn được siêu thoát, trở về với hổ, có nghĩa là về với tổ tiên.

Người Tà Ôi cũng có tục thờ Thần hổ (Giàng avó). Trong hệ thống thú rừng của người Tà Ôi, con hổ được coi là con vật có sức mạnh nhất. Hổ được người Tà Ôi coi như vị thần bảo hộ cho làng, việc bắt được hổ theo quan niệm của người Tà Ôi được ví như món quà tặng của thần rừng.

 

Hổ môn bài, di chỉ thẻ mộc triều Lê vào thế kỷ thứ 17, trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam.

Hổ môn bài, di chỉ thẻ mộc triều Lê vào thế kỷ thứ 17, trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam.

Vì sao hổ được gọi là Ông Cả Cọp và Ông Ba Mươi?

Các truyền thuyết lý giải hai cái tên: Ông Cả Cọp và Ông Ba Mươi của hổ khá lý thú. Theo sách Lĩnh Nam chích quái, người Văn Lang xưa gọi Mộc Tinh là Xương Cuồng (nghĩa là hành động một cách bạo ngược, tàn ác, không thể trấn áp được) ám chỉ loài thú dữ là hổ. Vì vậy, người dân phải lập đền thờ, hàng năm đến ngày 30 tháng chạp, theo lệ phải mang người sống tới nộp, mới được yên ổn. Từ phong tục cổ sơ có từ thời các vua Hùng này, con hổ được gọi là Ông Ba Mươi và tục lệ tế thần Xương Cuồng hằng năm vào ngày Ba mươi Tết được cho là có từ thời Văn Lang.

Cái tên Ông Ba Mươi còn gợi nhớ về truyền thuyết vua Gia Long trong những ngày lang bạt nơi rừng núi. Khi Nguyễn Ánh hết lương thực thì may mắn có thịt thú rừng do hổ tiếp tế. Để tỏ lòng biết ơn hổ, nhà vua đã cho lập miếu thờ và ra lệnh ai lỡ tay giết hổ sẽ bị phạt 30 trượng hoặc bắt sống thì thưởng 30 quan tiền.

Từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa đã có tám lần các chúa Nguyễn thiên di thủ phủ rồi cuối cùng trở về lại Phú Xuân (Huế ngày nay). Nhà Nguyễn chọn Kinh thành Huế vì vùng đất này đắc địa với địa thế tả Thanh long, hữu Bạch hổ. Tương truyền, khi cầu Bạch Hổ (lúc đó chưa được đặt tên) đang được xây cất, có một con hổ trắng đến ngồi ở giữa cầu khiến mọi người đều hoảng hốt bỏ chạy. Cũng chính vì thế cây cầu này được gọi là cầu Bạch Hổ.

Ở Việt Nam, hổ được xếp vào nhóm hộ môn thú (những con thú canh gác nhà cửa, lăng mộ, đình, chùa, miếu mạo) hay còn gọi là môn thần (thần canh cửa), là một trong những con vật được tạc trong các khu lăng mộ người Việt.

Người dân miền Tây Nam bộ đến nay vẫn tôn thờ hoặc kiêng kỵ hổ, như gọi hổ là Ông để tránh danh xưng hổ. Cọp ưa đi đêm gọi là Ông Ba Mươi, cọp ba chân gọi là Ông Ba cụt, cọp ba móng gọi là Ông Ba ngoe, cọp thành tinh gọi là Ông Chằn hay Ông Kẹ.

Do sợ cọp mà họ lập miếu thờ “Sơn quân chi thần”, thờ “Chúa xứ sơn lâm”, thờ “thần Hổ” và bầu cọp là Hương Cả của thôn làng. Nhiều tỉnh như Bến Tre, Sóc Trăng có truyền thuyết về ông Cả Cọp với motif khá giống nhau. Theo đó, tại nhiều địa phương, từ khi lập làng - theo tục truyền, hễ ai được cử làm Hương Cả đều bị bệnh chết. Do đó, suốt nhiều năm, không ai dám nhận chức ấy. Một năm nọ, có người can đảm nhận chức Cả thì liền bị cọp vồ suýt mất mạng. Từ đó, hương chức trong làng bàn nhau, cử cọp làm Hương Cả.

Hàng năm, làng đều phải làm lễ cử “Cả Cọp”, cúng một đầu heo quay và viết một tờ cử, cuộn tròn, để trong một ống tre đặt ở hốc đá, nơi cọp đã vồ ông Cả. Đúng lệ, năm nào, cọp cũng về ăn đầu heo và đổi tờ cử cũ lấy tờ cử mới. Về sau, sáu bảy năm liền, cọp không về, có một người mới dám nhận chức Hương Cả trở lại”.

Có lẽ vậy, ở Nam bộ, không ai gọi con đầu lòng là anh Cả như ngoài Bắc, thay vào đó gọi là anh Hai, vì sợ đụng chạm đến ông “Cả Cọp”. Dân gian có tục lệ là vào ngày mồng ba Tết Nguyên đán, sau khi cúng xong, người ta thường dán trước cửa nhà một mảnh giấy hồng điều có vẽ hình cọp với dòng chữ Hán “Sơn Lâm đại tướng quân” với lòng mong muốn là “ông Ba Mươi” sẽ trấn giữ nhà cửa, đất đai.

Ngoài ra, tại nhiều địa phương, thần Hổ được tôn xưng là thành hoàng làng. Ngôi đình cổ Bình Thủy tại thành phố Cần Thơ có khởi thủy là ngôi đình cổ liên quan đến chuyện hổ thần cứu người. Hiện bộ cốt thần Hổ vẫn còn được lưu giữ tại một góc khuất trong đình. Lần xây dựng năm 1909, đình Bình Thủy có thêm ngôi miếu thờ thần Hổ. Đến nay, bộ da thần Hổ vẫn luôn được lưu giữ nguyên vẹn đặt trên bệ thờ, dân địa phương vẫn xem thần Hổ là “ông Cả”, tức Thành hoàng Bổn cảnh của làng.

Nguồn: Phapluatplus.vn