NĂM 2021 - NGÀNH QUẢN LÝ QUỸ TỰ HÀO ĐÓNG GÓP TÍCH CỰC VÀO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

 

Trong năm 2021, hoạt động nghiệp vụ kinh doanh của các công ty quản lý quỹ (CTQLQ) được phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Tính đến cuối năm 2021, trên thị trường có 43 CTQLQ đang hoạt động, theo số liệu báo cáo chưa kiểm toán do các công ty cung cấp, tổng tài sản quản lý của các CTQLQ có sự tăng trưởng mạnh trong năm 2021, đến thời điểm 31/12/2021 ước tính tổng giá trị tài sản quản lý (AUM - Asset Under Management) tại các CTQLQ là hơn 572 nghìn tỷ đồng, tăng 31% so với thời điểm cuối năm 2020. Trong đó, hoạt động huy động thành lập quỹ đầu tư chứng khoán được các CTQLQ đẩy mạnh, chỉ tính riêng trong năm 2021, số lượng quỹ đầu tư chứng khoán mới được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép thành lập là 14 quỹ (bao gồm 02 quỹ hoán đổi danh mục (ETF), 08 quỹ mở, 1 quỹ đóng và 3 quỹ thành viên) với tổng giá trị vốn huy động vào khoảng 1.400 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2021, tổng số quỹ đầu tư chứng khoán được cấp phép tại Việt Nam trên thị trường là 70 quỹ (bao gồm 9 quỹ ETF, 42 quỹ mở, 2 quỹ đóng, 1 quỹ bất động sản và 16 quỹ thành viên) và tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của các quỹ tại thời điểm cuối năm 2021 là khoảng hơn 83 nghìn tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2020. Trong đó, đáng chú ý là sự phát triển mạnh mẽ của các quỹ ETF cả về số lượng và chất lượng. Nếu như trong giai đoạn trước năm 2020, trên thị trường chỉ có 2 quỹ ETF (ETF VFMN30, ETF SSIAM VNX50) hoạt động chưa thực sự hiệu quả thì tính đến hết tháng 12/2021, tổng số lượng các quỹ ETF tại Việt Nam lên đến 9 quỹ, và đặc biệt là có sự xuất hiện của các quỹ ETF có quy mô và danh mục chỉ số bám sát các chỉ số dẫn dắt thị trường như VN30, VN Diamond, VNFinLead. Tổng quy mô của các quỹ ETF tăng lên đáng kể với tổng giá trị tài sản ròng cuối năm 2021 đạt hơn 29 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cuối năm 2020, trong đó nhà ĐTNN sở hữu trung bình hơn 95% tổng giá trị tài sản của các ETF. Điều này cho thấy quỹ ETF không chỉ là công cụ giúp đa dạng hóa sản phẩm đầu tư, gia tăng thanh khoản, ổn định thị trường mà còn là sản phẩm thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vào TTCK Việt Nam.

Ngoài ra, hoạt động quản lý danh mục đầu tư cho khách hàng ủy thác cũng được các CTQLQ chú trọng, phát triển ổn định, đặc biệt là khối khách hàng là các doanh nghiệp bảo hiểm luôn có tổng giá trị tài sản ủy thác chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản quản lý tại các CTQLQ. Tính đến cuối tháng 12/2021, tổng giá trị danh mục đầu tư của khách hàng ủy thác tại các công ty quản lý là khoảng 488 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 29% so với năm 2020. Vốn ủy thác của nhà đầu tư được các CTQLQ đầu tư chủ yếu vào các loại tài sản có mức thu nhập ổn định như trái phiếu chính phủ, tiền gửi ngân hàng và do đó gần như không bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Bên cạnh nỗ lực phát triển hoạt động kinh doanh, các CTQLQ cũng định hướng chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, không ngừng nâng cao năng lực quản trị công ty, áp dụng các nguyên tắc quản trị cao nhất theo quy định của pháp luật và tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp theo thông lệ quốc tế. Đội ngũ nhân sự được đào tạo có chứng chỉ hành nghề, có trình độ chuyên môn của khối CTQLQ ngày càng tăng. Một số CTQLQ được nhiều tổ chức tín nhiệm quốc tế đánh giá cao trong hoạt động quản trị doanh nghiệp và đạt được mức độ hài lòng tốt của khách hàng.

Có thể nói năm 2021 vừa qua, lĩnh vực quản lý quỹ Việt Nam đã có những bước trưởng thành vững chắc và đóng góp tích cực vào sự phát triển ổn định của TTCK Việt Nam. Tựu chung về những mặt được của hoạt động quản lý quỹ trong năm 2021 và cả giai đoạn vừa qua có thể tóm tắt một số điểm sáng như sau:

Thứ nhất, mặc dù ra đời rất muộn so với thế giới và phát triển trong giai đoạn không thuận lợi khi nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, tuy nhiên lĩnh vực quản lý quỹ đã có một khung pháp lý đầy đủ, hoàn thiện và được định hướng phát triển một cách ổn định, an toàn, thận trọng dựa trên nền tảng những quy định pháp luật chặt chẽ theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế; từ đó nhiều CTQLQ đã xây dựng được hạ tầng phát triển hiện đại, có mô hình quản trị hiệu quả và tích cực đào tạo đội ngũ nhân viên có kinh nghiệm, chuyên môn.

Thứ hai, các CTQLQ, các quỹ đầu tư chứng khoán đã từng bước khẳng định vai trò là những nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp khi huy động, thành lập và phát triển được nhiều loại hình quỹ theo đúng mô hình hiện đại của thế giới. Các CTQLQ đã không ngừng nỗ lực mở rộng kinh doanh, tìm kiếm khách hàng, gia tăng tổng giá trị tài sản ủy thác của nhà đầu tư và thực hiện quản lý chuyên nghiệp để góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của TTCK bền vững, đồng thời mang lại hiệu quả và niềm tin cho cộng đồng đầu tư.

Thứ ba, một số CTQLQ đã chủ động, tích cực huy động vốn đầu tư từ nhà ĐTNN, từng bước tạo ra một kênh dẫn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài an toàn vào các doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp Việt Nam gọi vốn qua TTCK.

Thứ tư, các CTQLQ đã phát huy vai trò là những nhà quản lý tài sản chuyên nghiệp cho các tổ chức tài chính lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp bảo hiểm và các tổ chức tín dụng, góp phần chuyên nghiệp hóa các hoạt động trên thị trường tài chính, ngân hàng. Đến nay, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán đã và đang chuyển hoàn toàn các hoạt động đầu tư tài chính sang các CTQLQ để thực hiện quản lý hoạt động đầu tư bài bản theo đúng mô hình của các tổ chức tài chính hiện đại trên thế giới.

Thứ năm, sự phát triển của các quỹ đầu tư chứng khoán đã góp phần đa dạng hóa các kênh đầu tư của công chúng đầu tư, đồng thời thúc đẩy đầu tư chứng khoán xanh và đầu tư có trách nhiệm theo xu hướng tiệm cận với thông lệ quốc tế vì mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài ra, thông qua sự phát triển của các quỹ trái phiếu hình thành kênh dẫn vốn hiệu quả từ nguồn vốn nhàn rỗi cá nhân đến với các doanh nghiệp có nhu cầu về vốn, góp phần hoàn thiện cấu trúc thị trường trái phiếu.

Có ý kiến cho rằng hoạt động quản lý quỹ đầu tư chứng khoán tại Việt Nam vẫn còn có tiềm năng lớn để phát triển trong thời gian tới. Tỷ trọng giá trị tài sản quản lý của các CTQLQ trên GDP của Việt Nam là 5,5%, nhỏ hơn so với một số nước trong khu vực. Một số nguyên nhân có thể kể đến là do: (i) Nhà đầu tư trong nước có thói quen tự đầu tư, gửi tiết kiệm với lãi suất ổn định thay vì ủy thác qua các quỹ đầu tư được quản lý bởi các chuyên gia tài chính; (ii) Hệ thống đại lý phân phối chứng chỉ quỹ còn hạn chế, mặc dù pháp luật chứng khoán đã cho phép các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bảo hiểm phân phối các chứng chỉ quỹ nhằm tận dụng mạng lưới rộng khắp của các tổ chức này. Thực tế hiện nay, phân phối chứng chỉ quỹ đại đa số là phân phối trực tiếp qua CTQLQ, công ty chứng khoán, trong khi mạng lưới các công ty này chủ yếu tập trung ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh dẫn tới việc hạn chế tiếp cận công chúng nhà đầu tư và phát triển mạng lưới phân phối sản phẩm quỹ; (iii) Chất lượng hoạt động của các CTQLQ là không đồng đều. Một số CTQLQ hoạt động ổn định và phát triển tốt chủ yếu là do có sự hỗ trợ của cổ đông là các định chế tài chính lớn như doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán. Một số công ty hoạt động chưa hiệu quả, chưa huy động thành lập được quỹ.

Vì vậy, trong thời gian sắp tới, để thúc đẩy sự phát triển hoạt động của các CTQLQ, quỹ đầu tư chứng khoán tại Việt Nam, cần tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu, giải pháp như sau: (i) Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các CTQLQ, phấn đấu đến năm 2030 quy mô quản lý tài sản đạt khoảng 6 - 10% GDP; (ii) Tiếp tục phát triển và đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư, trong đó cần thúc đẩy quỹ hưu trí, các loại hình quỹ mới; (iii) Tiếp tục nâng cao năng lực của các CTQLQ (năng lực tài chính, năng lực cung cấp dịch vụ, năng lực cạnh tranh và quản trị rủi ro); (iv) Mở cửa thị trường dịch vụ quản lý tài sản theo lộ trình hội nhập đã cam kết, kết hợp với việc nâng cao sức cạnh tranh của ngành quản lý quỹ tại Việt Nam, nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ quản lý tài sản, năng lực quản trị rủi ro, đạo đức nghề nghiệp và năng lực quản trị doanh nghiệp.

Có thể nói những kết quả đạt được của hoạt động quản lý quỹ trong năm 2021 vừa qua là rất đáng ghi nhận và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của TTCK Việt Nam. Mặc dù vậy, tiềm năng phát triển của các quỹ đầu tư chứng khoán tại Việt Nam là còn nhiều nếu như chúng ta tiếp tục phát huy tốt những kết quả đã đạt được và quyết tâm thực hiện các mục tiêu, giải pháp đề ra một cách khoa học, có lộ trình phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế và tình hình thực tế của Việt Nam. 

 

Nguồn: Tapchichungkhoanvietnam.vn