Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán 2022

Nhiều kỷ lục trên thị trường chứng khoán được xác lập

Theo thông tin từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 11/2021 là 221.314 tài khoản, nâng tổng số tài khoản lên hơn 4 triệu lập kỷ lục mới của thị trường chứng khoán. Đây cũng là con số lớn nhất trong lịch sử 21 năm thành lập thị trường.

Thị trường chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2022 (Nguồn ảnh CafeF)

Thị trường chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2022 (Nguồn ảnh CafeF)

Không chỉ lập kỷ lục về số lượng tài khoản mở mới, trên thị trường chứng khoán, VN-Index đã thành công chinh phục ngưỡng 1.500 điểm. Đáng chú ý, sau các đợt giảm điểm khi dịch Covid-19 bùng phát trong nước, thị trường thường bật tăng mạnh mẽ nhờ kỳ vọng phục hồi kinh tế. Tính đến cuối tháng 11, VN-Index tăng gần 34% so với năm 2020, nằm trong top thị trường mang lại suất sinh lời cao nhất trên thế giới.

Thanh khoản trên thị trường liên tục thiết lập mức cao mới, với mức giá trị giao dịch khớp lệnh cao nhất trên 43.000 tỷ đồng/ngày (ngày 19/11). Tính bình quân, giá trị giao dịch khớp lệnh hàng ngày gấp 4 lần so với năm 2020 lên gần 20.000 tỷ đồng/ngày. Các công ty chứng khoán đánh giá, hầu hết các ngành đều đang giao dịch ở mức cao nhất trong vòng 1 năm trở lại đây.

Khối ngoại duy trì chiến lược bán ròng trong năm 2021, với tổng giá trị bán ròng gần 55.000 tỷ đồng (tương đương 2,6 tỷ USD), gấp 3 lần so với mức bán ròng trong năm 2020.

Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng hơn 84.000 tỷ đồng trong 11 tháng đầu năm, là động lực chính giúp tăng thanh khoản thị trường và VN-Index liên tục lập đỉnh mới trong năm 2021.

Thị trường chứng khoán sẽ rơi vào kịch bản nào?

Trong báo cáo cập nhật triển vọng thị trường chứng khoán năm 2022, Công ty Chứng khoán VCBS dự báo mức cao nhất trong năm 2022 của chỉ số VN-Index có thể tiến lên đến vùng điểm số 1.580 – 1.600, tương đương với mức tăng khoảng 6-8% so với mức đỉnh của năm 2021.

Ông Lê Quang Minh – Giám đốc Phân tích – CTCK Mirae Asset Việt Nam (MAS) dự báo thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục tăng trưởng, dù sẽ có nhiều rủi ro

Ông Lê Quang Minh – Giám đốc Phân tích – CTCK Mirae Asset Việt Nam (MAS) dự báo thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục tăng trưởng, dù sẽ có nhiều rủi ro

Các chuyên gia của Công ty chứng khoán Mirae Asset thì đánh giá kỳ vọng tăng trưởng EPS (thu nhập trên mỗi cổ phần) cao là động lực chính thúc đẩy sự tăng giá của thị trường chứng khoán Việt năm 2022. Với triển vọng kinh tế vĩ mô lạc quan, Mirea Asset dự phóng mức EPS tăng trưởng kép giai đoạn 2020-2022 khoảng 29%/năm, mức P/E hợp lý khoảng 16 lần và dự phóng VN-Index năm 2022 khoảng 1.700 điểm trong kịch bản cơ sở.

Cũng trong một kịch bản lạc quan khác, Công ty Chứng khoán VnDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại trạng lại “bình thường mới” vào năm 2022 với triển vọng tăng trưởng tươi sáng và vững chắc hơn nhờ đạt tỷ lệ tiêm chủng cao. GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 7,5% so với cùng kỳ vào năm 2022, với tốc độ phục hồi cao trên mọi phương diện. Công ty chứng khoán này kỳ vọng VN-Index đạt 1.700-1.750 điểm trong năm 2022.

Dữ liệu tăng trưởng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2021 (Hình minh họa)

Dữ liệu tăng trưởng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2021 (Hình minh họa).

Còn trong báo cáo chiến lược gần đây nhất, Công ty Chứng khoán TP HCM cho rằng với động lực là đà hồi phục của nền kinh tế và sự bình thường hóa trong năm 2022, VN-Index được dự báo tăng cán mốc 1.800 điểm vào cuối năm 2022.

Đa số các chuyên gia và các công ty chứng khoán đều nhận định, thị trường chứng khoán nhìn chung vẫn sẽ là một kênh đầu tư hấp dẫn - nhất là với các nhà đầu tư cá nhân.

Mặc dù có nhiều tín hiệu lạc quan nhưng các chuyên gia vẫn cảnh báo có những rủi ro từ vĩ mô mà có thể thị trường chứng khoán phải đối diện. Rủi ro từ lạm phát, yếu tố đầu vào phục vụ cho sản xuất hàng hóa đã tăng mạnh trong thời gian qua. Rủi ro nợ xấu ngành ngân hàng tăng cao trong năm 2022. Diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong những tháng cuối năm 2021 và sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron cũng là một nhân tố rủi ro cần xem xét.

Ông Lê Quang Minh – Giám đốc Phân tích – CTCK Mirae Asset Việt Nam (MAS) dự báo thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục tăng trưởng, dù sẽ có nhiều rủi ro.

Ông Minh cho biết, các động lực tăng trưởng chính trong năm 2022 bao gồm: Dòng vốn FDI kì vọng tăng trưởng trở lại khi dịch được kiểm soát, khi Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của làn sóng FDI toàn cầu. Đầu tư công được đẩy mạnh. Xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng khi sản xuất trong nước quay trở lại hoạt động và nhu cầu bên ngoài hồi phục.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ kinh tế, duy trì mặt bằng cho vay thấp, ổn định vĩ mô, và việc thúc đẩy chuyển đổi số chính phủ và doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong sự hồi phục của nền kinh tế. Thêm vào đó, hiện tại chứng khoán Việt Nam còn rẻ so với khu vực. Ngoài ra, trong lộ trình tăng vốn của các công ty trên sàn chứng khoán, năm 2022 sẽ là điểm rơi và việc tăng vốn của các công ty sẽ bùng nổ vào năm 2022.

Nguồn: Phapluatplus.vn